1. Mắc dị vật đường tiêu hóa
Di vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là hóc đồ ăn, hóc xương cá hoặc mắc phải các loại dị vật khác như tăm, tre, đinh... vào đường tiêu hóa trên, thường là thực quản. Mắc dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm và đòi hỏi phải được xử lý ngay nếu không sẽ để lại một số biến chứng nặng nề như chảy máu, tạo ổ áp – xe, thủng trung thất hoặc đâm vào và làm tổn thương những động mạch có kích thước lớn xung quanh thực quản.
Một số nguyên nhân dẫn đến dị vật đường tiêu hóa hay gặp trên thực tế lâm sàng đó là:
- Ăn quá nhanh và uống quá nhanh, nuốt vội vàng nên những khối thức ăn có dị vật bên trong không được nhận biết và bệnh nhân nuốt chúng vào đường tiêu hóa
- Thói quen vừa ăn vừa trò chuyện
- Thói quen nhai không kỹ và không cẩn thận
- Bệnh nhân lớn tuổi không thể cắn và xé thức ăn do răng yếu nên có xu hướng nuốt khối thức ăn có xương hoặc dị vật vào thực quản mà không nhai
- Thói quen vội uống thuốc chưa bỏ vỏ chứa cạnh sắc nhọn
- Thói quen dùng tăm tre sau khi ăn và ngậm tăm tre.
- Một số bệnh lý khác cũng gây ra dị vật đường tiêu hóa như hẹp thực quản, co thắt thực quản, Sẹo loét thực quản, hẹp tâm vị, hẹp môn vị, hẹp hành tá tràng...
- Những bệnh lý gây chèn ép thực quản như u trung thất
- Người sử dụng răng giả
- Những người từng phẫu thuật dạ dày và tá tràng
- Trẻ em có thói quen ngậm đồ chơi
Các loại dị vật đường tiêu hóa thường gặp có thể kể đến như sau:
- Dị vật thực sự: Xương cá, xương động vật, tăm tre, kim băng... có tỷ lệ cao nhất trong các loại dị vật đường tiêu hóa
- Dị vật là những loại thức ăn không được nhai kỹ như khối thịt to, búi rau...
- Dị vật là những bã thức ăn thành cục: Đây là loại dị vật đường tiêu hóa do bã, xơ thực vật, hạt của trái cây, lông, tóc cùng với chất nhầy từ dạ dày kết hợp thành.
Các dấu hiệu điển hình của người mắc dị vật đường tiêu hóa như sau:
- Cảm giác dị vật, hay còn gọi là cảm giác nuốt vướng, đau khi nuốt
- Không ăn hay uống được
- Khi cố gắng ăn hoặc uống thì bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng nôn
- Khó thở, tức ngực, đau nóng rát sau xương ức
- Khi mắc dị vật đường tiêu hóa ở dạ dày thì những dị vật, có thể là khối thức ăn sẽ gây tắc đoạn môn vị và hành tá tràng của bệnh nhân, đồng thời bệnh nhân cũng có triệu chứng khác như ăn uống tạm, buồn nôn, đau bụng thượng vị, thức ăn không tiêu hóa, nôn ra dịch thức ăn.
- Những trường hợp nặng hơn, khi bệnh nhân mắc dị vật đường tiêu hóa không nhận biết được những dấu hiệu kể trên và tìm đến bác sĩ muộn thì có thể lúc đó dị vật đường tiêu hóa sẽ làm trầy xước, thậm chí rách và nhiễm trùng đường tiêu hóa, biểu hiện nhiễm trùng như sốt, đau họng, ứ đờm và thức ăn ở họng, nôn sau khi ăn là triệu chứng điển hình nhất trong tình trạng này.
2. Nội soi gắp dị vật
Với những dị vật đường tiêu hóa ở vị trí họng hoặc hạ họng thì bệnh nhân sẽ được gắp dị vật một cách trực tiếp ra khỏi họng. Tuy nhiên, với những vị trí dị vật đường tiêu hóa sâu hơn, chẳng hạn như dạ dày hay thực quản thì cần đến những phương pháp khác thì mới có thể điều trị được.
Một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay để điều trị dị vật đường tiêu hóa là kỹ thuật Nội soi gắp dị vật. Phương pháp này được thực hiện một cách an toàn, vừa có thể chẩn đoán mắc dị vật đường tiêu hóa và vừa có thể can thiệp để gắp dị vật từ đường tiêu hóa ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng cũng như chụp X – quang xác định vị trí của dị vật đường tiêu hóa ̧ đồng thời sẽ được làm một số Xét nghiệm tiền mê cần thiết để tiến hành nội soi gắp dị vật đường tiêu hóa.
Nội soi dị vật thực quản sử dụng nội soi ống mềm để thực hiện kỹ thuật gắp dị vật trong dạ dày, tuy nhiên nếu một số trường hợp bệnh lý có dị vật có kích thước quá lớn hoặc có nguy cơ gây ra tổn thương trong quá trình nội soi thì bệnh nhân cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mổ hở.
Ngoài ra, những trường hợp dị vật đường tiêu hóa đã để lại biến chứng trên bệnh nhân thì trong đường tiêu hóa lúc này đã hình thành những vị trí bị viêm nhiễm hay những ổ áp – xe do bệnh nhân đến bệnh viện trong giai đoạn quá muộn thì sau khi nội soi gắp dị vật, bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi và điều trị nội trú tại bệnh viện sau khi phẫu thuật nội soi kết thúc, thường sẽ là điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng cùng với dẫn lưu.
Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa khả năng mắc dị vật đường tiêu hóa đó là bệnh nhân phải tránh được những nguy cơ nguy hiểm dẫn đến bệnh lý này như ăn uống quá nhanh, thói quen ngậm tăm, thói quen ngậm đồ chơi của trẻ hoặc một số bệnh lý có thể dẫn đến dị vật đường tiêu hóa.
Mắc dị vật đường tiêu hóa như hóc xương cá hoặc hóc đồ ăn là tình trạng cấp cứu đường tiêu hóa nguy hiểm, có khả năng dẫn đến những biến chứng gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Vì vậy, để tránh dị vật đường tiêu hóa thì bệnh nhân cần có thói quen ăn uống khoa học, tránh để dị vật có cơ hội đi vào đường tiêu hóa và ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện và có biện pháp điều trị nhanh nhất trước khi bệnh diễn tiến nặng nề hơn.