Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Đau tim: Phát hiện và điều trị sớm

11/10/2020
Đau tim: Phát hiện và điều trị sớm

Đau tim là biểu hiện của bệnh lý động mạch vành, một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta. Tìm hiểu kiến thức về đau tim là cách cứu lấy chính mạng sống của bạn. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có hiểu biết hơn về đau tim và phục hồi sau đau tim.

1. Dấu hiệu của đau tim

Một cơn đau tim điển hình thường xảy ra đột ngột và dữ dội, nhưng cũng có trường hợp lại bắt đầu với cảm giác đau nhẹ hoặc khó chịu ở ngực. Vậy nên hãy chú ý đến cơ thể bạn và khi gặp bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đau tim nào dưới đây, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để có điều trị kịp thời:

Đau ngực:

Hầu hết các cơn đau tim liên quan đến sự khó chịu ở vùng ngực trái hay giữa ngực. Cảm giác đau nhói theo cơn hoặc căng tức như bị ép bởi vật nặng. Cơn đau ở ngực thường kéo dài vài phút, nó biến mất và sau đó lại xuất hiện trở lại.

Cần nhấn mạnh rằng không phải ai cũng có cơn đau ngực điển hình, cơn đau có thể nhẹ, thoáng qua nên có thể bỏ qua hay nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh lý khác như triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, trào ngược của dạ dày. Trong một số trường hợp, có thể không có bất kỳ cơn đau ngực nào cả, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nên khi muốn xác định một người có bị đau tim không cần kết hợp các triệu chứng chứ không chỉ dựa vào mức độ đau ngực.

Thở gấp: Khi cơ thể hoạt động mạnh như chạy, nhảy, tập thể dục thể thao thì việc thở gấp là điều bình thường. Thế nhưng khi bạn thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống một cách đột ngột mà cơ thể cũng thở gấp thì bạn nên thận trọng. Bởi rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim. Theo khảo sát có tới 45% bệnh nhân có dấu hiệu này trước khi cơn đau tim xuất hiện.

Bị bối rối: Đừng chủ quan nếu thấy bản thân bị bối rối nhé, dù ít gặp dấu hiệu này nhưng cảm giác bị mất phương hướng cũng cảnh báo cơn đau tim cho bạn.

Đau cánh tay: Mọi người thường nghĩ những dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim hay tập trung ở các cơn đau vùng ngực. Thế nhưng ít người biết rằng cơn đau có thể bắt đầu từ những vị trí khác của cơ thể, điển hình như cánh tay.

Bốc hỏa: Những cơn bốc hỏa thường xuất hiện ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh do thay đổi hóc môn. Tuy nhiên không ngoại trừ khả năng đây là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim khiến cho nhiều người bị nhầm lẫn. Một nghiên cứu đã cho thấy có khoảng 55% nữ giới và 45% nam giới ghi nhận cơn bốc hỏa xuất hiện như triệu chứng của cơn đau tim.

Các dấu hiệu đi kèm: Ngoài các dấu hiệu điển trên, cơn đau tim còn có thể xảy ra với các dấu hiệu sau:

  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi, choáng váng.

2. Nguyên nhân của đau tim

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau tim phổ biến nhất:

2.1 Bệnh mạch vành:

Động mạch vành là mạch máu cung cấp máu cho tim. Bệnh Mạch vành là tình trạng động Mạch vành bị tắc nghẽn bởi các mảng bám cholesterol.

Trước khi bị nhồi máu cơ tim, các mảng bị vỡ ra tạo thành các cục máu đông, các cục máu đông này gây tắc nghẽn, ngăn cản quá trình cung cấp máu cho cơ tim.

Những đối tượng có nguy cơ cao gồm:

  • Người nghiện thuốc lá
  • Người có chế độ ăn nhiều chất béo
  • Bệnh tiểu đường
  • Cholesterol cao
  • Huyết áp cao
  • Thừa cân hoặc béo phì

2.2 Lạm dụng thuốc

Các chất kích thích như cocain, amphetamine và methamphetamine có thể làm thu hẹp động mạch vành, hạn chế cung cấp máu cho cơ tim và kích hoạt các cơn đau tim. Các cơn đau tim do sử dụng cocain là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong đột ngột ở người trẻ tuổi.

2.3 Thiếu oxy máu

Một số trường hợp do suy giảm chức năng phổi hoặc do Ngộ độc khí cacbon monoxit (khí CO) mà tim sẽ nhận được máu không bị oxy hóa, làm cho cơ tim không có oxy để hoạt động, cơ tim bị tổn thương và gây đau tim.

3. Cơn Đau tim trở nên nguy hiểm khi nào?

Những cơn đau tim sẽ trở nên nguy hiểm khi xuất hiện các triệu chứng trầm trọng, kéo dài và không có dấu hiệu giảm bớt dù đã nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc đau thắt ngực. Khi đó rất có thể cảnh báo cho một cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm.

Đau ngực là một tình trạng cấp cứu, vì vậy bạn cần gọi cấp báo hoặc đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời. Tránh để lâu biến chứng càng nguy hiểm có thể gây tử vong cho người bệnh. Bệnh nhân bị đau tim được đưa đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt, như vậy sẽ tăng cơ hội sống sót và giảm tối đa tổn thương cho tim.

Các bác sĩ có thể kiểm tra và chẩn đoán tình hình của bệnh nhân bằng cách áp dụng các phương pháp hiện đại như siêu âm tim, chụp CT,... Tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể để bác sĩ chỉ định kỹ thuật phù hợp.

1 - 2 tiếng là thời gian tốt nhất để bệnh nhân tiếp cận với điều trị kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Bất kỳ sự trì hoãn, chậm trễ có thể khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao hơn.

4. Cách xử trí cơn đau tim

Khi quan sát thấy cơ thể bạn có các dấu hiệu của cơn đau tim thì bạn cần phải gọi cấp cứu ngay. Đó có thể là một sự nhầm lẫn nhưng nó chấp nhận được so với việc có thể phải mất đi một mạng người nếu bạn không gọi cấp cứu kịp thời.

Khi bạn thực sự có cơn đau tim, các lựa chọn điều trị cơn đau tim phụ thuộc vào việc bạn có nhồi máu cơ tim hay không. Nhồi máu cơ tim là dạng đau tim nghiêm trọng nhất và cần được điều trị khẩn cấp để giảm tổn thương tim.

Phương pháp điều trị được sử dụng sẽ phụ thuộc vào thời điểm các triệu chứng bắt đầu và bạn có thể tiếp cận điều trị sớm hay không:

  • Can thiệp động mạch vành qua da (PCI): Đây là biện pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên cho những người bệnh nhồi máu cơ tim xuất hiện trong vòng 12h. Mạch vành bị hẹp, tắt sẽ được nong ra bằng dụng cụ hay được gọi là stent. Sau khi can thiệp mạch vành cần sử dụng một số loại thuốc để ngăn ngừa huyết khối hay tái hẹp như aspirin, clopidogrel, prasugrel, ticagrelor...
  • Sử dụng thuốc làm tan cục máu đông: Với các trường hợp dù các triệu chứng đau tim xuất hiện chưa quá 12h nhưng lại không thể can thiệp mạch vành qua da thì sẽ được chỉ định các thuốc làm tan cục máu đông như các nhóm reteplase, streptokinase, urokinase,...
  • Nếu các triệu chứng xuất hiện đã quá 12 giờ, bệnh nhân có thể được cung cấp một quy trình điều trị khác, đặc biệt là nếu các triệu chứng đã được cải thiện. Quá trình điều trị tốt nhất sẽ được các bác sĩ quyết định sau khi có kết quả chụp mạch vành, quy trình điều trị có thể bao gồm thuốc, PCI hoặc phẫu thuật bắc cầu.

5. Hồi phục sau đau tim

Quá trình phục hồi sau cơn đau tim có thể mất vài tháng, đây là một quá trình cần hồi phục từ từ mà không được vội vàng. Trong thời gian phục hồi, tùy mức độ tổn thương từ cơn đau tim mà bệnh nhân có thể phải tập Vật lý trị liệu hoặc chỉ cần vận động thể dục hợp lý kết hợp với chế độ ăn kiêng phù hợp.

Quá trình phục hồi thường diễn ra theo từng giai đoạn, bắt đầu từ bệnh viện cho đến sau khi được ra viện bệnh nhân có thể tiếp tục phục hồi tại nhà.

Hai mục tiêu quan trọng nhất của quá trình phục hồi là: Dần dần khôi phục lại thể chất của bệnh nhân để có thể tiếp tục các hoạt động bình thường và Giảm nguy cơ bị đau tim khác.

5.1 Tập thể dục

  • Sau khi trở về nhà, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, tránh các hoạt động thể lực mạnh và chỉ thực hiện các hoạt động nhẹ, như đi bộ lên và xuống cầu thang vài lần trong ngày hoặc đi bộ một quãng ngắn.
  • Sau một thời gian, bệnh nhân có thể tăng dần khối lượng hoạt động lên.

5.2 Chế độ ăn uống phù hợp

  • Người bệnh có khẩu phần ăn hợp lý, giảm tinh bột, giảm mỡ. Ăn trái cây, ăn ít thịt thay bằng cá.
  • Thay thế bơ và pho mát bằng các sản phẩm từ dầu thực vật như dầu ô liu.
  • Không nên dùng thực phẩm bổ sung trước khi tham khảo ý kiến ​​bác hoặc các chuyên gia. Một số chất bổ sung (ví dụ như beta-caroten) có khả năng gây hại.

5.3 Lối sống

  • Không nên hút thuốc lá: nếu đã từng hút thuốc thì bệnh nhân nên cai thuốc vì sức khỏe của chính mình
  • Không nên uống rượu,bia: uống nhiều rượu, và thức uống có cồn làm tăng huyết áp, nồng độ cholesterol và tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau tim khác. Nghiên cứu đã cho thấy người tiếp tục uống rượu sau đau tim có nguy cơ tử vong tăng gấp 2 lần so với người không sử dụng rượu.
  • Kiểm soát cân nặng: nếu đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì, bạn nên giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách kết hợp thể dục và chế độ ăn kiểm soát calo dành cho người béo phì.

Hãy có lối sống khỏe, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ và khám sức khỏe định kỳ. Theo dõi cơn đau tim của bạn, nếu các triệu chứng thay đổi hoặc trở nên xấu hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng mới, hãy báo ngay cho bác sĩ.