Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Giun chui ống mật - Những điều bạn cần biết

22/11/2020
Giun chui ống mật - Những điều bạn cần biết

Giun chui ống mật là bệnh lý khá phổ biến trước đây do tỷ lệ nhiễm giun sán cao. Ngày nay, với hiệu quả của công tác dự phòng và tẩy giun định kỳ, tỷ lệ người mắc bệnh đã giảm nhiều trong cộng đồng. Giun chui ống mật xảy ra khi mật độ giun tăng lên với số lượng lớn trong ống tiêu hóa và khiến chúng di chuyển ngược hướng lên hệ thống đường mật.

1. Giun chui ống mật là bệnh gì?

Giun chui ống mật là một biến chứng của tình trạng nhiễm giun trong đường tiêu hóa. Giun ký sinh ở ruột non có thể di chuyển ngược lên tá tràng, đến cơ vòng oddi và lọt vào ống mật chủ, ống gan chung, ống túi mật và hệ thống đường mật trong gan. Vào đường mật, giun có thể sống ký sinh tại chỗ, xác giun sau khi chết trở thành nhân để hình thành sỏi đường mật sau này. Biến chứng của giun chui ống mật có thể là nhiễm trùng đường mật, áp xe đường mật, áp xe gan. Bệnh giun chui ống mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Các yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm chế độ ăn thiếu protein, thể trạng gầy gò, độ toan thấp của dịch vị và các bệnh lý nhiễm khuẩn.

Giun chui ống mật - Những điều bạn cần biết - ảnh 1

2. Tại sao giun chui vào ống mật?

Ống dẫn mật gồm có: Các ống dẫn mật trong gan, ống mật chủ, cuống của túi mật, ngã ba ống mật chủ - cuống túi mật và túi mật. Nơi ống mật chủ đổ vào hành tá tràng có một lỗ có cơ xương xung quang (cơ vòng Oddi) co bóp nhịp nhàng để đưa mật xuống hành tá tràng. Giun chui ống mật là hiện tượng giun từ ruột non đi ngược lên hành tá tràng rồi chui vào ống mật chủ, túi mật. Thông thường loại giun hay chui lên ống mật là giun đũa.

Có nhiều nguyên nhân làm cho giun từ ruột non đi ngược lên hành tá tràng rồi chui vào ống dẫn mật hoặc túi mật. Nguyên nhân hay gặp nhất là dùng thuốc tẩy giun không đủ liều làm cho giun đũa không bị liệt hẳn mà lại kích thích làm rối loạn vận động của chúng, giun sẽ chuyển động không định hướng từ ruột non đi lên hành tá tràng rồi chui vào ống dẫn mật, túi mật.

Một số trường hợp giun chui ống mật là do dịch vị dạ dày bài tiết kém (nhất là các trường hợp sau mổ cắt dạ dày) nên giun mới có điều kiện chui ngược dòng đi lên. Lý do là dịch vị có độ pH rất thấp cho nên không thích hợp với nhiều loài vi sinh vật nói chung và cả các loài giun nói riêng. Một số khác thì do môi trường của ruột thay đổi như trong bệnh tiêu chảy hoặc Táo bón dài ngày cho nên giun phải đi tìm một môi trường thích hợp hơn để sống và tồn tại.

Đối với trẻ em, nguyên nhân khiến giun chui ống mật là do số lượng giun trong ruột quá nhiều làm chúng bị thiếu chất Dinh dưỡng nên đi tìm môi trường mới.

3. Triệu chứng của giun chui ống mật

Giun chui ống mật biểu hiện trên lâm sàng bằng nhiều triệu chứng khác nhau như:

  • Đau bụng: Thường bệnh nhân sẽ đau tại vùng dưới hạ sườn phải tương ứng với vị trí của hệ đường mật. Triệu chứng đau thường xuất hiện thành từng cơn, tính chất cơn đau dữ dội, có thể lan lên vai phải. Tư thế giảm đau điển hình trong giun chui ống mật là tư thế chổng mông. Trẻ em thường được yêu cầu bế vác trên vai để cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Nôn mửa: Buồn nôn và nôn cũng là những triệu chứng có thể gặp trong giun chui ống mật. Nếu số lượng giun quá nhiều, người bệnh có thể nôn ra cả con giun trưởng thành.

Nếu giun chui vào ống mật gây ra biến chứng, người bệnh có thể có các biểu hiện nặng nề hơn như:

  • Sốt cao, dao động từ 38 đến 39 độ C, kèm rét run nếu xuất hiện các ổ áp xe đường mật hoặc áp xe tại gan.
  • Mệt mỏi, chán ăn, người xanh xao, gầy yếu.
  • Đau âm ỉ ở vùng hạ sườn phải, cảm giác đau tức thay thế cho những cơn đau cấp trong giai đoạn sớm.
  • Vàng da, vàng kết mạc mắt.
  • Khám thấy gan tăng kích thước, sờ vào tăng đau, rung gan dương tính.

Khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ giun chui vào ống mật, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế sớm nhất có thể, tránh để bệnh diễn tiến nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Giun chui ống mật - Những điều bạn cần biết - ảnh 2
Đau bụng là triệu chứng phổ biến của bệnh giun chui ống mật

4. Chẩn đoán giun chui vào ống mật

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, việc xác lập chẩn đoán giun chui ống mật một cách chính xác cần dựa vào các Xét nghiệm cận lâm sàng và phương tiện Chẩn đoán hình ảnh như:

  • Xét nghiệm công thức máu: Với bạch cầu tăng cao, tăng ưu thế bạch cầu đa nhân trung tính chỉ điểm cho tình trạng nhiễm trùng.
  • Bilan nhiễm trùng dương tính với tốc độ lắng máu và CRP tăng cao.
  • Bilirubin máu tăng cao khi có hiện tượng tắc mật.
  • Men gan trong giá trị bình thường để phân biệt với các nguyên nhân tắc mật có liên quan đến bệnh lý tại gan.
  • Chụp X-quang bụng giúp phân biệt với các nguyên nhân gây đau bụng cấp tính.
  • Chụp đường mật có thuốc cản quang cho phép phát hiện được hình ảnh giun trưởng thành hoặc Sỏi mật gây tắc mật.
  • Siêu âm ổ bụng: Quan sát thấy các hình ảnh gián tiếp phản ánh bất thường tại hệ đường mật như ống gan chung giãn rộng, lòng ống mật chủ có hình ảnh phản âm không động nhất.
  • Nội soi tá tràng đường mật: Là phương pháp có độ chính xác cao nhất, có vai trò vừa chẩn đoán vừa điều trị. Giun có thể được gắp ra qua hệ thống ống nội soi.

5. Giun chui ống mật có thể gây nên sỏi mật

Giun chui ống mật là bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại biến chứng gây nên sỏi mật

Giun có thể đi từ ruột lên tá tràng, sau đó chui qua cơ vòng Oddi để vào trong đường ống dẫn mật chủ. Tại đây, chúng có thể sinh sống và tồn tại trong một thời gian. Khi chết chúng để lại trứng giun và những mảnh xác giun không tiêu, tạo cơ hội để sắc tố mật lắng đọng bám vào và hình thành nên sỏi mật.

Viên Sỏi mật phát triển lớn dần theo thời gian, có thể gây tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật và làm tổn thương đường mật trong quá trình di chuyển, cọ xát. Từ đó dẫn tới tình trạng viêm, Nhiễm trùng đường mật hoặc gây viêm gan, áp xe gan, hoại tử... Nếu sỏi rơi xuống và kẹt ở ngã ba đường mật tụy, có thể gây biến chứng viêm tụy cấp. Đây đều là những biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.

6. Điều trị giun chui ống mật

Khi giun đã gây ra biến chứng hoặc triệu chứng đau nghiêm trọng, bạn có thể được chỉ định mổ đường mật để gắp giun và dẫn lưu đường mật.

Điều trị nội khoa bằng thuốc có thể được chỉ định khi chưa chắc chắn có giun ở trong ống mật hoặc hỗ trợ điều trị sau phẫu thuật gắp giun, bao gồm:

  • Thuốc giãn cơ trơn (cơ vòng Oddi): Atropine, Aminazine…
  • Thuốc lợi mật và tăng tiết dịch mật: Secretin, Bilifluine…
  • Thuốc tẩy giun: Fugacar, Albendazole, Menbendazole…

7. Phòng ngừa giun chui ống mật

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính vì vậy ngay từ bây giờ, bạn hãy thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh, để giúp bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Bạn cần thực hiện ăn chín, uống sôi, hạn chế các đồ ăn tái, gỏi, và các loại rau sống. Đồng thời, luôn nhớ tẩy giun theo định kỳ 6 tháng/lần để phòng giun và qua đó tránh được các hệ lụy từ sỏi mật.