1. Hẹp môn vị là biến chứng thường gặp ở bệnh Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày tá tràng là bệnh làm tổn thương loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần tiếp nối với dạ dày và là phần đầu của ruột non). Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong chẩn đoán và điều trị nhưng bệnh vẫn là một vấn đề sức khỏe lớn bởi số lượng bệnh nhân nhiều. Tính chất bệnh Loét dạ dày tá tràng mạn tính và dễ tái phát, và có thể gây một số biến chứng trong đó có biến chứng hẹp môn vị.
Khi Loét dạ dày - hành tá tràng biến chứng hẹp môn vị: thường biểu hiện là đau vùng thượng vị, nổi gò vùng thượng vị, nôn ra thức ăn cũ. Do thức ăn ứ đọng ở dạ dày nên người bệnh thường đau nhiều khi nằm, ngồi dậy thì đỡ hơn. Người bệnh khi nằm và thay đổi tư thế có thể nghe tiếng róc rách trong bụng, nếu người bệnh nằm ngửa sẽ thấy bụng lép kẹp (bụng lõm lòng thuyền). Người thường gầy, xanh xao, mệt mỏi, thèm ăn nhưng không dám ăn vì ăn vào đau nhiều hơn.
Không ít trường hợp, khi bị hẹp môn vị, người bệnh sẽ nôn ra thức ăn của ngày hôm trước, kèm theo dịch vị có mùi nồng nặc. Nôn nhiều vậy sẽ đi kèm với hiện tượng Mất nước và chất điện giải càng làm cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu, người gầy, da xanh, Mắt trũng, Da khô ráp và hay cáu gắt.
2. Làm sao để ngăn ngừa biến chứng Hẹp môn vị do viêm loét dạ dày tá tràng?
Loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân gây Hẹp môn vị nhiều nhất, bởi vậy cần phòng tránh căn bệnh này bằng cách: Ăn uống điều độ, luôn thực hiện ăn chậm, nhai kỹ. Không bao giờ ăn nhiều các thức ăn có vị chua dễ gây viêm loét dạ dày như dưa muối, cà muối, dấm, mẻ, sấu, me, khế, chanh...
Bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc, uống rượu, không uống nước chè đặc, Cà phê đặc, vì các chất này dễ gây viêm loét dạ dày. Không nên làm việc nặng ngay sau khi ăn. Tránh mọi căng thẳng tinh thần như tức giận, ghen tuông, đố kị... vì đó cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Thực hiện khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các căn bệnh: Ung thư dạ dày, polyp dạ dày, phì đại môn vị, lao, giang mai, u đầu tụy, ung thư đầu tụy... để loại bỏ các nguyên nhân gây hẹp môn vị.
3. Điều trị hẹp môn vị do viêm loét dạ dày tá tràng
Hẹp môn vị chủ yếu là điều trị bằng phẫu thuật, trước khi mổ, bệnh nhân phải được bồi phụ nước và điện giải, nâng cao thể trạng bằng truyền Huyết thanh ngọt, truyền đạm và máu nếu cần. Phẫu thuật nhằm giải quyết tình trạng hẹp môn vị đồng thời chữa tiệt căn các bệnh gây hẹp môn vị.
Đối với hẹp môn vị do loét dạ dày tá tràng mạn tính thì cắt 2/3 dạ dày; cắt dây Thần kinh X chọn lọc, đồng thời mở rộng môn vị hoặc cắt dây Thần kinh số X kết hợp nối vị tràng. Nếu có Ung thư dạ dày có thể cắt toàn bộ dạ dày hoặc cắt bán phần dạ dày tùy theo vị trí kích thước giai đoạn khối u.
Trường hợp bệnh nhân đến muộn hoặc tuổi cao, thể trạng quá yếu thì có thể nối vị tràng để lập lại lưu thông tiêu hóa. Bệnh nhân quá yếu, tuổi cao, đang bị các bệnh mạn tính như suy tim, lao, hen... thì nối vị tràng đơn thuần.