Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Biến chứng nguy hiểm của bệnh chân tay miệng

12/10/2021
Biến chứng nguy hiểm của bệnh chân tay miệng

Các dấu hiệu cảnh báo biến chứng của bệnh tay chân miệng thường không điển hình, rất dễ bị bỏ qua. Nguy hiểm hơn, các biến chứng này thường diễn biến nhanh và có thể gây tử vong trong vòng vài giờ.

1. Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây. Bệnh chủ yếu lây lan nhanh qua đường tiêu hóa. Bệnh xảy ra theo 2 mùa trong năm, từ tháng 2 đến tháng 5 và sau đó từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng thường rất dễ nhận biết. Đó là các bóng nước có kích thước khoảng 2 - 10mm, màu xám, hình bầu dục. Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân của trẻ và khi ấn thường không đau. Bóng nước cũng có thể xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây ra các vết loét trong miệng khiến trẻ đau, khó chịu, chảy nước miếng.

Khi nổi bóng nước, trẻ có thể bị Sốt nhẹ, quấy khóc và bỏ ăn. Các bóng nước có thể xẹp đi và tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Một số trẻ có kèm theo nôn ói, tiêu chảy ngay cả khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.

2. Biến chứng của bệnh chân tay miệng

Đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, có thể tự theo dõi trẻ bị tay chân miệng tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71, một số trẻ có biến chứng Tim mạch hô hấp, Thần kinh rất nguy hiểm như:

  • Biến chứng thần kinh: Viêm não, Viêm cơ tim, viêm màng não,...
  • Rung giật cơ, giật mình chới với: từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.
  • Ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi.
  • Rung giật nhãn cầu.
  • Yếu, liệt chi (liệt mềm cấp).
  • Liệt dây Thần kinh sọ não.
  • Co giật, hôn mê là những dấu hiệu vô cùng nguy hiểm, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.
  • Tăng trương lực cơ (biểu hiện duỗi cứng mất não, gồng cứng mất vỏ)
  • Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh chân tay miệng - ảnh 1
Bệnh chân tay miệng gây nhiều biến chứng cho trẻ

Quấy khóc dai dẳng khác thường, Sốt cao không hạ và giật mình là 3 triệu chứng rất sớm báo hiệu nguy cơ bệnh tay chân miệng diễn biến nặng.

Những trường hợp trẻ có thể bị gặp phải biến chứng:

  • Sốt hơn 2 ngày.
  • Sốt trên 39 độ C.
  • Sốt cao và khó hạ sốt.
  • Nôn ói nhiều.

Dấu hiệu trẻ đang bị biến chứng:

  • Giật mình chới với (thường lúc bắt đầu thiu thiu ngủ). Phụ huynh cần biết phát hiện dấu hiệu này.
  • Li bì, ngủ nhiều.
  • Run tay chân, đi đứng loạng choạng, yếu tay, yếu chân.

Dấu hiệu trẻ đã bị biến chứng nặng:

  • Thở mệt.
  • Khóc khan.
  • Da nổi bông, lạnh tay chân.
  • Mạch nhanh.
  • Huyết áp cao.

Điều nguy hiểm hơn cả đó là, các dấu hiệu cảnh báo sớm biến chứng của bệnh tay chân miệng lại không điển hình, rất khó phát hiện sớm và thường bị bỏ qua. Đặc biệt, các biến chứng lại có thể diễn biến rất nhanh, thậm chí gây tử vong cho trẻ chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.

Do đó, nếu có trẻ bị bệnh tay chân miệng, gia đình nên cho trẻ đi khám để có thể xác định rõ tình trạng của trẻ nhằm có hướng chăm sóc. Ngoài ra, theo dõi sát sao và phát hiện kịp thời những biến chứng có thể xảy ra để cấp cứu cho trẻ cũng là một việc không kém phần quan trọng.

3. Theo dõi trẻ bị chân tay miệng tại nhà

Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc, theo dõi trẻ bị tay chân miệng tại nhà:

Biến chứng nguy hiểm của bệnh chân tay miệng - ảnh 2
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày giúp phòng bệnh chân tay miệng tại nhà
  • Dùng thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad, thuốc hạ sốt cho trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt...Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
  • Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa như: Cháo loãng, sữa,... Trẻ thường dễ ăn hơn nếu thức ăn không cay, không mặn, không nóng.
  • Trẻ bị tay chân miệng sẽ phát tán virus lây cho người xung quanh. Do đó, nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày, tránh tiếp xúc, đặc biệt là với những trẻ khác vì bệnh tay chân miệng rất dễ lây.

Ngoài ra, cần chú ý phòng bệnh cho những người xung quanh bệnh nhân bằng các biện pháp:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã hay làm vệ sinh cho trẻ.
  • Vệ sinh ăn uống: Cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh như ăn chín, uống sôi. Các vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
  • Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và ăn uống hàng ngày.
  • Không nên cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi,...
  • Tại lớp trẻ học và tại nhà phải được vệ sinh bằng dung dịch sát trùng ở sàn nhà, đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt khác.