Lịch tiêm viêm gan B mũi đơn cho trẻ

Để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa viêm gan B, trẻ em cần được tiêm vắc-xin đúng lịch và đủ mũi tiêm theo khuyến cáo. Tiêm vắc-xin viêm gan B đơn liều nghĩa là không kết hợp với các loại vắc-xin khác trong cùng một mũi tiêm. Trẻ có thể được chỉ định tiêm viêm gan B mũi đơn theo các phác đồ khác nhau.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Vì sao cần tiêm Vắc-xin viêm gan B?

Mỗi năm, có hơn 1 triệu người tử vong do biến chứng của virus viêm gan B như: Viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan,... Virus Viêm gan B được ví như sát thủ thầm lặng vì có thể sống hơn 1 tuần ở ngoài cơ thể và có tốc độ lây nhiễm cực nhanh, gấp 10 lần so với viêm gan C và gấp 100 lần so với HIV.

Ở Việt Nam có khoảng 20% dân số bị nhiễm virus Viêm gan B. Nguy hiểm hơn, phần lớn người bệnh không biết mình đang mang virus, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng. Trong khi đó, việc điều trị viêm gan B không hề đơn giản. Khi bệnh viêm gan B đã tiến triển đến giai đoạn mãn tính, liệu pháp điều trị duy nhất là dùng thuốc để kiểm soát tình trạng virus trong cơ thể.

Vì vậy, biện pháp dự phòng tốt nhất và hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B. Tùy từng đối tượng sẽ có phác đồ tiêm Vắc-xin viêm gan B khác nhau. Tiêm đúng phác đồ và đủ mũi tiêm sẽ giúp bệnh nhân và gia đình không còn bị “đe dọa” bởi loại virus nguy hiểm này.

Lịch tiêm viêm gan B mũi đơn cho trẻ - ảnh 1
Tiêm vắc-xin viêm gan B

2. Lịch tiêm vắc-xin viêm gan B đơn liều cho trẻ như thế nào?

2.1 Lịch tiêm ngừa mũi đơn viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng 1 mũi vắc-xin ngừa viêm gan B ngay sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau sinh. Lưu ý: Chỉ sử dụng vắc-xin ngừa viêm gan B đơn giá để tiêm liều sơ sinh. Có thể Tiêm chủng cùng vắc-xin phòng lao nhưng phải tiêm ở 2 vị trí khác nhau trên cơ thể bé.

Trong giai đoạn mang thai, tỷ lệ viêm gan B lây từ mẹ sang con rất thấp (thường không quá 2%). Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dạ, khả năng lây nhiễm rất cao. Do đó, với trường hợp người mẹ bị viêm gan B, cần tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng viêm gan B cho trẻ trong vòng 12 - 24 giờ đầu sau sinh. Mục đích nhằm: Huyết thanh kháng viêm gan B tạo miễn dịch thụ động và vắc-xin viêm gan B tái tổ hợp tạo miễn dịch chủ động cho trẻ. Vị trí tiêm Huyết thanh kháng viêm gan B phải khác vị trí tiêm vắc-xin viêm gan B.

Khi trẻ được 15 - 18 tháng tuổi, cần thực hiện Xét nghiệm kiểm tra HbsAg và anti-HBs lại để chắc chắn rằng trẻ đã được bảo vệ, không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.

2.2 Lịch tiêm vắc-xin viêm gan B mũi đơn theo các phác đồ cụ thể

Lịch tiêm vắc-xin viêm gan B mũi rời cụ thể cho trẻ được thực hiện theo một trong hai phác đồ dưới đây.

Phác đồ 0-1-2-12 tháng:

  • Mũi 0 (mũi sơ sinh): Tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh;
  • Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 1 tháng tuổi;
  • Mũi 2: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi;
  • Mũi 3: Tiêm khi trẻ được 12 tháng tuổi.

Phác đồ 0-1-6-18 tháng:

  • Mũi 0 (mũi sơ sinh): Tiêm phối hợp với huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12 giờ kể từ lúc chào đời;
  • Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 1 tháng tuổi;
  • Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 6 tháng tuổi.
  • Mũi 3: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Vắc-xin viêm gan B có khả năng duy trì miễn dịch từ 10 - 20 năm nếu tuân thủ đúng lịch tiêm và liều tiêm. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến khích mỗi người nên tiêm một liều vắc-xin nhắc lại sau mỗi 5 - 10 năm tính từ đợt tiêm trước đó nhằm đảm bảo hàm lượng cao kháng thể trong cơ thể, đủ sức chống lại virus nếu bị xâm nhập.

Ngoài việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ em, phụ nữ cũng nên chủ động tiêm vắc-xin trước khi Mang thai 3 tháng để vắc-xin có đủ thời gian tạo kháng thể phòng bệnh, bảo vệ tốt cho cả mẹ và con.

Tiêm ngừa viêm gan B là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa của vắc-xin, các bậc phụ huynh cần đảm bảo trẻ tuân thủ đúng phác đồ tiêm chủng mà bác sĩ đã đề ra.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung