1. Đặc điểm của trẻ Sinh non, nhẹ cân
Trẻ được gọi là sinh non nếu chào đời khi chưa được 37 tuần thai kỳ. Theo thống kê, trong những năm gần đây, số trẻ sinh non có dấu hiệu gia tăng. Tỷ lệ trẻ sinh non hiện đã chạm mốc 7% - tức là mỗi năm cả nước có khoảng 100.000 - 110.000 trẻ sinh non. So với trẻ được sinh đủ ngày, đủ tháng thì trẻ Sinh non có cân nặng thấp hơn, sức đề kháng kém và và có nguy cơ mắc các bệnh Truyền nhiễm cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Những bệnh lý có thể gặp ở trẻ sinh non gồm: Suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, vàng da, thiếu máu, bại não, Chậm phát triển tâm thần vận động hay thậm chí là tử vong.
Chính vì vậy, việc tiêm phòng cho trẻ sinh non là vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh xuống mức thấp nhất. Và vắc-xin Viêm gan B là một trong những mũi tiêm quan trọng nhất cho trẻ sinh non.
2. Có cần tiêm vắc-xin Viêm gan B cho trẻ sinh non?
Vắc-xin là một trong những thành tựu khoa học quan trọng nhất giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Nên tiêm phòng cho trẻ sinh non, đặc biệt là Vắc-xin viêm gan B (Engerix B hoặc Euvax B) vì:
- Ngăn ngừa bệnh viêm gan B dễ dàng hơn. Trẻ sinh non chưa tiêm viêm gan B sẽ có nguy cơ cao nhiễm virus HBV;
- Vắc-xin có tác dụng tốt kể cả đối với trẻ sinh non dù hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt;
- Tiêm phòng cho trẻ sinh non đều an toàn, giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ của vắc-xin nếu được bác sĩ giám sát chặt chẽ.
3. Thời điểm tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sinh non
Dù một số cột mốc khác trẻ sinh non có thể tiến triển chậm so với trẻ sinh đủ tháng nhưng việc chủng ngừa cho bé vẫn nên được diễn ra đúng thời điểm vì nếu trì hoãn việc củng cố hệ miễn dịch của bé thì trẻ có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe. Theo quy định, trẻ em được lên lịch tiêm ngừa theo độ tuổi tính từ ngày sinh. Trẻ sinh non có khả năng đáp ứng tốt với vắc-xin để sản xuất kháng thể cho các bệnh mà trẻ được chủng ngừa, tiêu biểu là vắc-xin viêm gan B.
Tiêm ngừa viêm gan B gồm 3 liều, liều đầu tiên thường được thực hiện ngay sau khi sinh và chia thành 2 trường hợp như sau:
- Mẹ của trẻ sinh non bị nhiễm viêm gan B: Cần tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh để ngăn ngừa nguy cơ lây truyền bệnh. Tuy nhiên, vắc-xin không hoạt động tốt ở trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2kg lúc chào đời nên bác sĩ có thể đợi tới khi bé đạt đủ trọng lượng quy định là 2kg mới tiêm lần đầu. Mặt khác, bé cũng được tiêm phòng vắc-xin thụ động (kháng thể đặc hiệu chống lại virus HBIG) cùng với vắc-xin hoạt động chống viêm gan B (HBV) ngay sau khi sinh. Vắc-xin chủ động (HBV) tiêm ngay sau khi sinh sẽ không được tính vào lịch tiêm phòng mà lịch tiêm sẽ bắt đầu với chuỗi 3 lần tiêm khi trẻ đạt trọng lượng 2kg hoặc được 1 tháng tuổi;
- Mẹ của trẻ sinh non không bị nhiễm viêm gan B: Trẻ sẽ được chủng ngừa lần đầu tiên ngay trước khi xuất viện hoặc khi cân nặng của bé đủ 2kg hoặc đến 1 tháng tuổi tùy thuộc vào việc điều kiện nào thỏa mãn trước. Đây là liều đầu tiên trong 3 mũi tiêm phòng viêm gan B, sức khỏe bé sẽ phát triển tốt và cân nặng tăng đều sau tiêm. 2 liều tiêm đầu tiên cho bé cách nhau 1 tháng và liều tăng cường được tiêm cách mũi tiêm thứ 2 khoảng 5 tháng.
Việc tiêm mũi đầu thường được hoàn tất trước khi sản phụ và trẻ ra viện. Về sau, tiêm vắc-xin sẽ được tính theo độ tuổi, không tính theo cân nặng của bé và lịch tiêm của trẻ được tính như trẻ được sinh đủ cân. Phụ huynh nên cho trẻ tiêm đúng lịch để tạo miễn dịch tốt nhất.
4. Trường hợp không nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sinh non
- Phản ứng Dị ứng nghiêm trọng với các liều thuốc được chủng ngừa trước đó;
- Sốc phản vệ với kháng sinh trong vắc-xin;
- Hệ miễn dịch của bé bị ức chế vì đang điều trị cấy ghép nội tạng, ung thư hoặc trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng.
5. Theo dõi trẻ sinh non sau tiêm vắc-xin viêm gan B
Sau khi tiêm chủng, trẻ có thể gặp phải một số phản ứng nhẹ. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ ở lại nơi tiêm phòng khoảng 30 phút để theo dõi sức khỏe rồi mới về nhà. Sau đó, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
Trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đỏ da, sưng tấy nhẹ tại vị trí tiêm. Số khác, trẻ dễ bị sốt nhẹ, quấy khóc. Với các bé gặp triệu chứng này, phụ huynh có thể làm mát người cho con bằng cách cho bú thêm sữa, lau mát cơ thể, không quấn nhiều chăn hoặc mặc quá nhiều quần áo cho bé. Đồng thời, nếu bé Sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ cũng có thể cho bé dùng thuốc hạ Sốt paracetamol với liều lượng thích hợp theo cân nặng của bé theo chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp trẻ sau tiêm đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm, sốt kéo dài nhiều ngày, hay quấy khóc, li bì, bỏ bú, thở khó, tím tái,... cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xử trí kịp thời.
Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sinh non là biện pháp tạo miễn dịch tốt nhất cho bé.