Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Tiêm chủng cho trẻ sinh non

24/06/2021
Tiêm chủng cho trẻ sinh non

Trẻ sinh non có sức khỏe yếu hơn, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cũng sẽ cao hơn. Do đó tiêm phòng cho trẻ sinh non là việc làm hết sức quan trọng để giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc bệnh xuống mức thấp nhất.

1. Vai trò của tiêm chủng đối với trẻ Sinh non như thế nào?

Theo các chuyên gia về nhi - sơ sinh, so với những trẻ được sinh đủ tháng, trẻ sinh non có cân nặng thấp hơn, sức đề kháng kém hơn nên nguy cơ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn, thậm chí với cả những bệnh có thể được ngừa được bằng vắc-xin. Chính vì vậy, việc bảo vệ trẻ em sinh non là điều vô cùng cần thiết. Trong đó, tiêm phòng cho trẻ Sinh non là việc làm hết sức quan trọng để giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc bệnh xuống mức thấp nhất.

Nhờ vào thành tựu của vắc-xin, hằng năm, có từ 2 đến 3 triệu trẻ em trên toàn thế giới được bảo vệ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến tử vong. Vắc-xin và tiêm chủng đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu. Với thống kê của WHO, tại Việt Nam, cứ 100 trẻ sinh ra thì có 9 trường hợp sinh non và tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non lên đến 23% vào năm 1990. Tuy nhiên, cho đến năm 2010, tỷ lệ nói trên đã giảm mạnh xuống còn 12% nhờ việc cải thiện các phương pháp để bảo vệ sức khỏe của trẻ, điển hình là sự nâng cấp thiết bị y tế, cơ sở vật chất và sự ra đời của các loại vắc-xin kết hợp.

Mặc dù vậy, rất nhiều bậc phụ huynh có quan điểm về việc không nên tiêm chủng cho bé sinh non vì sợ rằng cơ thể yếu ớt của bé sẽ không chịu nổi. Quan điểm này vô cùng sai lầm trong khi Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đưa ra Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng đối với trẻ sinh non, nhẹ cân khi sinh cũng cần được tiêm chủng để chủ động phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ.

Thậm chí, vắc-xin lại còn phát huy tác dụng vượt trội đối với trẻ sinh non. Một số quan sát cho thấy những em bé được sinh ra rất sớm, được nuôi dưỡng trong lồng ấp có thể cần thêm một số liều vắc-xin tăng cường để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Đồng thời, tiêm phòng cho trẻ sinh non đều an toàn, giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ của vắc-xin so với trẻ sinh đủ tháng.

Tiêm chủng cho trẻ sinh non - ảnh 1
Tiêm phòng đặc biệt quan trọng đối với trẻ sinh non

2. Thời điểm nào để tiêm chủng cho trẻ sinh non?

Theo quy định, trẻ em nên được lên lịch chủng ngừa theo độ tuổi được tính từ ngày sinh. Trẻ sinh non vẫn có khả năng đáp ứng tốt với vắc-xin để sản xuất kháng thể cho các bệnh mà bé đã được chủng ngừa. Do đó, dù một số cột mốc khác có thể chậm tiến triển đối với trẻ sinh thiếu tháng nhưng việc chủng ngừa cho bé nên được diễn ra đúng thời điểm.

Ngoài ra, có những khuyến cáo đặc biệt về thời điểm tiêm chủng cho trẻ sinh non. Nếu như trẻ sinh đủ tháng chích ngừa viêm gan B, bạch hầu, uốn ván, Ho gà, bại liệt, viêm màng Não mủ do Hib bắt đầu từ 2 tháng tuổi thì trẻ sinh non sẽ được chích ngừa những mũi này khi trẻ đạt trên 4,5 kg. Vì thế, đối với trẻ sinh thiếu tháng các phụ huynh cần quan sát trẻ thường xuyên, tuân thủ lịch tiêm ngừa dưới sự tư vấn của bác sĩ về cân nặng cũng như tình trạng sức khỏe thực tế ở trẻ.

3. Các vắc-xin nào cần tiêm chủng cho trẻ sinh non?

3.1. Viêm gan B

Tiêm ngừa Viêm gan B gồm ba mũi vắc-xin và mũi đầu tiên thường được thực hiện ngay sau khi sinh. Nếu mẹ của trẻ sinh non bị nhiễm viêm gan B, trẻ sẽ được tiêm phòng ngay sau khi sinh để ngăn ngừa việc lây truyền bệnh. Tuy vậy, trong trường hợp trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2 kg, vắc-xin này sẽ không hoạt động tốt; do đó, sẽ trì hoãn đến khi bé đạt được trọng lượng quy định. Mặt khác, bé vẫn được tiêm phòng vắc-xin thụ động (kháng thể đặc hiệu chống lại virus) ngay sau sinh và mũi tiêm này không được tính vào lịch trình tiêm phòng.

Nếu mẹ của trẻ sinh non không bị nhiễm viêm gan B, trẻ sẽ được chủng ngừa lần đầu tiên ngay trước khi xuất viện hoặc khi bé đạt cân nặng 2 kg hoặc đến 1 tháng tuổi tùy thuộc vào điều kiện nào thỏa mãn được.

3.2. Chủng ngừa lao (BCG)

Biện pháp chủng ngừa này được sử dụng ở một số quốc gia để ngăn ngừa bệnh lao và thường được tiêm ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, vắc-xin sẽ không hoạt động tốt nếu trẻ được sinh ra trước tuổi thai 34 tuần. Theo đó, trẻ sẽ phải đợi đến khi đạt đúng tuổi thai quy định mới có thể thực hiện tiêm phòng vắc-xin này.

3.3. Rotavirus

Việc uống rotavirus để đề phòng tiêu chảy cấp ở trẻ em với liều đầu tiên phải được thực hiện cho những bé khỏe mạnh từ 6 - 14 tuần tuổi. Những trẻ sinh non khỏe mạnh từ 32 tuần tuổi trở lên nên được chủng ngừa kịp thời. Nhóm trẻ sinh trước 32 tuần hoặc những trẻ sinh cực non thì thời gian uống sẽ chậm hơn, có thể trì hoãn đến khi đạt được độ tuổi quy định hay tùy thuộc vào tình trạng và sức khỏe của trẻ.

3.4. Các mũi vắc-xin còn lại

Vắc-xin bạch hầu, Ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, phế cầu,... đều có thể tiêm theo lịch thông thường dựa trên tuổi sinh quy định của trẻ. Sẽ không có sự khác biệt quá lớn về tác dụng phụ giữa trẻ sinh non so với những trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, vắc-xin sẽ không đạt hiệu quả như mong đợi nếu cân nặng của trẻ quá thấp. Lúc này, tiêm phòng sẽ trì hoãn đến khi trẻ được 4,5 kg.

Riêng đối với vắc-xin cúm thì nên tiêm phòng cho trẻ khi trẻ được 6 tháng tuổi (tính theo tuổi sinh) hoặc có thể tiêm sớm trước mùa cúm vì trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn trẻ sinh đủ tháng.

4. Khi nào cần trì hoãn tiêm chủng cho trẻ sinh non?

Có một số trường hợp cần trì hoãn tiêm chủng cho trẻ sinh non là khi trẻ có biểu hiện phản ứng Dị ứng nghiêm trọng hay Sốc phản vệ với những liều thuốc chủng ngừa trước đó, với kháng sinh (Neomycin, Streptomycin hoặc Polymyxin). Ngoài ra, trẻ sinh non không nên tiêm phòng khi hệ miễn dịch của bé bị ức chế do đang điều trị ghép tạng, ung thư hoặc trẻ đang sốt, mắc các bệnh lý nhiễm trùng.

5. Cần theo dõi gì ở trẻ sau tiêm chủng? Tiêm chủng cho trẻ sinh non - ảnh 2

Trẻ có thể bị Sốt sau khi tiêm phòng

Bản chất của vắc-xin là những kháng nguyên từ vi khuẩn bên ngoài đưa vào cơ thể trẻ để kích thích tạo ra kháng thể, sẵn sàng phòng chống bệnh tật khi vi trùng thực sự xâm nhập. Do đó, dù trẻ sinh non tháng hay cả trẻ sinh đủ tháng, dù tiêm vào đùi hay bất cứ vị trí nào trên cơ thể, trẻ có thể biểu hiện một số tác dụng phụ như đỏ da và sưng tấy nhẹ tại vị trí tiêm. Một số em bé có thể bị sốt nhẹ, quấy khóc. Nếu có các triệu chứng này, mẹ có thể làm mát người cho con bằng cách cho bú thêm sữa, lau mát cho bé, không quấn quá nhiều chăn hoặc mặc quá nhiều quần áo trên người con. Cha mẹ có thể dùng thêm thuốc hạ sốt Paracetamol với liều lượng thích hợp theo cân nặng của trẻ nếu Sốt trên 38,5 độ C.

Tuy nhiên, nếu sốt không thuyên giảm với thuốc hạ sốt, trẻ sốt kéo dài nhiều ngày hay quấy khóc liên tục, li bì, bú ít hay bỏ bú, tím tái, thở co kéo..., cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.