1. Bệnh ung thư thực quản là gì?
Bệnh Ung thư thực quản có tên tiếng Anh là Esophageal Cancer, thể hiện tình trạng xảy ra trong thực quản (ống rỗng dài nối từ cổ họng tới dạ dày với chức năng giúp di chuyển thực phẩm khi nuốt từ phía sau cổ họng đến dạ dày để được tiêu hóa) bị Khối u ác tính xuất xâm nhập. Bệnh nhân mắc bệnh ung thư thực quản thường có tiên lượng xấu, mặc dù hiện tại y học đã có những phát triển vượt bậc nhưng hiệu quả điều trị bệnh vẫn rất thấp, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư thực quản có thể sống trên 5 năm không vượt quá 10%.
Giống như khi mắc các bệnh ung thư khác, ung thư thực quản chính là hậu quả của sự phân chia tế bào không kiểm soát và dẫn đến sự tăng trưởng không giới hạn của các tế bào cơ thể. Ban đầu, các tế bào ung thư tăng trưởng ở phạm vi nhỏ rồi tiếp tục nhân lên tạo thành các khối u ác tính. Với người bệnh ung thư thực quản thì giai đoạn đầu các khối u vẫn còn nằm trong mô thực quản, sau đó tiến triển và xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh hoặc lan ra khắp cơ thể của người bệnh.
Các tế bào ung thư thực quản thường bắt nguồn từ lớp bên trong của thực quản và sau đó lan rộng ra bên ngoài, lúc này, người bệnh sẽ gặp phải chứng khó nuốt.
2. Nhận diện Chứng khó nuốt trong ung thư thực quản
Khó nuốt là thuật ngữ chỉ tình trạng khó khăn khi thực hiện hành động nuốt thức ăn, nước uống ở người bệnh. Thông thường, người bệnh gặp phải Chứng khó nuốt khi mắc phải các bệnh lý ở vùng thực quản, do sự chèn ép vào thực quản hoặc bệnh lý ở vùng hầu họng gây ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp là do mắc phải ung thư thực quản.
Khi chứng khó nuốt là dấu hiệu ung thư thực quản thì sẽ có mức độ khác nhau tùy vào từng giai đoạn của bệnh. Khi ở giai đoạn đầu, người bệnh vẫn có thể nhai, nuốt thức ăn qua thực quản một cách nhẹ nhàng và chỉ có cảm giác đau khi nuốt, tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn thì ngay cả thức ăn dạng lỏng cũng không thể đi qua thực quản để xuống dạ dày, người bệnh sẽ không ăn uống được và nôn liên tục.
Đa số bệnh nhân ung thư thực quản để gặp phải tình trạng khó nuốt hay nuốt nghẹn, thậm chí nuốt nước bọt cũng cảm thấy đau và khó thực hiện. Chính vì thế, người bệnh cần được chẩn đoán sớm để tăng cơ hội điều trị và phục hồi sức khỏe.
Chứng khó nuốt trong ung thư thực quản cũng khá giống với các bệnh lý khác nên người bệnh thường dễ chủ quan để bệnh tiến triển nặng mới điều trị. Một vài dấu hiệu giúp nhận diện chứng khó nuốt ở bệnh nhân ung thư thực quản bao gồm:
- Cảm thấy đau nhiều khi nuốt thức ăn hoặc nước uống
- Khi bệnh nặng thì không thể nuốt được
- Luôn cảm thấy bị mắc nghẹn ở cổ hoặc phía sau xương ức
- Khan tiếng, nhỏ nước dãi
- Nôn ói liên tục, ợ nóng
- Thức ăn trào ngược ra cổ họng
- Sụt cân nhanh chóng
- Bị thiếu máu nhẹ và hay xảy ra chậm
- Thường xuyên bị đau họng hoặc đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai
- Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ cảm thấy cổ họng bị rát, Ho kéo dài, Ho ra máu
- Cảm giác khó thở, khạc đờm,...
3. Nên làm gì khi bị khó nuốt?
Chứng khó nuốt có thể là dấu hiệu ung thư thực quản hoặc do nhiều nguyên nhân gây ra, chính vì vậy, khi có biểu hiện khó nuốt kéo dài và nặng lên thì người bệnh tuyệt đối không được chủ quan mà phải đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Ngoài ra, để việc ăn uống dễ dàng hơn và không bị cản trở bởi chứng khó nuốt thì người bệnh nên:
- Ăn uống trong một không gian và thời gian thích hợp, thoải mái
- Ngồi thẳng lưng và để cánh tay sát bên người khi ăn
- Tay nên để trên đùi chứ không nên để trên bàn ăn
- Chế biến thức ăn mềm, dễ nuốt, ăn từ tốn, từng chút một
- Nên nuốt thức ăn thành nhiều lần để đảm bảo chúng không còn sót lại trong miệng
- Tập trung cho việc ăn uống và không nói chuyện hoặc nằm khi ăn.
4. Chẩn đoán ung thư thực quản khi có dấu hiệu khó nuốt
Khó nuốt là một trong những dấu hiệu ung thư thực quản được cảnh báo sớm nhất ở người bệnh. Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác bệnh ung thư thực quản ở người bệnh thì còn cần phải thực hiện thêm các Xét nghiệm như:
- Chụp X-quang thực quản: Để giúp phát hiện các bất thường ở thực quản một cách rõ ràng nhất, bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh hẹp lòng thực quản hoặc hình ảnh của các khối u thông qua phim chụp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Mang lại độ chính xác cao khi tế bào ung thư đã lan vào vách thực quản và có thể giúp phát hiện xem khối u đã di căn vào trung thất hay chưa.
- Nội soi: Nội soi thực quản đi kèm sinh thiết là các xét nghiệm bắt buộc trong trường hợp chụp X-quang không xác định được tình trạng ở người bệnh. Đồng thời, nội soi sẽ giúp các bác sĩ đánh giá được mức độ lan rộng của ung thư và bản chất học của khối u.
- Siêu âm qua nội soi: Để xác định được độ sâu của khối u xâm nhập vào vách thực quản ở người bệnh và đánh giá được sự xâm nhập của khối u vào hạch bạch huyết thực quản hay chưa.
Ung thư thực quản là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao cho người bệnh và hiện tại vẫn chưa có thuốc chữa, chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là từ bỏ thói quen uống rượu, hút thuốc lá, thay đổi chế độ ăn uống và tăng lượng rau và hoa quả ăn hàng ngày.