1. Vắc-xin 6 trong 1 của Bỉ là loại vắc-xin gì?
Vắc-xin 6 trong 1 của Bỉ có tên là Infanrix Hexa, là vắc-xin tổng hợp được sản xuất bởi Glaxo SmithKline (GSK) - Bỉ. Vắc-xin Infanrix Hexa được chỉ định tiêm chủng cơ bản và nhắc lại cho trẻ từ 2 đến 24 tháng, giúp phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Bạch hầu,Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, viêm màng Não mủ - viêm phổi do H.Influenzae type B (Hib) và Viêm gan B với kháng nguyên Ho gà vô bào chứa 3 thành phần kháng nguyên.
Infanrix Hexa được sử dụng trên 70 quốc gia và được lưu hành tại Việt Nam từ năm 2006, giúp giảm số lần tiêm cần thiết phòng 6 bệnh trên từ 9 xuống còn 3 lần, giảm số lần đau khi tiêm cho trẻ, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian đi lại cho các bậc phụ huynh.
2. Điểm khác biệt giữa vắc-xin 6 trong 1 của Bỉ so với vắc-xin 5 trong 1
- Vắc-xin 5 trong 1 gồm 2 loại:Vắc-xin 6 trong 1 hiện đang lưu hành tại Việt Nam đều là những vắc-xin sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ bao gồm 2 loại là Infanrix hexa của Bỉ và Hexaxim của Pháp. Cả 2 loại vắc-xin đều phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm nêu trên và đều sử dụng thành phần kháng nguyên ho gà vô bào. Đối với những vắc-xin sử dụng thành phần Ho gà vô bào sẽ ít gây tác dụng phụ hơn so với Ho gà toàn tế bào vì sẽ hạn chế được lượng kháng nguyên lạ đưa vào cơ thể.
- Vắc-xin 5 trong 1 trong tiêm chủng mở rộng (miễn phí) trước đây sử dụng vắc-xin Quinvaxem của Hàn Quốc, tuy nhiên từ cuối năm 2018 đã được thay thế bằng vắc-xin ComBE Five của Ấn Độ, đây là vắc-xin phòng ngừa được 5 loại bệnh nguy hiểm trong một mũi tiêm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng Não do Hib. Vắc-xin ComBE Five sử dụng kháng nguyên Ho gà toàn tế bào. Vắc-xin này không có Bại liệt nên bố mẹ cần cho trẻ uống thêm vắc-xin ngừa bại liệt, có thể uống cùng ngày với tiêm vắc-xin 5 trong 1.
- Vắc-xin 5 trong 1 sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ là vắc-xin Pentaxim của Pháp. Vắc-xin này giúp trẻ phòng ngừa được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não do Hib. Đây là vắc-xin sử dụng kháng nguyên ho gà vô bào có 2 thành phần kháng nguyên. Pentaxim không chứa thành phần viêm gan B nên trẻ phải tiêm vắc-xin phòng viêm gan B riêng.
3. Lịch tiêm chủng đối với trẻ tiêm vắc-xin 6 trong 1 của Bỉ
Trước khi quyết định tiêm vắc-xin cho trẻ thì bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn phác đồ tiêm phù hợp với trẻ, tiêm chủng đúng thời điểm đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến tác dụng, hiệu quả phòng ngừa của vắc-xin.
- Theo Thông tư Số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế Việt Nam về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thì vắc-xin 6 trong 1 nên tiêm tổng tất cả 4 mũi, 3 mũi vào thời điểm trẻ 2,3,4 tháng tuổi và nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên cần lưu ý: vắc-xin 6 trong 1 cần được tiêm theo đúng phác đồ, không được tiêm quá sớm (khi trẻ chưa đủ 2 tháng tuổi hoặc đi sớm hơn lịch hẹn bác sĩ) vì như vậy hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin sẽ không cao. Và liệu trình tiêm 6 trong 1 phải hoàn thành trước khi trẻ 24 tháng tuổi. Vì một lí do gì đó trẻ không được tiêm đúng theo lịch lúc 2,3,4,18 tháng thì vắc-xin Infanrix Hexa vẫn có thể tiêm liệu trình cơ bản 3 mũi liên tiếp cách nhau 1 tháng nếu trẻ chưa đủ 24 tháng tuổi.
- Một số quốc gia trên thế giới có thể áp dụng tiêm vắc-xin 6 trong 1 theo lịch khác lịch tiêm chủng tại Việt Nam như:
- Tiêm chủng cơ bản 3 mũi 0,5ml vào lúc trẻ 2, 4, 6 tháng tuổi hoặc 3,4,5 tháng tuổi. Khoảng cách giữa các mũi tối thiểu là 28 ngày.
- Tiêm chủng cơ bản 3 mũi 0,5 ml vào thời điểm 6, 10, 14 tuần tuổi áp dụng nếu trẻ đã tiêm mũi viêm gan B sơ sinh
- Tiêm chủng cơ bản 2 mũi khi trẻ được 3 tháng tuổi và 5 tháng tuổi.
Tiêm nhắc lại:
- Nếu chọn phác đồ 2 mũi tiêm (3, 5 tháng tuổi) thì nhắc lại mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 tối thiểu 6 tháng, tốt nhất là vào lúc trẻ được 11-13 tháng tuổi.
- Nếu chọn phác đồ 3 mũi tiêm thì tiêm nhắc lại mũi 4 cách mũi thứ 3 tối thiểu 6 tháng, và nên hoàn thành mũi 4 trước khi trẻ 18 tháng tuổi.
4. Những điều bố mẹ cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng
Bố mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, khi đi cần mang theo những giấy tờ cần thiết như sổ tiêm chủng, số khám bệnh (nếu có). Tại các cơ sở tiêm chủng, trẻ sẽ được khám sàng lọc trước tiêm, bởi vì việc tiêm chủng vắc-xin của mỗi trẻ còn phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, tiền sử bệnh của trẻ.
Vắc-xin 6 trong 1 của Bỉ chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Quá mẫn sau khi tiêm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib ở các mũi tiêm trước đó.
- Trẻ có tiền sử bệnh về não không rõ nguyên nhân trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vắc-xin chứa kháng nguyên ho gà.
5. Tiêm vắc-xin 6 trong 1 của Bỉ trẻ có bị Sốt không?
Đây là thắc mắc của rất nhiều bố mẹ khi đưa con đi tiêm chủng. Cũng như những loại vắc-xin khác, vắc-xin 6 trong 1 của Bỉ cũng có những tác dụng không mong muốn thường gặp sau tiêm như: sưng, đau vị trí tiêm, sốt, quấy khóc. Tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì đây là những phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể trẻ khi tiếp nhận vắc-xin. Tùy vào cơ địa của từng trẻ mà có bé không sốt hoặc sốt 1-2 ngày sau khi tiêm chủng. Do đó bố mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ và sử dụng thuốc hạ Sốt theo đơn của bác sĩ.
6. Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm vắc-xin 6 trong 1
- Sau khi tiêm, cần để trẻ theo dõi tình trạng sức khỏe tại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để kịp thời xử lý nếu xảy ra những phản ứng bất thường.
- Khi về nhà, bố mẹ cần tiếp tục theo dõi trẻ trong vòng 24-48 giờ đầu sau tiêm: ăn, ngủ, nhiệt độ cơ thể, nhịp thở,... Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt kế và theo dõi liên tục, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
- Không chạm, đè vào chỗ tiêm, không chườm nóng, lạnh, đắp lá thuốc, chanh, khoai tây,... vào vị trí tiêm.
- Cho trẻ bú, ăn theo nhu cầu, nếu trẻ có sốt có thể cho bú tích cực hơn.
- Lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có các triệu chứng bất thường: sốt cao trên 39 độ C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ, trẻ co giật, khóc thét, li bì, khó thở, tím tái, mệt lả, bỏ bú, bú kém... hoặc phản ứng thông thường nhưng kéo dài hơn 2 ngày.