1. Ợ nóng là gì?
Ợ nóng là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác khó chịu và nóng rát ở vùng xương ức, ngực.
Triệu chứng này thường xuất phát từ cơ trơn thực quản, sau đó lan dần lên vùng cổ họng và sau mang tai. Ợ nóng có thể gây đau khi bệnh nhân nằm, uốn cong cơ thể. Sau khi ợ nóng, người bệnh có thể thấy đắng miệng hoặc chua miệng.
Về bản chất, ợ nóng không phải là một bệnh lý mà chỉ là một triệu chứng thể hiện sự bất thường của cơ quan tiêu hóa. Triệu chứng ợ nóng xảy ra ở mọi độ tuổi và mọi đối tượng.
2. Nguyên nhân gây ợ nóng
2.1 Nguyên nhân từ thói quen ăn uống và sinh hoạt
- Ăn quá no, ăn nhiều thực phẩm béo: Khiến quá trình tiêu hóa của dạ dày bị chậm lại, thức ăn bị ứ đọng lâu trong dạ dày, sinh ra khí và tăng áp suất. Điều này đã tạo áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, khí và axit dạ dày bị đẩy lên thực quản - họng gây ợ nóng;
- Ăn các thức ăn gây ợ nóng: Các món ăn cay, nóng, đồ uống có cồn hoặc đồ uống có ga, trà bạc hà, trà đặc,... kích thích dạ dày tăng tiết axit, làm nhu động dạ dày bị rối loạn, đẩy ngược axit dư thừa lên thực quản, gây chứng ợ nóng và khó tiêu;
- Thói quen luyện tập: Các bài tập như đẩy tạ, gập bụng, trồng cây chuối hoặc chạy quá sức,... tạo nhiều áp lực cho vùng bụng hoặc vùng ngực, có thể làm tăng lực ép lên dạ dày, làm axit bị trào ngược từ dạ dày lên thực quản, gây ợ nóng;
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống viêm thuộc nhóm NSAID, các Glucocorticoid có thể làm mỏng lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày, tạo điều kiện cho axit tiếp xúc với niêm mạc dạ dày, gây kích thích hệ Thần kinh chi phối nhu động co bóp của dạ dày. Điều này khiến dạ dày bị rối loạn co bóp, đẩy ngược thức ăn và axit lên thực quản, dẫn tới tổn thương niêm mạc thực quản, gây triệu chứng ho, ợ nóng.
Thông thường, tình trạng ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn gây ra bởi nguyên nhân thói quen ăn uống, sinh hoạt chỉ kéo dài trong khoảng 1 - 3 ngày. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này kéo dài, đi kèm các dấu hiệu bất thường khác thì có thể nguyên nhân gây ợ nóng đến từ các bệnh lý nguy hiểm.
2.2 Nguyên nhân từ các bệnh lý
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, có tới 90% các trường hợp bị ợ nóng, khó tiêu thường xuyên ở nước ta là do mắc các bệnh lý trên dạ dày. Bên cạnh đó, còn có một số bệnh lý khác cũng gây ợ nóng. Cụ thể là:
- Viêm loét dạ dày: Tình trạng này khiến khả năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày bị giảm và làm tăng tiết axit dạ dày bất thường. Bên cạnh đó, các đầu mút dây thần kinh bị axit trong dịch vị dạ dày kích thích làm rối loạn nhu động co bóp của dạ dày. Điều này khiến dịch dạ dày bị trào ngược, gây triệu chứng ợ nóng, trào ngược, buồn nôn, khó tiêu,...;
- Trào ngược dạ dày - thực quản: Gây ra bởi sự kết hợp của 3 nguyên nhân là axit dịch vị tăng tiết bất thường, suy giảm chức năng của cơ thắt thực quản dưới và rối loạn co bóp của nhu động dạ dày. Khi axit và enzyme tiêu hóa trong dạ dày trào ngược lên sẽ bào mòn, làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây cảm giác nóng rát. Một số triệu chứng đi kèm gồm ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn, tức ngực, đau lan ra sau lưng;
- Ung thư dạ dày: Khiến người bệnh đau đớn, suy giảm chức năng tiêu hóa, thường xuyên bị buồn nôn và nôn, ợ nóng, ợ chua, đắng miệng,...;
- Sỏi mật: Mật là cơ quan tiết ra dịch mật có chứa enzyme tiêu hóa dầu mỡ. Khi bị sỏi mật, dịch mật tiết ra không đủ nhu cầu cơ thể, khiến lượng dầu mỡ ăn vào không được tiêu hóa hết, làm kích thích niêm mạc đường ruột, khiến bệnh nhân bị buồn nôn, nôn ói, ợ nóng và trào ngược;
- Đau tim: Khi bị đau tim, các xung động thần kinh trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích. Quá trình tiêu hóa ở dạ dày gây rối loạn co bóp, đẩy ngược axit dịch vị lên thực quản, gây ợ nóng.
2.3 Nguyên nhân khi mang thai
Có khoảng 80% thai phụ xuất hiện triệu chứng ợ nóng. Tuy nhiên, nếu trước đó tình trạng này chưa từng xuất hiện thì đây chỉ là chứng ợ nóng sinh lý, không gây nguy hiểm cho bà mẹ mang thai. Nguyên nhân gây chứng ợ nóng ở bà bầu là do những thay đổi về Nội tiết khi mang thai, kết hợp với sự chèn ép của em bé trong những tháng cuối thai kỳ. Cụ thể:
- Thay đổi nội tiết: Hàm lượng hormone Progesterone tăng cao làm giảm trương lực cơ của cơ thắt thực quản dưới (van ngăn cách giữa dạ dày với thực quản) và làm chậm lại nhu động co bóp tiêu hóa thức ăn của dạ dày. Điều này khiến thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày, lên men, sinh khí và thoát ra đường miệng, gây hiện tượng ợ hơi. Nếu cơn ợ hơi kéo theo axit dịch vị thì bà bầu sẽ có cảm giác ợ nóng, nóng rát tại thực quản và họng;
- Sự phát triển của thai nhi: Vào những tháng cuối của thai kỳ, thai Nhi đã phát triển lớn, gây chèn ép các cơ quan nội tạng, trong đó có dạ dày. Sự chèn ép này khiến dạ dày bị nâng lên cao, tạo áp lực đẩy axit dịch vị trào ngược lên thực quản, khiến thai phụ bị ợ nóng.
3. Cách kiểm soát và điều trị ợ nóng
Để kiểm soát và điều trị ợ nóng hiệu quả, cần thực hiện đồng thời các biện pháp như:
3.1 Ăn uống khoa học
Người bệnh không nên ăn quá no mà chỉ nên ăn khoảng 60% lượng thức ăn, kết hợp ăn thêm các bữa phụ. Việc ăn với lượng nhỏ giúp dạ dày giảm áp lực trong quá trình tiêu hóa, hạn chế trào ngược dịch dạ dày, giảm số lần xuất hiện các cơn ợ nóng.
Đồng thời, bệnh nhân cần chú ý ăn uống đúng giờ (nhằm tạo cho dạ dày một nhịp sinh học ổn định, tránh bị kích thích làm tăng tiết axit dư thừa) và không nên ăn tối quá muộn (vì khi thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ sinh ra khí, tăng tiết axit, dẫn tới đầy bụng, ợ nóng);
3.2 Tránh căng thẳng tâm lý
Tình trạng áp lực, căng thẳng thần kinh cũng tác động xấu tới hệ tiêu hóa, gián tiếp gây ợ nóng, ợ chua. Vì vậy, người bệnh ợ nóng cần cân bằng cuộc sống, làm việc và nghỉ ngơi điều độ;
3.3 Khám sức khỏe định kỳ
Giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ợ nóng và có phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ, dùng thuốc theo đơn và không tự ý sử dụng thuốc hay thay đổi liều lượng, thời gian dùng thuốc nếu không được chỉ định bởi bác sĩ.
4. Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt để giảm ợ nóng
- Nên ăn chuối vì trong quả chuối chín có chứa ít axit, không ảnh hưởng tới nồng độ axit sinh lý trong dạ dày. Đồng thời, chuối còn có khả năng tạo một lớp nhầy mỏng trên niêm mạc thực quản, làm dịu niêm mạc, hạn chế ảnh hưởng của axit dạ dày khi trào ngược;
- Nên nhai kẹo cao su để kích thích tăng tiết nước bọt. Nước bọt có tính kiềm, có khả năng trung hòa bớt lượng axit dạ dày dư thừa, giảm triệu chứng khó chịu, nóng rát do trào ngược gây ra;
- Tăng cường ăn các loại rau có tính kiềm như Súp lơ xanh, cần tây, măng tây,... vì chúng có tác dụng điều hòa lượng axit trong dạ dày. Đồng thời, chất xơ có trong các loại rau này cũng giúp cải thiện chức năng tiêu hóa của dạ dày;
- Nên nấu chè nha đam hoặc xay nha đam với mật ong để uống trực tiếp, giúp giảm nóng rát dạ dày, thực quản, kiểm soát chứng ợ nóng do trào ngược gây ra;
- Tránh các thực phẩm làm tăng nguy cơ gây ợ nóng như cà phê, rượu, bạc hà, đồ chiên rán,...;
- Giảm lượng đường vì chế độ ăn giàu carbohydrate quá mức làm tăng khí trong dạ dày, gia tăng áp lực gây trào ngược dạ dày - thực quản;
- Kê cao gối đầu hoặc ngủ nghiêng sang bên trái để giảm trào ngược, ợ nóng;
- Để làm dịu cảm giác khó chịu khi bị ợ nóng, nên hít thở sâu và từ từ. Tập thở sâu trong vòng 30 phút mỗi ngày cũng làm giảm lượng axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
Ợ nóng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, khi xuất hiện tình trạng ợ nóng kéo dài, bệnh nhân nên đi kiểm tra sức khỏe sớm để có giải pháp điều trị phù hợp.