Rửa dạ dày: Chỉ định và chống chỉ định súc rửa dạ dày

Rửa dạ dày là kỹ thuật luồn ống thông vào dạ dày người bệnh để tháo rửa các chất trong dạ dày ra như thức ăn, dịch vị, chất độc.... nhằm mục đích loại trừ chất độc trong dạ dày. Làm sạch dạ dày để phẫu thuật và điều trị.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Chỉ định và chống chỉ định súc rửa dạ dày

Kỹ thuật rửa dạ dày được chỉ định khi:

  • Các trường hợp Ngộ độc cấp (thức ăn, thuốc, hóa chất) trong vòng 6 giờ sau khi uống độc chất.
  • Trước phẫu thuật đường tiêu hóa: Khi bệnh nhân ăn chưa quá 6 giờ.
  • Bệnh nhân hẹp môn vị: Thức ăn, dịch vị ứ đọng trong dạ dày.
  • Bệnh nhân đa toan: Rửa dạ dày làm giảm nồng độ acid trong dạ dày.

Chống chỉ định rửa dạ dày trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân hôn mê, nếu rửa phải đặt nội khí quản.
  • Bệnh nhân uống nhầm dung dịch acid, kiềm mạnh sau 6 tiếng.
  • Bệnh nhân thủng dạ dày.
  • Bệnh nhân Ngộ độc sau 6 giờ.
  • Bệnh nhân suy kiệt nặng.
  • Phồng động mạch chủ, tổn thương thực quản, bỏng, u, rò thực quản.
Súc rửa dạ dày chống chỉ định với trường hợp thủng dạ dày

2. Quy trình rửa dạ dày

2.1 Chuẩn bị người bệnh và người thực hiện

Trước khi thực hiện rửa dạ dày phải thông báo cho bệnh nhân biết kỹ thuật sắp làm, động viên an ủi bệnh nhân yên tâm hợp tác với điều dưỡng. Nếu là trẻ em cần giải thích cho bố mẹ, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà những điều cần thiết.

Người thực hiện kỹ thuật rửa dạ dày: Một điều dưỡng và một bác sĩ

2.2 Chuẩn bị dụng cụ bộ rửa dạ dày

Dụng cụ sạch:

  • Khay chữ nhật:2 cái. Khay quả đậu: 2 cái hoặc túi giấy đựng đồ bẩn. Lọ cắm kìm và 2 kìm Kocher. Lọ đựng cồn 700. Lọ đựng dầu nhờn Parafin đã hấp.
  • Cốc đựng bông, cốc có chân, cốc đựng nước chín. Ca múc nước rửa, khăn lau miệng. Nilon: 2 tấm, xô, chậu đựng nước rửa hoặc dung dịch thuốc, số lượng tùy theo bệnh lý và tình trạng ngộ độc.
  • Thùng đựng nước thải ra. Giá ống nghiệm nếu có yêu cầu xét nghiệm.
Rửa dạ dày: Chỉ định và chống chỉ định súc rửa dạ dày - ảnh 1
Bộ dụng cụ rửa dạ dày

Dụng cụ vô khuẩn:

  • Khay chữ nhật trải 2 săng đã hấp tiệt khuẩn đựng:
  • Ống Faucher dài 80 - 150cm đường kính 8 - 12mm.
  • Bơm tiêm 20 - 50ml.
  • Gạc, bông cầu đã được hấp tiệt khuẩn.
  • Kìm mở miệng, kéo lưỡi và đè lưỡi.

2.3 Thực hiện kỹ thuật

  • Đặt người bệnh nằm đầu thấp, mặt nghiêng về bên trái. Trải 1 tấm nilon lên phía đầu giường và quàng 1 tấm quanh cổ người bệnh.
  • Đặt thùng hứng nước bẩn. Đặt ống thông vào dạ dày theo đúng quy trình đặt ống thông dạ dày. Kiểm tra xem ống đã vào đúng dạ dày chưa. Cố định ống thông.
  • Trước khi rửa dạ dày nên hạ thấp đầu phễu dưới mức dạ dày để nước ứ đọng trong dạ dày chảy ra hoặc dùng bơm tiêm để hút dịch dạ dày ra. Lưu mẫu dịch dạ dày làm xét nghiệm.
  • Cắm phễu hoặc bốc, nâng cao ít nhất 30cm so với người bệnh.
  • Đổ nước khoảng 300 - 500ml/lần đối với người lớn, hạ thấp đầu ống vào trong chậu cho nước tự chảy ra hoặc dùng máy hút hút ra.
Rửa dạ dày: Chỉ định và chống chỉ định súc rửa dạ dày - ảnh 2
Quy trình thực hiện súc rửa dạ dày
  • Rửa đi rửa lại cho đến khi nước dạ dày chảy ra trong là được. Nếu bệnh nhân ngộ độc thuốc hoặc hóa chất cũng phải rửa đến khi nước chảy ra trong và hết mùi thuốc hoặc hóa chất.
  • Kết thúc rửa: hút hết dịch trong dạ dày, bơm vào dạ dày 20g Than hoạt uống cùng 20g sorbitol, nhắc lại sau 2 giờ cho đến khi đạt 120g Than hoạt.
  • Rút ống thông, tháo băng dính cố định. Thu dọn dụng cụ.

3. Lưu ý khi súc rửa dạ dày

  • Hạn chế không khí vào dạ dày.
  • Luôn quan sát sắc mặt bệnh nhân. Ngừng rửa ngay khi bệnh nhân kêu đau bụng hoặc dịch chảy ra có lẫn máu, theo dõi bệnh nhân chặt chẽ.

4. Các tai biến có thể xảy ra

  • Chảy máu: Tổn thương đường tiêu hoá do hoá chất gây nên. Cần ngừng ngay kỹ thuật, theo dõi bệnh nhân.
  • Viêm phổi hít: Do dịch trào ngược tràn vào phổi.
  • Nôn mửa gây sặc dịch dạ dày: nội khí quản có bóng chèn, rót nước một lần dưới

500ml.

  • Nhịp tim chậm, Ngất do kých thích dây X: hồi sức cấp cứu.
  • Rối loạn nước, điện giải do ngộ độc nước nếu không pha muối và rửa quá nhiều (trên 20 lít): phải dùng lợi tiểu mạnh (Lasix) kết hợp truyền dung dịch NaCl ưu trương.
  • Tăng natri máu và Mất nước nếu pha muối trên 9g/lít: truyền bù dịch rồi cho lasix, theo dõi và điều chỉnh điện giải theo kết quả xét nghiệm.
  • Hạ thân nhiệt do trời lạnh: khi thời tiết lạnh, pha nước ấm để rửa dạ dày, sưởi ấm cho người bệnh.

Súc rửa dạ dày là phương pháp hữu hiệu giúp xử lý kịp thời các trường hợp ngộ động phát hiện sớm. Cần nắm rõ chỉ định và chống chỉ định của kỹ thuật này để đưa ra quyết định nhanh chóng và đúng đắn giúp cứu sống bệnh nhân.

Người bệnh có thể bị viêm phổi hít sau khi rửa dạ dày

                                                                                                      Tổng hợp theo Vinmec.com

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung