Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không?

Sa trực tràng và trĩ có những biểu hiện tương đối giống nhau. Tuy nhiên đây 2 tình trạng bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Nếu chẩn đoán nhầm sẽ dẫn đến điều trị sai và gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Dưới đây là một số cách để phân biệt sa trực tràng và sa trĩ, mời các bạn cùng tham khảo:
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Sa trực tràng, trĩ là gì?

Sa trực tràng là tình trạng mà trực tràng (phần cuối của ruột già trước khi đổ vào hậu môn) mất đi gắn kết bình thường của nó bên trong cơ thể cho phép nó chui qua lỗ hậu môn ra ngoài. Đây là bệnh lành tính, không để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó nếu khối sa bị mắc kẹt bên ngoài hậu môn có thể gây nghẹt và có nguy cơ bị hoại tử

Còn bệnh trĩ là do sự dãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ ở vùng mô bao quanh hậu môn dẫn đến hình thành búi trĩ. Tùy vào vị trí xuất hiện của búi trĩ mà bệnh trĩ được chia thành 3 loại: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.

2. Phân biệt Sa trực tràng và trĩ

2.1 Phân biệt qua búi sa của bệnh trĩ và bệnh sa trực tràng

Bệnh trĩ: Bề mặt khối sa chính là lớp niêm mạc. Khối sa của trĩ thường ngắn và tạo thành từ một hay nhiều búi không đều.

Bệnh sa trực tràng: Khối sa là một phần hay toàn bộ trực tràng. Khối sa dài và tròn đều theo hình tròn đồng tâm. Khối sa này tiết nhiều dịch nhầy ẩm ướt.

2.2 Phân biệt qua hiện tượng chảy máu khi đi đại tiện

Bệnh trĩ: Ngay từ giai đoạn đầu của bệnh đã có hiện tượng đi tiêu ra máu, lượng máu chảy ra tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Ban đầu, máu chảy ra thường ít, máu chỉ dính trên phân hay giấy vệ sinh và búi trĩ nhỏ nên không gây đau đớn. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, búi trĩ sưng to và máu chảy ra nhiều hơn, có thể nhỏ thành giọt hoặc bắn thành tia.

Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không? - ảnh 1
Phân biệt qua hiện tượng chảy máu khi đi đại tiện

Bệnh sa trực tràng: Có hiện tượng chảy máu khi đi đại tiện. Máu đỏ tươi, chảy ra ít và thường bị lẫn vào phân.Ngoài dựa vào các đặc điểm của búi sa và hiện tượng chảy máu khi đi tiêu, nên dựa vào các phương pháp Chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán chính xác bệnh sa trực tràng.

  • Phương pháp chụp hình khi đi cầu (Video-proctoscope): đây là phương pháp Chẩn đoán hình ảnh dễ thực hiện, không xâm lấn. Dựa vào hình ảnh chụp được khi bệnh nhân đi cầu, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác bệnh sa trực tràng với các bệnh lý khác như sa trĩ.
  • Phương pháp chụp cộng hưởng từ động học (MRI Dynamic defecography): phương pháp chính xác này có độ chính xác cao và có thể chẩn đoán được các yếu tố kèm theo bệnh như sa sinh dục, sa bàng quang, ... MRI còn giúp xác định được đặc điểm giải phẫu của sa trực tràng như: sự dãn rộng của hậu môn, của cơ nâng hậu môn, túi cùng Douglas thòng xuống,...

3. Phòng ngừa và điều trị sa trực tràng

Phòng ngừa bệnh sa trực tràng

  • Uống nhiều nước (khoảng 2 lít nước/ngày).
  • Bổ sung nhiều chất xơ như: trái cây, rau xanh, ngũ cốc...
  • Ăn nhiều các loại thực phẩm có tác dụng nhuận tràng như: khoai, rau mùng tơi....
  • Tập thói quen đi vệ sinh hằng ngày, không nên rặn quá nhiều khi đại tiện

4. Điều trị bệnh sa trực tràng

Khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ, phương pháp điều trị nội khoa như dùng thuốc nhuận tràng, thay đổi chế độ ăn có thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, khi bệnh đã tiến triển nặng hơn, chỉ có biện pháp phẫu thuật mới có thể điều trị dứt điểm bệnh sa trực tràng. Dựa trên các nguyên lý khác nhau sẽ có nhiều phương pháp mổ khác nhau. Tuỳ theo đường mổ có hai nhóm phương pháp chính là phẫu thuật qua đường bụng và phẫu thuật theo đường tầng sinh môn. Các phẫu thuật này hỗ trợ chấm dứt tình trạng sa trực tràng tái lại và mang lại một sự cải thiện đáng kể trong chất lượng cuộc sống.

Lựa chọn loại phẫu thuật nào phụ thuộc vào cả yếu tố bệnh nhân và yếu tố phẫu thuật. Yếu tố bệnh nhân bao gồm tuổi, giới, chức năng đại tiện, đại tiện tự chủ, phẫu thuật trước đó, và bệnh lý nội khoa nặng kèm theo. Yếu tố phẫu thuật bao gồm mức độ sa trực tràng, hiệu quả có thể có trên chức năng đại tiện và đại tiện không tự chủ, tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật, tỷ lệ tái phát của phẫu thuật, và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung