1. Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm gan là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh tầm soát Ung thư gan phổ biến hiện nay bởi độ nhạy cảm khoảng 68 - 87%. Hiện nay, Ung thư gan thường được phát hiện nhờ vào phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm. Siêu âm rất đơn giản, giúp tiết kiệm chi phí, không hại và chẩn đoán được khối u >1cm. Siêu âm còn giúp phát hiện những bệnh lý đi kèm như xơ gan, hay tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Vào giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh thường sẽ không xuất hiện các triệu chứng ung thư gan cụ thể. Thông qua chẩn đoán hình ảnh, sẽ đánh giá được mức độ tổn thương các cấu trúc bề mặt gan. Tiến hành kết hợp siêu âm gan và đo nồng độ AFP ở trong máu tối ưu hơn việc thực hiện riêng lẻ những Xét nghiệm này ở trong phác đồ tầm soát ung thư gan.
2. Sinh thiết gan
Sinh thiết gan chỉ nên chỉ định khi thật sự cần thiết bởi việc sinh thiết cũng có những rủi ro nhất định: nhiễm trùng, chảy máu, gieo rắc tế bào ung thư theo đường đi của kim sinh thiết (1 – 3% trường hợp). Nếu kết quả sinh thiết tế bào gan dương tính sẽ cho chẩn đoán xác định ung thư gan. Nếu sinh thiết âm tính sẽ khuyến cáo thăm khám lại bằng chẩn đoán hình ảnh, thậm chí sinh thiết lại sau khoảng thời gian 2 – 3 tháng.
3. Chụp cắt lớp phân giải cao và chụp cộng hưởng từ
Đây là một xét nghiệm tầm soát ung thư gan để phát hiện khối u nhỏ cỡ 1cm. Chụp cắt lớp phân giải cao và chụp cộng hưởng từ có cản quang giúp chẩn đoán ung thư gan và giai đoạn khối u; Sinh thiết mô gan giúp phân biệt U lành tính và u ác tính.
Tuy nhiên, nếu các xét nghiệm tầm soát ung thư gan khác không rõ ràng mới cần phải sinh thiết gan;
4. Nội soi ổ bụng
Nội soi ổ bụng với đường rạch nhỏ ở bụng giúp phát hiện khối u nhỏ, phát hiện tình trạng Xơ gan hoặc lấy mẫu mô gan làm sinh thiết.
5. Xét nghiệm tầm soát ung thư gan
5.1. Chỉ số AFP
Alpha – fetoprotein (AFP), là một loại protein được tiết ra từ các tế bào gan chưa trưởng thành của thai nhi. AFP có thể tăng lên ở 70% bệnh nhân ung thư gan nhưng cũng có thể bình thường.
Nếu AFP tăng cao là dấu hiệu nghi ngờ lớn với ung thư gan. Tuy nhiên, AFP có thể tăng trong Xơ gan và viêm gan mạn. Đa số những người đã được phát hiện có AFP cao ở trong máu lại đang trong giai đoạn sau của bệnh.
5.2. AFP-L3
Là một đồng đẳng (Isoform) của AFP. Ba dạng AFP được phân biệt bởi mức độ fucosyl hóa (fucosylation) của chuỗi đường gắn với N-acetylglucosamine. Các dạng này có khả năng gắn vào Lens culinaris agglutinin (LCA) với các ái lực khác nhau.
AFP-L1 là loại không gắn LCA, là dạng chủ yếu được thấy ở những người bị bệnh gan lành tính như Viêm gan B mạn hoặc xơ gan AFP-L2 là có khả năng gắn LCA với ái lực vừa và là dạng chủ yếu được sản xuất bởi các khối u túi noãn hoàng. AFP-L3 được sản xuất bởi các tế bào gan ác tính, gắn vào Lens culinaris agglutinin (LCA) với ái lực cao và là dạng chủ yếu được thấy ở các bệnh nhân bị HCC. AFP-L3 được ghi nhận là tỉ lệ phần trăm của AFP-L3 so với tổng mức AFP. Giá trị cắt của AFP-L3 được xác định là 10% thì xét nghiệm có độ nhạy 56% và độ đặc hiệu 90% trong phát hiện HCC. Người có giá trị AFP-L3 cao hơn 10% thì tăng gấp 7 lần nguy cơ xuất hiện HCC trong vòng 21 tháng .
5.3. DCP hay PIVKA II
Là một dạng bất thường được tạo ra bởi sự thiếu vitamin K của prothrombin, một Yếu tố đông máu được sản xuất bởi gan. DCP có thể được sản xuất bởi các khối u gan và mức độ thường tăng lên khi bị HCC. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tăng DCP thường phản ánh tình trạng của bệnh, kích thước khối u, sự xâm lấn tĩnh mạch cửa. Ngoài ra sau phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc sau điều trị ung thư gan bằng phương pháp khác, nồng độ DCP giảm nhanh. Sự tăng DCP trở lại sau điều trị thể hiện bệnh tái phát hoặc thất bại của điều trị.
Ngoài ra, để xác định được chính xác tình trạng bệnh ung thư gan, bạn có thể thực hiện thêm các Xét nghiệm chức năng gan để đánh giá nguyên nhân gây ra bệnh và một số loại xét nghiệm khác.