Xét nghiệm chức năng gan

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung về Xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm chức năng gan là gì?

Xét nghiệm chức năng gan thực chất là một Xét nghiệm máu được sử dụng để giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh gan hoặc các tổn thương ở gan. Xét nghiệm này giúp đo mức độ của một số enzyme và protein trong máu.

Một số chỉ số Xét nghiệm chức năng gan cho biết khả năng hoạt động bình thường của gan (như sản xuất protein, loại bỏ Bilirubin và các chất thải từ máu). Một vài chỉ số xét nghiệm khác thể hiện lượng enzyme mà gan giải phóng để đáp ứng với tổn thương hay tình trạng bệnh lý nào đó.

Kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường không phải lúc nào cũng được chẩn đoán là bạn mắc bệnh gan. Bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm cụ thể với bạn.

Tại sao bạn cần thực hiện xét nghiệm chức năng gan?

Xét nghiệm chức năng gan có thể giúp bạn:

  • Sàng lọc các bệnh nhiễm trùng gan, ví dụ như viêm gan

  • Theo dõi tiến triển bệnh (như viêm gan do virus/rượu) và đánh giá hiệu quả điều trị

  • Ước lượng mức độ nghiêm trọng của bệnh, đặc biệt là xơ gan

  • Theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc điều trị

  • Kiểm tra mức độ của một số enzyme và protein trong máu. Mức độ cao hơn hoặc thấp hơn bình thường có thể chỉ ra những vấn đề về gan

Các loại xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm chức năng gan có thể kiểm tra các chỉ số như sau:

Alanin transaminase (ALT)

ALT là một loại enzyme được tìm thấy trong gan, giúp cơ thể bạn chuyển hóa protein. Khi gan bị tổn thương, ALT được giải phóng vào máu và kết quả sau khi xét nghiệm sẽ thấy nồng độ ALT tăng hơn mức bình thường.

Aspartate transaminase (AST)

AST là một enzyme giúp chuyển hóa alanin, một loại axit amin. Giống như ALT, AST thường xuất hiện trong máu ở mức thấp. Khi nồng độ AST tăng cao có thể là dấu hiệu của tổn thương gan hoặc tổn thương cơ.

Phosphatase kiềm (ALP)

ALP là một enzyme trong gan, ống mật và xương. Nồng độ ALP cao hơn bình thường có thể là do tổn thương gan hoặc bệnh lý, chẳng hạn như ống mật bị tắc hoặc một số bệnh về xương.

Albumin và protein tổng

Albumin là một trong một số những protein được tạo ra ở gan. Cơ thể cần những protein này để chống lại nhiễm trùng và thực hiện các chức năng khác. Nồng độ Albumin và protein tổng có giá trị thấp hơn bình thường có khả năng chỉ ra những dấu hiệu tổn thương gan hoặc tình trạng bệnh.

Bilirubin

Bilirubin là một chất được tạo ra trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường. Bilirubin đi qua gan và được bài tiết qua phân. Nồng độ bilirubin tăng cao (gây vàng da) có thể là dấu hiệu của tổn thương gan hoặc một số loại thiếu máu.

Gamma–glutamyltransferase (GGT)

GGT là một enzyme có ở trong máu. Nồng độ GGT cao hơn bình thường có khả năng bạn đã bị tổn thương gan hoặc ống mật.

L–Lactate dehydrogenase (LD)

LD là một enzyme được tìm thấy trong gan. Khi nồng độ LD tăng, đó có thể là do tổn thương gan nhưng LD cũng có thể tăng trong nhiều rối loạn khác.

Thời gian prothrombin (PT)

PT là thời gian để máu của bạn đông lại tạo thành cục máu đông. Chỉ số PT tăng có khả năng gan bị tổn thương hoặc do bạn đang dùng một số loại thuốc làm loãng máu như warfarin.

Điều cần thận trọng

Bạn có thể gặp những rủi ro gì khi tiến hành xét nghiệm chức năng gan?

Mẫu máu dùng xét nghiệm chức năng gan thường được lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay, thế nên những sự cố bạn có thể gặp chỉ là cảm giác đau nhức hoặc bầm tím tại vị trí lấy máu. Hầu hết tất cả mọi người đều không có phản ứng nghiêm trọng khi lấy máu xét nghiệm.

Quy trình thực hiện

Trước khi xét nghiệm chức năng gan

Một số loại thực phẩm và thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng gan. Vì vậy, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tránh ăn một vài thực phẩm cũng như thức uống đặc biệt trước khi lấy máu. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Trong quá trình kiểm tra chức năng gan

Mẫu máu dùng để kiểm tra chức năng gan thường được rút ra thông qua một cây kim nhỏ chèn vào tĩnh mạch ở phần uốn cong trên cánh tay. Kim tiêm được gắn vào một ống nhỏ để thu thập máu. Bạn có thể cảm thấy hơi đau khi kim được đưa vào cánh tay và cảm thấy khó chịu tạm thời tại vị trí rút máu.

Sau khi lấy mẫu thực hiện xét nghiệm chức năng gan

Mẫu máu sau khi được lấy sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm phân tích. Thông thường, kết quả xét nghiệm sẽ có sau vài giờ đồng hồ.

Những điều nên thận trọng khi làm xét nghiệm chức năng gan

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả xét nghiệm chức năng gan của bạn có ý nghĩa gì?

Các chỉ số bình thường cho một xét nghiệm chức năng gan điển hình như sau:

  • ALT: 7–55U/l

  • AST: 8–48U/l

  • ALP: 45–115U/l

  • Albumin: 3,5–5,0g/dl

  • Tổng protein: 6,3–7,9g/dl

  • Bilirubin: 0,1–1,2mg/dl

  • GGT: 9–48U/l

  • LD: 122–222U/l

  • Thời gian PT: 9,5–13,8 giây

Những giá trị trên là giới hạn bình thường ở nam giới trưởng thành, khỏe mạnh. Khoảng giới hạn bình thường có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào các cơ sở y tế và đối tượng thực hiện xét nghiệm (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Bác sĩ sẽ dựa trên những kết quả này để giúp chẩn đoán tình trạng hoặc xác định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bạn đã bị bệnh gan, các xét nghiệm chức năng gan có thể giúp xác định tình trạng bệnh đang tiến triển như thế nào và liệu bạn có đáp ứng tốt với điều trị hay không.

Nguồn tham khảo

Xét nghiệm chức năng gan, https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/liver-function-tests/about/pac-20394595

Xét nghiệm chức năng gan, https://www.healthline.com/health/liver-function-tests

Xét nghiệm chức năng gan,