Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp, nguyên nhân và triệu chứng

25/06/2021
Tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp, nguyên nhân và triệu chứng

Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến trên toàn cầu với hơn 1,6 tỷ người mắc và ngày một tăng lên, tỷ lệ kiểm soát bệnh chưa cao và để lại hậu quả rất nặng nề lên đời sống người bệnh.

1. Tình trạng Tăng huyết áp ở Việt Nam

Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp trong dân số dao động từ 16 – 23%, điều này có nghĩa là cứ mỗi 5 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp. Việc điều trị kiểm soát bệnh tăng huyết áp ngày nay chưa đạt được hiệu quả cao một phần do bệnh có diễn tiến âm thầm, rất ít hoặc dường như không có triệu chứng, người bệnh chủ quan về tình trạng sức khỏe và không tuân thủ tốt việc điều trị. Việc nâng cao sự hiểu biết và cảnh giác về bệnh tăng huyết áp phần nào có thể giúp người bệnh chủ động phát hiện ra tăng huyết áp và điều trị sớm hơn.

2. Hiểu về chỉ số Huyết áp như thế nào?

Huyết áp là áp lực được tạo ra khi tim co bóp đẩy dòng máu chảy trong lòng các mạch máu (động mạch). Hiện tượng Huyết áp cao xảy ra khi lực tác động lên thành mạch máu tăng cao hơn mức bình thường, có nghĩa rằng trái tim phải làm việc nặng nhọc hơn và các mạch máu cũng chịu áp lực cao hơn. Đây là nguy cơ chính gây ra bệnh tim, đột quỵ và các bệnh lý nghiêm trọng khác. Trong y khoa, chúng ta thường gọi tình trạng Huyết áp cao này là ‘Tăng huyết áp’.

Chỉ số huyết áp của bạn gồm 2 số, số này ‘trên’ số kia – ví dụ: 140/80. Số cao hơn (gọi là huyết áp tâm thu) phản ánh áp lực bên trong động mạch khi tim đang bơm máu. Số nhỏ hơn (gọi là huyết áp tâm trương) phản ánh áp lực bên trong động mạch khi tim thư giãn giữa các nhịp. Đơn vị đo của huyết áp là milimet thủy ngân (mm Hg).

Chỉ số huyết áp được ghi nhận cao ở một lần đo không có nghĩa là bạn có bệnh tăng huyết áp. Huyết áp của chúng ta thay đổi xuyên suốt cả ngày. Khi bạn lo lắng, căng thẳng hay bạn vừa mới tập thể dục xong cũng có thể làm chỉ số huyết áp cao hơn trong một khoảng thời gian ngắn. Khi bạn ngủ hay nghỉ ngơi thư giãn, chỉ số huyết áp sẽ giảm xuống mức thấp hơn.

Tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp, nguyên nhân và triệu chứng - ảnh 1
Huyết áp của chúng ta thay đổi xuyên suốt cả ngày

3. Tăng huyết áp có những triệu chứng gì?

Phần lớn những người bị tăng huyết áp thường không biết bản thân mình có bệnh cho đến khi những biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp là nhồi máu cơ tim và đột quỵ xảy ra. Cũng chính vì điều này mà bệnh Tăng huyết áp được ví von như một “Kẻ giết người thầm lặng”.

Chúng ta chỉ phát hiện ra tăng huyết áp nếu đo huyết áp thường xuyên hoặc khi đi Khám bệnh vì lý do khác mà được đồng thời kiểm tra huyết áp. Đôi khi, huyết áp tăng quá cao, bạn sẽ bị đau đầu, thậm chí choáng váng và mờ mắt.

Ngoài chỉ số huyết áp cao, khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ thường cũng không phát hiện thêm dấu hiệu nào khác nữa. Nếu huyết áp cao đã lâu hoặc ở mức rất cao thì cũng có thể gây ra những biến đổi của mạch máu ở đáy Mắt gây ra triệu chứng nhìn mờ.

4. Chẩn đoán tăng huyết áp như thế nào?

Bạn sẽ được chẩn đoán có tăng huyết áp nếu chỉ số huyết áp của bạn được ghi nhận là cao qua nhiều lần đo, ở những thời điểm khác nhau, và vẫn còn cao cả khi bạn đang thư giãn hoặc nghỉ ngơi.

Tăng huyết áp được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp ghi nhận được ở mức 140/90 mm Hg hoặc cao hơn khi đo ở phòng khám hoặc bệnh viện, hoặc trung bình của các chỉ số ghi nhận được cao hơn 135/85 mm Hg khi đo huyết áp tại nhà hoặc khi đo bằng máy đo huyết áp lưu động. Nếu những chỉ số huyết áp này tiếp tục duy trì cao hơn các ngưỡng trên, bạn đã bị tăng huyết áp.

Nếu huyết áp của bạn chỉ cao trong một lần đo nào đó mà chỉ số lại không quá cao, thì bác sĩ sẽ chưa chẩn đoán bạn bị tăng huyết áp. Bác sĩ cần phải căn cứ vào chỉ số trung bình của các lần đo huyết áp tại nhà hoặc đo bằng máy huyết áp lưu động. Những người nghi ngờ bị tăng huyết áp thường được khuyến khích ghi nhận lại các chỉ số huyết áp được đo khi không ở phòng khám hoặc cơ sở y tế.

Lý do là vì một số người sẽ cảm thấy lo lắng khi đi khám bệnh và đó cũng là yếu tố góp phần gây ra huyết áp cao. Điều này được gọi là hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng. Do vậy, việc đo huyết áp tại nhà hoặc sử dụng máy đo huyết áp lưu động sẽ ghi nhận được các chỉ số huyết áp thực của bạn khi bạn thư giãn, bớt lo âu.

5. Tại sao huyết áp cao lại là vấn đề đáng lo ngại?

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ dẫn tới các vấn đề về sức khoẻ nghiêm trọng trong tương lai. Nếu bạn có huyết áp cao qua nhiều năm, thành mạch máu của bạn sẽ dần dần bị tổn thương và trái tim bạn sẽ phải làm việc với một gánh nặng lớn đè lên nó thường xuyên. Nhìn chung, huyết áp càng cao, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ càng tăng.

Mắc các bệnh Tim mạch là nguy cơ lớn nhất khi có huyết áp cao, bao gồm các bệnh về cơ tim, hoặc toàn bộ hệ mạch máu gây ra bởi xơ vữa mạch. Các mảng xơ vữa giống như những mảng mỡ nhỏ được tạo lập ở giữa các lớp của thành của mạch máu (động mạch). Xơ vữa động mạch làm cho thành của các động mạch ngày càng trở nên dày hơn, cứng hơn và kém đàn hồi hơn.

Các bệnh Tim mạch gây ra bời bệnh lý xơ vữa bao gồm

  • Đau thắt ngực.
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ
  • Cơn thiếu máu Não thoáng qua
  • Bệnh động mạch ngoại biên
Tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp, nguyên nhân và triệu chứng - ảnh 2
Các biến chứng của Tăng huyết áp.

Tăng huyết áp thường phổ biến hơn ở những người có:

Tiểu đường, cả tuýp 1 và tuýp 2. Tuy nhiên, thường gặp hơn ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Gia đình có tiền sử tăng huyết áp

Chế độ ăn uống và sinh hoạt có nhiều nguy cơ, cụ thể:

  • Thừa cân, béo phì
  • Ăn mặn, nhiều muối
  • Ít vận động, Không tập thể dục
  • Uống nhiều rượu bia
  • Nhiều căng thẳng

6. Cách đo huyết áp như thế nào cho đúng?

Lần đo huyết áp đầu tiên thường được thực hiện tại phòng khám hoặc cơ sơ y tế. Nếu ghi nhận chỉ một lần với chỉ số cao, bác sĩ và điều dưỡng thường tư vấn bệnh nhân tự theo dõi và ghi chép lại trong một thời gian. Điều này có nghĩa là huyết áp cần được đo nhiều lần vào những thời điểm khác nhau và cách nhau một thời khoảng nhất định. Việc theo dõi chỉ số huyết áp bao lâu một lần phụ thuộc vào các chỉ số huyết áp ban đầu và những nguy cơ về sức khoẻ mà bạn có thể có.

7. Chỉ số huyết áp đo tại nhà

Bạn có thể được bác sĩ khuyên mua một máy đo huyết áp để chủ động theo dõi huyết áp tại nhà.

Huyết áp cần được đo khi ngồi và nghỉ ngơi, thư giãn tại nhà, sử dụng máy đo huyết áp đạt tiêu chuẩn. Bạn nên đo 2 lần mỗi ngày trong vòng 1 tuần. Từ đó, bạn có 14 chỉ số huyết áp tâm thu và 14 chỉ số huyết áp tâm trương, sau đó lấy trung bình của 14 chỉ số tâm thu và 14 chỉ số tâm trương, ta được chỉ số trung bình của huyết áp. Huyết áp chênh lệch hoặc thay đổi giữa các lần đo là điều bình thường, nên nếu trong một lần đo nào đó, chỉ số huyết áp tăng nhưng không quá cao, thì bạn không cần phải quá lo lắng.

Tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp, nguyên nhân và triệu chứng - ảnh 3
Bạn có thể được bác sĩ khuyên mua một máy đo huyết áp để chủ động theo dõi huyết áp tại nhà.

9. Chỉ số huyết áp được đo bằng máy huyết áp lưu động

Đó là những chỉ số huyết áp được tự động ghi nhận định kỳ mỗi 15 hoặc 30 phút trong khi bạn vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Bạn chỉ cần đeo một chiếc máy nhỏ và có phần bao quấn vào cánh tay để đo các chỉ số huyết áp, thông thường kéo dài trong vòng 24 giờ.

Chỉ số trung bình của Huyết áp được ghi nhận bằng máy đo lưu động phản ánh trung thực nhất tình trạng huyết áp của bạn. Nếu không có máy đo huyết áp lưu động thì chúng ta sẽ thay thế bằng cách đo huyết áp nhiều lần tại nhà. Những chỉ số huyết áp đo bằng máy lưu động và đo tại nhà thường thấp hơn, đôi khi rất nhiều, so với các chỉ số huyết áp được đo tại phòng khám hoặc bệnh viện. Lý giải cho điều này chính là việc chúng ta thường cảm thấy thoải mái, thư giãn và ít căng thẳng hơn khi đo huyết áp tại nhà.

10 Điều trị Tăng huyết áp như thế nào?

Nếu bạn được chẩn đoán có tăng huyết áp, thì bác sĩ có thể sẽ đề nghị làm thêm một số Xét nghiệm cơ bản trước khi tiến hành điều trị, như:

  • Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra đạm hoặc máu trong nước tiếu.
  • Xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận, mỡ máu và đường máu.
  • Kiểm tra điện tâm đồ (ECG)

Mục đích của việc thăm khám và làm những xét nghiệm này là để:

  • Loại trừ (hoặc chẩn đoán) các nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp, ví dụ như bệnh thận.
  • Kiểm tra xem huyết áp cao có ảnh hưởng đến tim chưa.
  • Kiểm tra các yếu tố nguy cơ khác như Mỡ máu cao hoặc tiểu đường.

11. Liệu tôi có thể hạ huyết áp của mình mà không cần dùng thuốc không?

Việc thay đổi lối sống, sinh hoạt và tập luyện đôi khi có thể giúp ích rất nhiều, và ở một số người, sự thay đổi này thậm chí có thể giúp họ không cần dùng đến thuốc. Cụ thể:

  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân
  • Ăn nhạt, giảm lượng muối ăn vào
  • Tập thể dục thường xuyên

Ngưng hút thuốc lá không làm giảm huyết áp nhưng việc hút thuốc lá kết hợp với huyết áp cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ tim mạch. Vậy nên, nếu bạn bỏ thuốc lá, bạn sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, v.v...

12. Nếu tôi cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp thì sẽ như thế nào?

Có nhiều loại thuốc khác nhau, tác dụng qua những cơ chế khác nhau để điều chỉnh huyết áp ổn định hơn. Do đó, bác sĩ sẽ tư vấn loại phù hợp nhất cho bạn. Nếu thuốc chưa có tác dụng tối ưu, hoặc thuốc gây ra các tác dụng phụ, thì bạn vẫn còn nhiều lựa chọn thuốc khác.

Lý tưởng nhất là tìm ra một hoặc vài loại thuốc thích hợp và kiểm soát được tốt huyết áp của bạn. Một khi đã tìm được loại thuốc phù hợp, bạn cần duy trì việc sử dụng thuốc trong một thời gian dài để đảm bảo huyết áp được kiểm soát tốt nhất. Việc tự ý ngưng thuốc điều trị huyết áp có thể làm huyết áp tăng cao mất kiểm soát, các cơ quan tiếp tục bị tổn thương do tình trạng huyết áp tăng cao kéo dài, và nguy cơ các biến chứng nặng không được giảm đi.

Và một điều không thể thiếu nữa là bạn cần kiểm tra huyết áp thường xuyên trong khi điều trị và tái khám đều đặn để các bác sĩ điều chỉnh thuốc nếu cần.