1. Thế nào là Viêm gan B thể không hoạt động?
Viêm gan B là bệnh lý gây viêm nhu mô gan được gây ra bởi siêu vi có ái tính với tế bào gan nhóm B. Đây là một trong các bệnh tương đối thường gặp trong cộng đồng khi số lượng người mang virus không biểu hiện triệu chứng còn khá cao.
Thông thường, khi nhiễm virus Viêm gan B từ dịch tiết và máu của người bệnh với một số lượng đủ để gây bệnh, một người lành lặn sẽ biểu hiện thành ba thể khác nhau:
(1) Thể viêm gan B cấp tính
(2) Thể viêm gan B mạn tính
(3) Thể viêm gan B không hoạt động
Trong hai thể đầu tiên, đặc điểm chung của người bệnh là sẽ biểu hiện ra ngoài với một Tình trạng viêm gan có hội chứng tổn thương tế bào gan. Bệnh nhân đi khám vì đau tức hạ sườn phải, ăn uống kém, vàng mắt Vàng da toàn thân... Tùy vào mức độ của triệu chứng và thời gian diễn tiến, các đối tượng này được phân thành viêm cấp tính hay mạn tính. Trái ngược lại với hai thể này, ở những người còn lại mắc viêm gan B thể không hoạt động, mặc dù không biểu hiện ra Tình trạng viêm gan, trong máu hay dịch tiết của họ vẫn có sự hiện diện của virus, thậm chí đang nhân đôi để tăng số lượng lên rất nhanh.
Chính vì người lành mang bệnh mà hoàn toàn không gây tác hại gì, không tổn thương gì để phát hiện ra trong quá trình thăm khám, kể cả làm xét nghiệm men gan thông thường, rất thường dễ bị bỏ sót. Theo đó, họ được gọi là viêm gan B thể không hoạt động hay viêm gan B thể ngủ. Vì không phát hiện ra, các đối tượng này không được điều trị thuốc kháng virus cũng như áp dụng các biện pháp ngăn ngừa sự Truyền nhiễm qua những người xung quanh. Vì vậy, đây chính là nguyên nhân càng dễ khiến nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng một cách rất vô tình khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết.
Tuy nhiên, người mang mầm bệnh viêm gan B thể không hoạt động thì thực sự virus chỉ “ngủ” trong thời gian ngắn. Thời gian này là tùy vào khả năng dung nạp miễn dịch của cơ thể. Ở những người trẻ tuổi, khả năng dung nạp miễn dịch tốt hơn người lớn, nhất là trẻ sinh ra từ mẹ đã nhiễm siêu vi B. Chỉ đến khi sự dung nạp miễn dịch không còn, hàng rào bảo vệ cơ thể đã nhận ra vật lạ và tích cực chống đỡ để đào thải virus ra ngoài, hàng loạt các phản ứng hóa học sẽ được xúc tác nhằm tiêu diệt virus.
Trong đó, hệ thống miễn dịch tại gan cũng được huy động. Các tế bào gan bị tấn công nhằm tiêu diệt virus khiến men gan giải phóng ra máu, hệ quả là khi đo nồng độ men gan trong máu thấy tăng lên. Song song đó, người bệnh sẽ ngày càng bộc ra ngoài tình trạng viêm gan cấp tính hay mạn tính, thậm chí cả Suy gan cấp. Dù vậy, khi phát hiện ra thì khả năng cứu chữa đã trở nên vô cùng khó khăn, bệnh nhân đã vào các biến chứng cuối cùng của viêm gan B.
2. Các xét nghiệm nào để phát hiện viêm gan B thể không hoạt động?
Như chu trình sinh bệnh học của siêu vi ái tính với tế bào gan nhóm B, chúng sẽ không khiến cho cơ thể có bất kỳ một biểu hiện gì ra ngoài, kể cả xét nghiệm men gan và chức năng sinh hóa gan thông thường. Theo đó, cách duy nhất để phát hiện viêm gan B thể không hoạt động chỉ khi có đặt mục tiêu tìm kiếm.
Trong thực tế, việc tầm soát phát hiện viêm gan B thể không hoạt động thường thực hiện trên các đối tượng cần quan tâm về tình trạng mắc các bệnh lý lây truyền qua đường máu và dịch tiết, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao, các đối tượng cần can thiệp ngoại khoa như phụ nữ có thai, bệnh nhân tiền phẫu... kể cả khám sức khỏe tổng quát lần đầu. Lúc này, bác sĩ sẽ cho chỉ định tìm sự hiện diện của HBsAg trong máu. Đây là protein trên bề mặt của virus gây viêm gan B, đóng vai trò như kháng nguyên, đánh dấu sự hiện diện trong cơ thể. Nếu cơ thể chưa từng mắc bệnh hoặc đã từng mắc nhưng đã khỏi bệnh, xét nghiệm HbsAg sẽ hoàn toàn âm tính.
Ngược lại, nếu xét nghiệm HbsAg dương tính kèm theo men gan hoàn toàn trong giới hạn bình thường, về mặt lâm sàng người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào thì các đối tượng này được xem là viêm gan B thể không hoạt động.
Bước tiếp theo là xác định họ là người lành mang mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao hay thấp. Để biết được điều này, xét nghiệm kế tiếp cần làm là HbeAg. Kết quả sẽ cho biết virus có đang sinh trưởng trong máu hay không. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là xét nghiệm Huyết thanh đánh giá gián tiếp. Do đó, cần có một xét nghiệm chẩn đoán bổ sung quan trọng ở bệnh nhân này là HBV DNA.
Xét nghiệm HBV DNA là ứng dụng của sự phát triển sinh học phân tử. Bằng cách tạo điều kiện cho virus tăng sinh theo cấp số nhân trong môi trường nuôi cấy nhân tạo, các kỹ thuật viên sẽ đo được trực tiếp số lượng virus trong máu, cho biết hiện thực sự đang có bao nhiêu siêu vi. Nếu HBV DNA cho kết quả cao, điều này chứng tỏ là tình trạng viêm gan B thể không hoạt động nhưng vẫn có khả năng lây lan rất mạnh cho người khác nếu tiếp xúc máu và dịch tiết.
Đồng thời, họ cũng cần theo dõi men gan định kỳ để phát hiện sớm khi nào virus tấn công vào tế bào gan và bắt đầu điều trị. Trong trường hợp HBV DNA cho kết quả thấp hay dưới ngưỡng phát hiện, các đối tượng này không nên gọi là “bệnh nhân” vì họ chỉ là người lành mang mầm bệnh, siêu vi “chung sống hòa bình” không gây tổn hại gì cho cơ thể và cũng không có khả năng lây lan cho người khác. Mặc dù vậy, tình trạng này không đảm bảo lâu dài vì siêu vi có thể bùng phát bất cứ lúc nào và gây tổn thương gan. Do đó, việc theo dõi men gan ở các đối tượng này cũng vô cùng cần thiết. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với phụ nữ đang Mang thai hay có dự định Mang thai nhằm tránh lây lan cho con cái về sau.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI