1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là bệnh gan Truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B có thể là bệnh cấp tính hoặc nó cũng có thể trở thành bệnh mãn tính. Viêm gan ở mức độ nghiêm trọng từ nhẹ đến nặng trong vòng 6 tháng đầu tiên tiếp xúc với virus viêm gan B.
Một số mọi người phục hồi sau khi bị nhiễm trùng cấp tính. Khi điều này xảy ra, trong cơ thể người đó đã có miễn dịch với virus viêm gan B đồng nghĩa với việc bạn không thể bị viêm gan B lần nữa và không thể truyền virus cho người khác. Đối với những người khác, nhiễm trùng cấp tính có thể tiến triển thành mãn tính và virus tồn tại, hoạt động trong cơ thể suốt đời. Vì vậy, nó có thể dễ dàng truyền bệnh cho người khác.
Phần lớn các trường hợp bị bệnh viêm gan B thường không có triệu chứng gì và bản thân không biết mình mắc bệnh. Nếu bạn nhiễm virus viêm gan B (HBV) trong 6 tháng hoặc lâu hơn thì được coi là mắc bệnh mãn tính.
Theo Trung tâm kiểm soát và ngừa bệnh (CDC) cho biết, có khoảng từ 20% - 30% số người Mỹ mắc bệnh viêm gan B mãn tính đã mắc bệnh khi còn bé.
2. Triệu chứng của bệnh viêm gan B
Đa số những người bị viêm gan B không có triệu chứng và không biết họ bị nhiễm bệnh. Đối với các đối tượng bị viêm gan cấp tính, triệu chứng của bệnh xuất hiện trong vòng 3 tháng sau tiếp xúc với nguồn bệnh. Các triệu chứng của viêm gan B mãn tính có thể mất đến 30 năm để biểu hiện ra ngoài.
Tổn thương gan có thể âm thầm xảy ra trong khoảng thời gian này. Khi các triệu chứng xuất hiện, đây chính là biểu hiện của tình trạng tổn thương gan đang tiến triển trong cơ thể bạn. Các triệu chứng thường gặp ở viêm gan B cấp tính và mãn tính có thể bao gồm sốt, mệt mỏi, đau bụng và vàng da.
Dù bạn có xuất hiện các triệu chứng bệnh hay không, Xét nghiệm máu là cách duy nhất để biết nếu bạn bị viêm gan B.
3. Viêm gan B có khả năng trở thành bệnh nhiễm trùng mãn tính như thế nào?
Hiện nay, viêm gan siêu vi B có hai dạng:
- Viêm gan siêu vi B cấp: Virus có thể tồn tại và kết thúc trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus. Một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến viêm gan mạn tính
- Viêm gan siêu vi B mạn: Nếu virus tồn tại và kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn thì được coi là mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Virus sẽ không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể người bệnh.
Khả năng để viêm gan B trở thành bệnh nhiễm trùng mãn tính phụ thuộc vào độ tuổi của người bị nhiễm virus. Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B khi sinh có khả năng mắc bệnh mãn tính lên đến 90%.
Ngược lại, phần lớn những người bị nhiễm virus viêm gan B khi đã trưởng thành có thể hồi phục sức khỏe nếu mắc bệnh nhiễm trùng cấp tính. Khi điều này xảy ra, cơ thể sẽ trở nên miễn nhiễm với virus viêm gan B.
Theo thời gian, có khoảng từ 15-25% những người mắc bệnh gan mạn tính sẽ xảy ra các tổn thương nghiêm trọng về gan bao gồm suy gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Hàng năm có hơn 600.000 người trên toàn thế giới tử vong vì liên quan đến viêm gan B.
4. Viêm gan B lây lan như thế nào?
Viêm gan B thường lây lan khi máu, tinh dịch, chất dịch cơ thể của người bị nhiễm virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể của người lành. Virus viêm gan rất dễ lây nhiễm và truyền bệnh một cách dễ dàng thông qua các Vết thương hở trên da hoặc nước bọt, dịch từ mũi của những người mắc bệnh. Virus viêm gan B là loại siêu vi, sống rất lâu và thậm chí khi máu đã khô, chúng vẫn có thể còn hoạt động. Viêm gan B có thể lây lan thông qua:
- Quan hệ Tình dục với người bị nhiễm bệnh
- Tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm bệnh
- Dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, ống tiêm
- Tiếp xúc trực tiếp với Vết thương hở của người bị nhiễm bệnh
- Mẹ bị nhiễm bệnh rồi truyền sang cho bé khi sinh
- Dùng chung dụng cụ chích ma túy hoặc các dụng cụ khác được dùng để chích ma túy
- Các dụng cụ xăm mình, xỏ khuyên
Viêm gan B không lây lan qua hắt hơi, ho, ôm hoặc cho con bú. Mặc dù virus có thể được tìm thấy trong nước bọt, nhưng nó không phải là con đường lây truyền của bệnh
5. Phòng ngừa viêm gan B
Các tổ chức Y tế khuyến cáo nên chích ngừa vắc - xin ngừa bệnh viêm gan B cho trẻ sơ sinh khi ra đời, tất cả trẻ em đều nên đi tiêm chủng ngừa. Những người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B do công việc hoặc do bạn tình, người thân đều nên tiêm chủng ngừa.
- Để phòng ngừa bệnh viêm gan B, bạn nên sinh hoạt Tình dục một cách an toàn, dùng bao cao su khi quan hệ.
- Tiêm chủng ngừa viêm gan B cho bản thân và gia đình.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải, dao cạo râu...với người khác.
- Băng các vết thương hở, vết cắt hoặc vết bầm tím, tránh máu của người bị thương tiếp xúc với người khác.
- Không chạm vào máu hoặc dịch tiết của bất cứ ai nếu không sử dụng dụng cụ bảo vệ
- Nếu mẹ bị viêm gan B, cần tiêm chủng ngừa ngày cho trẻ khi mới sinh ra và điều trị bằng Globulin miễn dịch viêm gan B. Đây là chất có các kháng thể của viêm gan B giúp ngừa bệnh.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan. Vì thế, tiêm chủng ngừa viêm gan B là biện pháp phòng ngừa bệnh hết sức quan trọng.
Bài viết tham khảo nguồn: CDC