Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Thoái hóa khớp gối

01/06/2021
Thoái hóa khớp gối

Thoái hoá khớp gối là bệnh lý tổn thương toàn bộ khớp bao gồm: sụn, xương dưới sụn, dây chằng, màng hoạt dịch, gân cơ cạnh khớp, trong đó tổn thương sụn là chủ yếu.

1. Thoái hóa khớp gối

  • Tỷ lệ bệnh ngày càng tăng vì tuổi thọ ngày càng cao, cùng với gia tăng các bệnh rối loạn chuyển hóa, béo phì.Các yếu tố gây bệnh thoái hóa khớp gối: Tuổi cao, cân nặng, chấn thương, vận động quá mức.
  • Ngoài ra còn ra các yếu tố gây ra biến dạng trục khớp (vẹo vào trong hoặc ra ngoài), hoặc thứ phát sau các bệnh Viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, gút, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ khớp...).

2. Triệu chứng lâm sàng của thoái hóa khớp gối

  • Tuổi: trên 38.
  • Đau khớp có tính chất cơ học: Đau khi đi bộ nhiều, khi leo cầu thang, có tiếng kêu lục khục khi cử động khớp.
  • Khớp ít khi có dấu hiệu sưng nóng đỏ, trừ khi Thoái hóa khớp gối có phản ứng viêm thì có thể có sưng, nóng, tràn dịch khớp.

3. Các dấu hiệu cận lâm sàng của thoái hóa khớp gối

  • X-Quang khớp: Có gai xương, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn (tùy thuộc vào các giai đoạn của thoái hóa), dựa vào X-Quang theo Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hoá khớp của Kellgren và Lawrence chia làm 4 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Gai xương nhỏ hoặc nghi ngờ có gai xương.

+ Giai đoạn 2: Mọc gai xương rõ.

+ Giai đoạn 3: Hẹp khe khớp vừa.

+ Giai đoạn 4: Hẹp khe khớp nhiều kèm đặc xương dưới sụn.

  • Siêu âm khớp: Đánh giá tình trạng tràn dịch khớp, bao hoạt dịch, độ dày sụn khớp, tình trạng hẹp khe khớp
Thoái hóa khớp gối - ảnh 1
Siêu âm khớp cho phép chẩn đoán tình trạng thoái hóa khớp gối
  • Cộng hưởng từ khớp: phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.
  • Nội soi khớp: phương pháp nội soi khớp quan sát trực tiếp được các tổn thương thoái hoá của sụn khớp ở các mức độ khác nhau (theo Outbright chia bốn độ), qua Nội soi khớp kết hợp sinh thiết màng hoạt dịch để làm Xét nghiệm tế bào chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khớp khác
  • Các xét nghiệm máu: CRP, máu lắng bình thường; RF(-), acid uric bình thường
  • Ngoài ra còn xét nghiệm dịch khớp để loại trừ các bệnh Viêm khớp khác

4. Điều trị thoái hóa khớp là điều trị tổng thể

  • Chế độ vận động hợp lý rất quan trọng: Hạn chế các vận động dồn trọng lực cơ thể lên khớp như: đi bộ, chạy nhảy, cần giảm cân nặng, chống béo phì, tránh động tác gập gối trong thời gian dài như ngồi thiền.
  • Phát hiện và chỉnh hình sớm các dị tật: Lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài.
  • Điều trị vật lý trị liệu.
  • Điều trị bằng thuốc

+ Các thuốc giảm đau (Paracetamol), NSAID (giảm đau chống viêm không steroid) trong giai đoạn đau nhiều

+ Các thuốc chống Thấp khớp tác dụng chậm: Glucosamin sulfat tinh thể, Chondroitine Sulfat; thành phần không xà phòng hóa của quả bơ và đậu nành (Piascledin); Hyaluronic. Thuốc ức chế Interleukin 1(Diarcerein): Artrodar. Các thuốc này phải dùng duy trì kéo dài

Thoái hóa khớp gối - ảnh 2
Thuốc Paracetamol có sông dụng giảm đau khi tình trạng Thoái hóa khớp gối nặng hơn

+ Tiêm tại khớp:

Acid Hyaluronic

Corticosteroid

PRP: liệu pháp tiêm huyết tương tươi giàu tiểu cầu tự thân: Tiêm 3 lần, cách nhau 3 tuần 1 lần tiêm

+ Liệu pháp Tế bào gốc mô mỡ tự thân

+ Liệu pháp tế bào gốc tủy xương

+ Liệu pháp tế bào máu cuống rốn (đang nghiên cứu)