Mục lục:

Tổng hợp 25 hình ảnh trực quan về ung thư vú

Các tế bào tuyến vú tăng sinh quá nhanh làm mất đi sự kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho ung thư vú hình thành. Việc điều trị ung thư vú và kiểm soát bệnh là vô cùng cần thiết để bảo vệ tính mạng cho người bệnh.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Triển vọng của ung thư vú

Bệnh ung thư vú ngày nay không còn giống 20 năm trước. Tỷ lệ sống sót của bệnh đang tăng lên nhờ vào sự cải thiện trong ý thức của người dân, sự phát hiện sớm bệnh và những bước tiến mới trong việc điều trị. Những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú hiện nay có nhiều lý do để hy vọng.

2. Hình ảnh ung thư vú trên lâm sàng

Thông thường, ung thư vú không có biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng. Một số dấu hiệu bất thường thoáng qua có khả năng cảnh báo bệnh mà người bệnh dễ bỏ sót như:

  • Khối nhỏ ở vú
  • Thay đổi kích thước và hình dạng tuyến vú
  • Sưng hạch nách
  • Bất thường tại núm vú hoặc tiết dịch núm vú

3. Ung thư vú dạng viêm 

Ung thư vú dạng viêm là loại ung thư vú hiếm gặp trên lâm sàng nhưng diễn tiến nhanh. Bệnh hiếm khi gây nên các khối u rõ rệt trong mô vú. Thay vào đó, hình ảnh ung thư vú dạng viêm thường thấy là sự thay đổi của da vú theo hướng dày, đỏ, thường được gọi là vú da cam. Những khu vực da thay đổi có thể đau và sưng nóng. Những đặc điểm này rất dễ nhầm lẫn với các bất thường da đơn thuần.

4. Chụp nhũ ảnh

Bệnh được phát hiện càng sớm càng có nhiều khả năng được điều trị thành công. Nhũ ảnh là phương tiện chẩn đoán hình ảnh, sử dụng tia X để khảo sát hình ảnh của tuyến vú. Chụp nhũ ảnh có thể giúp phát hiện được các khối u nhỏ trước khi được sờ thấy trên lâm sàng. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) cho rằng phụ nữ từ 45 đến 54 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú trung bình nên được chụp nhũ ảnh hằng năm. Từ 55 tuổi trở lên, chụp nhũ ảnh có thể được giãn cách, tiến hành thường quy mỗi 2 năm.

5. Siêu âm và chụp MRI tuyến vú

Bác sĩ có thể yêu cầu thêm nhiều chỉ định khác để khảo sát cấu trúc bên trong tuyến vú. Siêu âm tuyến vú là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn và được lặp lại nhiều lần. hình ảnh ung thư vú trên siêu âm là những cấu trúc mô đặc, xâm lấn xung quanh và tăng sinh mạch máu. Chụp cộng hưởng từ tuyến vú hay MRI tuyến vú kết hợp với siêu âm để tầm soát thường quy bệnh ung thư vú ở những người có nguy cơ cao.

6. Tự khám vú

Trong vòng nhiều năm qua, bác sĩ vẫn luôn khuyên những người phụ nữ tự khám vú thường xuyên hàng tháng. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc tự khám vú chỉ đóng một vai trò nhỏ trong việc phát hiện ung thư vú so với các phương pháp khác. Điều cần làm là sự quan sát tổng quan tuyến vú và nhận biết được các thay đổi dù nhỏ có liên quan đến hình dạng, kích thước, màu sắc da thay vì tự khám vú như trước đây.

7. Cần làm gì khi phát hiện một khối u vú?

Không Hoảng sợ là điều đầu tiên cần làm khi phát hiện một khối u vú. Hơn 80% các khối u tại vú không phải là biểu hiện của bệnh lý ác tính. Chúng thường là các nang hoặc u lành tính, thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần đến gặp bác sĩ để xác định bản chất mô học bất thường của nó. Nếu không may đó là ung thư thì bệnh cũng đang ở giai đoạn sớm hoặc xác định được bản chất lành tính của khối u vú cũng giúp người bệnh thấy yên tâm.

8. Sinh thiết mô tuyến vú

Đây là phương tiện duy nhất giúp chẩn đoán chắc chắn bản chất mô học của u tuyến vú. Sinh thiết mô tuyến vú được thực hiện bằng cách lấy một mẫu mô của u vú bằng kim và quan sát dưới kính hiển vi. Một số trường hợp người bệnh cần phẫu thuật để lấy bỏ khối toàn bộ khối u để xét nghiệm. Kết quả sinh thiết mô tuyến vú cho biết một khối u có phải là ung thư hay không và phân loại ung thư nếu có. Bệnh ung thư vú được chia thành nhiều nhóm đáp ứng với các phương pháp điều trị riêng biệt.

9. Ung thư vú nhạy cảm hóc môn

Một số loại ung thư vú phát triển phụ thuộc estrogen hoặc progesterone. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của các Receptor của từng hóc môn từ đó quyết định các phương pháp điều trị đặc hiệu trên từng bệnh nhân. Khoảng 2 phần 3 các trường hợp ung thư vú nhạy cảm với hóc môn.

10. Ung thư vú HER2(+)

Khoảng 20% các bệnh nhân ung thư vú chứa nhiều protein HER2/neu trong các tế bào ác tính, được gọi là ung thư vú HER2 (+). Đây là nhóm bệnh ung thư vú diễn tiến nhanh hơn các loại khác. Việc xác định một bệnh nhân ung thư vú có HER2(+) đóng vai trò quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị.

11. Giai đoạn ung thư vú

Sau khi bệnh ung thư vú được chẩn đoán, bước tiếp theo cần thực hiện là xác định giai đoạn bệnh liên quan đến kích thước khối u và sự ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Bác sĩ sẽ phân từ giai đoạn 1 đến 4, mô Tả tình trạng di căn đến các hạch lympho và các cơ quan khác trong cơ thể như phổi. Biết được giai đoạn bệnh và loại ung thư vú giúp ích cho việc lên kế hoạch điều trị.

12. Tỷ lệ sống sót

Khả năng sống sót trong bệnh ung thư vú phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khẳng định rằng 99% trường hợp ung thư vú ở phụ nữ giai đoạn 1 có thể sống tiếp trong ít nhất 5 năm, và nhiều bệnh nhân trong nhóm này có khả năng phục hồi hoàn toàn. Ở giai đoạn 4, tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm giảm mạnh xuống 27% nhưng tỷ lệ này sẽ được cải thiện nếu được điều trị hiệu quả.

13. Phẫu thuật điều trị ung thư vú

Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau trong điều trị ung thư vú như phẫu thuật cắt trọn tuyến vú (mastectomy) hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u (lumpectomy). Bệnh nhân cần được tư vấn và thảo luận cùng với bác sĩ về các nguy cơ và lợi ích của từng phương pháp để được lựa chọn.

14. Xạ trị trong ung thư vú

Phương pháp điều trị này có mục đích tiêu diệt các tế bào ác tính dựa vào tia X năng lượng cao. Xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật điều trị ung thư vú để làm diệt những tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp này cũng được phối hợp cùng với hóa trị để điều trị khi bệnh ung thư vú di căn đến các cơ quan khác của cơ thể. Tác dụng phụ của xạ trị trong ung thư vú bao gồm mệt mỏi và Bỏng da tại vị trí được điều trị.

15. Hóa trị liệu

Phương pháp điều trị này sử dụng thuốc để phá hủy các tế bào ác tính ở bên trong cơ thể. Thuốc thường được sử dụng theo đường tĩnh mạch, nhưng một số loại cũng được dùng theo đường uống. Bệnh nhân có thể được hóa trị liệu trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u hoặc sau khi phẫu thuật để làm giảm khả năng tái phát bệnh. Ung thư vú ở phụ nữ giai đoạn muộn được kiểm soát tốt bằng hóa trị. Tác dụng phụ bao gồm rụng tóc, buồn nôn, mệt mỏi và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

16. Liệu pháp hóc môn

Liệu pháp hóc môn là phương pháp điều trị áp dụng cho những trường hợp ung thư vú có Receptor estrogen và progesterone. Những loại ung thư này tiến triển nhanh do đáp ứng với hóc môn estrogen hoặc progesterone. Liệu pháp hóc môn chống lại cơ chế này, được chỉ định sau phẫu thuật nhằm ngăn ngừa ung thư tái phát. Thỉnh thoảng liệu pháp hóc môn được dùng như một biện pháp dự phòng ung thư vú ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

17. Điều trị trúng đích

Đây là phương pháp điều trị mới, giải quyết những bất thường đặc hiệu bên trong tế bào ác tính. Ở những trường hợp bệnh ung thư vú có HER2 (+), liệu pháp điều trị trúng đích được áp dụng để ngăn chặn protein này hoạt động và hạn chế được sự tăng trưởng của các tế bào ung thư. Những thuốc điều trị trúng đích thường được áp dụng cùng với hóa trị liệu .

18. Liệu pháp miễn dịch 

Liệu pháp miễn dịch hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh ung thư vú, thỉnh thoảng được chỉ định ở các giai đoạn muộn. Những thuốc thuộc nhóm ức chế miễn dịch đánh dấu nhắm vào các loại protein cụ thể trong hệ miễn dịch. Điều này khiến các tế bào ung thư khó tránh khỏi sự tấn công của các phương pháp điều trị khác.

19. Cuộc sống của người bệnh sau khi chẩn đoán

Mắc bệnh ung thư là một trải nghiệm không mấy dễ dàng trong cuộc đời của mỗi người bệnh. Quá trình điều trị ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác ngoài sức khỏe như công việc và các mối quan hệ xã hội. Người bệnh rất dễ cảm thấy cô đơn. Nhiều bệnh nhân đã lựa chọn tham gia vào các hội hoặc các tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư để khiến tinh thần lạc quan hơn và biết rằng bản thân không đơn độc.

20. Tạo hình tuyến vú

Nhiều bệnh nhân nữ sau khi cắt bỏ tuyến vú vì bệnh ung thư lựa chọn phẫu thuật tái tạo tuyến vú. Da, núm vú và mô vú đều được tạo hình trở lại như một tuyến vú bình thường bằng cách sử dụng các mô từ các thành phần khác của cơ thể hoặc vật liệu nhân tạo. Một vài người phụ nữ bắt đầu phương pháp này ngay sau khi cắt bỏ tuyến vú nhưng nên chờ đợi trong một vài tháng hoặc nhiều năm.

21. Vú giả

Thay vì phẫu thuật tạo hình tuyến vú, người bệnh có thể lựa chọn sử dụng vú giả được đặt bên trong áo ngực. Mang vú giả giúp cho người bệnh có bề ngoài cân đối và Thẩm mỹ hơn.

22. Tại sao lại mắc ung thư vú?

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vú rõ ràng nhất là giới tính nữ. Ung thư vú vẫn có thể xảy ra ở đàn ông nhưng hiếm hơn. Ung thư vú ở phụ nữ phổ biến hơn ung thư vú ở nam khoảng 100 lần. Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm tuổi trên 55 và có người thân mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, có khoảng hơn 80% các bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú không có tiền sử gia đình có liên quan.

23. Gen liên quan đến ung thư vú 

Một số phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú do sở hữu các đột biến gen đặc hiệu, phổ biến nhất là BRCA1 và BRCA2. Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở những người này tăng cao trong suốt các giai đoạn cuộc đời của họ.

24. Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

Phụ nữ cho con bú trong ít nhất 6 tháng đến 2 năm có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư vú khoảng 25%. Duy trì cân nặng với BMI thấp và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao là những biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Hạn chế lượng thức uống chứa cồn cũng là một biện pháp có lợi. Thuốc ngừa thai và một số phương pháp điều trị hóc môn thay thế sau mãn kinh có thể thúc đẩy làm giảm nguy cơ, nhưng khả năng mắc bệnh sẽ tăng cao trở lại khi bạn ngừng dùng thuốc.

25. Các nghiên cứu về ung thư vú

Nhiều bác sĩ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp điều trị dễ áp dụng và có hiệu quả cao hơn. Nguồn hỗ trợ cho các nghiên cứu này đến từ nhiều nguồn khác nhau từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn 3,1 triệu người sống sót sau ung thư vú và gia đình của họ quyết định tham gia vào các sự kiện gây quỹ như chạy marathon. Điều này giúp kết nối từng cá thể với nhau trong công cuộc chiến đấu chống lại bệnh ung thư.

 

26. Cách phòng ngừa ung thư vú

 

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, chị em cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh. 

 

  • Ăn nhiều rau củ quả: Những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn… có khả năng giảm 20 - 40% tỷ lệ mắc ung thư vú vì trong các loại rau họ cải rất giàu glucosinolate. Hoạt chất này có khả năng ức chế sự gia tăng tế bào và ngăn ngừa sự hình thành khối u ở vú.
  • Giảm một số chất béo: Những thực phẩm chứa nhiều chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… chứa nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì tế để phòng ngừa bệnh này, chị em cần tránh các thực phẩm giàu chất béo.
  • Hạn chế đồ uống có cồn
  • Bỏ thuốc lá
  • Thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: hãy luôn thực hiện theo chế độ Dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thường xuyên. Bạn nên bỏ hút thuốc và hạn chế dùng thức uống có cồn. 
  • Tập thể dục là một cách giúp bảo vệ và phòng ngừa ung thư vú rất hiệu quả vì nó làm giảm nguy cơ Béo phì của cơ thể.
  • Khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung