1. Nôn trớ lành tính / sinh lý
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị trớ một chút sữa trong và sau khi bú. Trớ là hiện tượng sữa trào ra miệng một cách dễ dàng, đôi khi kèm theo tiếng ợ hơi. Nôn mạnh hơn so với trớ, lượng sữa trào ra cũng nhiều hơn.
Trẻ hay bị nôn trớ ở tháng tuổi mới sinh được xem là bình thường, hay còn gọi là nôn trớ sinh lý hoặc lành tính. Nguyên nhân là vì dạ dày của bé còn nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu khiến trẻ hay nôn sau ăn. Nôn trớ ở trẻ nhỏ sẽ giảm khi bé lớn lên và mất hoàn toàn khi trẻ được 1 tuổi.
Để khắc phục tình trạng nôn và giảm bớt lượng sữa trớ ra, mẹ có thể bế bé đứng thẳng sau mỗi lần bú để bé ợ hơi, không cho bé bú quá nhiều mỗi lần, đồng thời cũng không để bé quá đói mới được bú. Sau đó nên yên tâm đặt bé nằm ngửa khi ngủ, bởi tư thế này không hề làm tăng tỷ lệ ngạt ở trẻ hay bị nôn trớ, mà còn giúp giảm nguy cơ đột tử sơ sinh.
2. Nôn ói liên quan đến chế độ ăn uống
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay nôn sau ăn, trong đó thường gặp nhất là do cách mẹ cho bé ăn. Cụ thể:
- Ép trẻ ăn quá nhiều hoặc bú quá no;
- Bú chai, ngậm vú giả;
- Pha sữa không đúng cách;
- Nằm ngay sau khi ăn / bú;
- Không dung nạp thức ăn / sữa bò;
- Bắt đầu ăn bổ sung thức ăn mới lạ;
- Ăn nhiều quá một loại thức ăn nào đó.
Tình trạng trẻ hay bị nôn trớ do chế độ ăn uống thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Bé vẫn chơi bình thường và không bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vì thế mẹ chỉ cần điều chỉnh việc cho ăn, cách cho bú hợp lý hơn là có thể giúp bé giảm bớt đáng kể hiện tượng nôn ói này. Lời khuyên là nên chia nhỏ nhiều bữa ăn / cữ bú trong ngày, chỉ nên cho bé uống nhiều nước và tuyệt đối đừng ép ăn.
3. Nôn trớ do nguyên nhân bệnh lý
3.1. Trào ngược dạ dày - thực quản
Nôn trớ ở trẻ nhỏ và sơ sinh do nguyên nhân bệnh lý thường gặp nhất là hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản. Hiện tượng này xuất hiện khi cơ vòng thực quản đóng không kín. Vòng van giữa thực quản và dạ dày của các bé không đủ mạnh để cản thức ăn từ dạ dày trào lên thực quản, đôi khi trào ra miệng.
Vì dịch dạ dày là acid, trong khi thực quản lại là kiềm nên tình trạng trào ngược sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, có thể dẫn đến:
- Viêm thực quản;
- Bỏng rát thực quản;
- Khiến trẻ rất sợ khi cho bú hoặc ăn;
- Viêm phổi hít do dịch trào ngược lên miệng nhiều khiến trẻ hít sặc vào phổi;
- Trẻ bị tím tái do ọc sữa;
- Ngưng thở do dịch dạ dày kích thích dây Thần kinh dọc theo thực quản, ức chế hô hấp.
Chính vì vậy, trào ngược dạ dày - thực quản rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, nhất là các bé sơ sinh. Bệnh sẽ khỏi nếu được điều trị tốt, hoặc giảm dần các triệu chứng rồi biến mất khi trẻ được ăn dặm với thức ăn đặc hơn.
Vì sao trẻ sơ sinh hay bị trào ngược dạ dày thực quản?
3.2. Chứng hẹp môn vị
Một nguyên nhân hiếm gặp khiến trẻ hay nôn sau ăn là chứng hẹp môn vị, còn gọi là hẹp phì đại môn vị. Môn vị là một cơ vòng nối liền dạ dày với tá tràng (đoạn đầu của ruột non). Nếu cơ vòng bị dày lên thì lòng môn vị sẽ hẹp lại. Điều này ngăn cản sự di chuyển thức ăn và dịch vị trong dạ dày xuống ruột. Các chất trong bộ máy tiêu hóa như sữa và thực phẩm ăn dặm bị ứ tắc sẽ dội lại phía thực quản và gây ra nôn ói.
Bệnh lý bẩm sinh này thường bắt đầu vài tuần sau khi bé chào đời cho đến 4 tháng tuổi, với các biểu hiện:
- Trẻ hay bị nôn trớ không ngừng trong tháng đầu tiên sau sinh;
- Cứ ăn hoặc bú xong là nôn trớ;
- Nôn vọt, chất nôn trào mạnh ra ngoài miệng trẻ.
Nếu trẻ có dấu hiệu của chứng hẹp môn vị, phụ huynh nên liên hệ sớm với bác sĩ vì tình trạng này cần được xử lý bằng phẫu thuật.
3.3. Các bệnh lý khác
Trong những tháng đầu tiên sau sinh, hiện tượng nôn trớ ở trẻ nhỏ cũng có thể là biểu hiện của:
- Bệnh lý tại đường tiêu hóa: Nhiễm khuẩn đường ruột, nhiễm trùng virus ở dạ dày, Ngộ độc thức ăn, hay các rắc rối khác ở dạ dày - ruột;
- Bệnh lý ngoại khoa: Lồng ruột, tắc ruột, v.v;
- Bệnh lý toàn thân: Viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm màng não, phản ứng với đồ ăn hay không dung nạp thực phẩm...
Nếu trẻ càng lớn mà tình trạng nôn trớ vẫn kéo dài, thì phụ huynh cần đưa con em tới thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp, kịp thời.
Lưu ý, không được tự ý mua bất kỳ loại thuốc chống nôn trớ nào khi chưa cho trẻ đi khám và được bác sĩ kê đơn. Đặc biệt là với các bé dưới 6 tháng tuổi sẽ rất nguy hiểm.
4. Dấu hiệu cảnh báo nôn trớ bệnh lý
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh lý kèm theo nôn trớ ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Sốt, tiêu lỏng, ho, sổ mũi, phát ban...;
- Đau bụng quằn quại, bụng trướng;
- Lơ mơ, bị kích thích, co giật;
- Liên tục nôn trớ trên 24 giờ;
- Xuất hiện máu trong những lần nôn trớ với số lượng tăng dần (nếu có tia đỏ trong dịch nôn thì cũng có thể là do vết thương ở miệng hoặc chảy máu cam);
- Có dịch mật (màu xanh) khi nôn trớ...
Khi gặp những biểu hiện trên kèm nôn trớ kéo dài thì phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện ngay. Có thể giữ lại chút dịch nôn trớ có lẫn máu hay mật xanh để bác sĩ kiểm tra.
Tóm lại, nôn trớ ở trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời là hiện tượng thường gặp và và không ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự phát triển của các bé. Bố mẹ không nên quá căng thẳng khi thấy trẻ hay bị nôn trớ, thay vào đó là cần điều chỉnh thói quen cho ăn và chế độ ăn uống thích hợp hơn. Tuy nhiên khi trẻ lớn nôn đột ngột hoặc kéo dài, kèm theo các triệu chứng bệnh lý thì cần đưa bé đi khám để xử trí kịp thời.