Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Viêm amidan ở người lớn có nguy hiểm không?

28/06/2021
Viêm amidan ở người lớn có nguy hiểm không?

Amidan hoạt động như một “hàng rào” bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của vi sinh vật qua đường hô hấp nên dễ bị sưng, viêm. Viêm amidan thường xảy ra ở đối tượng trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh lý cũng xuất hiện trên người lớn, và biểu hiện với tình trạng tái phát và kéo dài dai dẳng, thậm chí còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm amidan là gì?

Amidan là tên gọi của một hệ thống tổ chức lympho, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn. Khi phát hiện thấy vi khuẩn, cơ quan này lập tức bắt lấy, tạo ra kháng thể hoặc tiến hành thực bào bằng các men sinh hóa để tiêu diệt chúng, không cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào bên trong.

Viêm amidan cấp tính là Tình trạng viêm sung huyết và xuất tiết của amidan khẩu cái. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ em thuộc độ tuổi học đường (5-15 tuổi). Khi vi khuẩn ồ ạt xâm nhập và tấn công vùng mũi họng, amidan phải hoạt động quá mức chống lại, từ đó xuất hiện phản ứng viêm, biểu hiện là tình trạng bị sưng, đỏ, đau.

Viêm amidan ở người lớn có nguy hiểm không? - ảnh 1
Viêm amidan cấp tính là Tình trạng viêm xung huyết và xuất tiết của amidan khẩu cái

2. Viêm amidan vẫn có thể xảy ra ở người lớn

Amidan được hình thành từ lúc mới sinh ra, hoạt động mạnh mẽ nhất trong những năm đầu đời với chức năng miễn dịch tại chỗ vùng họng miệng. Đến sau tuổi dậy thì, hệ thống miễn dịch tại các cơ quan khác đã hoàn chỉnh, các tổ chức amidan sẽ teo dần và thoái hóa. Tuy nhiên, không nên chủ quan, cho rằng viêm amidan sẽ không gặp ở người lớn, bởi nếu cơ thể thường xuyên bị nhiễm trùng tái đi tái lại, do môi trường ô nhiễm hoặc hệ thống miễn dịch kém, amidan bị kích hoạt dẫn đến quá trình viêm mạn tính kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Tuy với tỷ lệ thấp hơn nhưng viêm amidan ở người lớn cũng thường gặp với hình thức các đợt viêm amidan cấp tính trên nền viêm mạn tính thường xuyên, tái đi tái lại nhiều lần. Tùy theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng cơ thể, amidan viêm có thể phát triển to lên (viêm quá phát) hoặc không (viêm xơ teo).

3. Nguyên nhân

Các tác nhân gây viêm amidan có thể là vi khuẩn như liên cầu tan huyết β nhóm A, S.pneu hemophillus, tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, các chủng ái khí và yếm khí; virus như cúm, sởi, Ho gà...

Nếu có cơ địa dị ứng, sức đề kháng kém, nhạy cảm với thời tiết thay đổi đột ngột (nhiệt độ giảm nhanh khi mưa gió, độ ẩm cao...), môi trường ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi gây viêm amidan ở người lớn.

Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh kém, có các ổ viêm nhiễm vùng họng, miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A, viêm xoang... sẽ là nơi ẩn náu và phát triển của vi khuẩn, gây viêm amidan kéo dài.

Viêm amidan ở người lớn có nguy hiểm không? - ảnh 2
Liên cầu là tác nhân gây viêm amidan

4. Triệu chứng

Triệu chứng viêm amidan ở người lớn cũng tương tự như ở trẻ nhỏ nhưng mức độ có thể ít rầm rộ hơn. Tuy nhiên, trong các đợt cấp tính, người bệnh vẫn có thể thấy cảm giác lạnh run sau đó là Sốt cao với thân nhiệt có thể lên đến 39-40 độ C. Đồng thời, bệnh nhân còn thấy lừ đừ, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, nuốt vướng, nuốt đau, chán ăn.

Đi khám soi họng thấy khối amidan sưng to và đỏ hai bên vòm họng, có khi che gần hết đường giữa. Đôi khi còn thấy trên bền mặt hai amidan sưng đỏ là những chấm mủ trắng, dễ bong tróc và rất hôi.

Đối với trường hợp viêm amidan mạn tính, ngoài các đợt tái phát cấp tính như trên, bệnh nhân thường có thể trạng gầy yếu, xanh xao và thường Sốt âm ỉ về chiều. Đôi khi bệnh nhân đến khám vì ho, khàn tiếng, cảm giác nuốt vướng, nuốt đau kéo dài ở họng như có dị vật trong họng, hơi thở thường nặng mùi dù vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Một số ít lại biểu hiện khò khè, ngủ Ngáy to nên dễ lầm tưởng với các bệnh lý khác. Chỉ phát hiện được nguyên nhân là tại amidan nếu soi thấy nhiều khe và hốc, chứa đầy mủ trắng giống chất bã đậu trên bề mặt amidan.

5. Bị viêm amidan ở người lớn có nguy hiểm không?

Không như trẻ em, do hệ thống miễn dịch tại các cơ quan đã hoàn thiện hơn, viêm amidan ở người lớn nhìn chung có tiên lượng nhẹ nhàng hơn và vốn chỉ gây bất tiện, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị đúng và kịp thời, viêm amidan ở người lớn vẫn có thể diễn tiến nặng nề và gây ra nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu quá trình viêm nhiễm chỉ khu trú tại chỗ, viêm amidan sưng phồng to có thể gây loét khe amidan, viêm loét lan ra xung quanh amidan và thành bên họng. Nếu dịch viêm lan rộng hơn, amidan không còn là cơ quan giữ chức năng bảo vệ cho cơ thể nữa mà trở thành ổ viêm nhiễm đáng báo động, gây Viêm hạch cổ, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm thanh - khí - phế quản, viêm phổi.

Không chỉ như vậy, amidan còn là "cửa vào" của một số vi khuẩn hay virus có độc tính rất cao, làm viêm khớp, viêm cầu thận, Viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, viêm não, viêm màng não... Nếu vi khuẩn đi vào máu gây Nhiễm khuẩn huyết và điều trị không đáp ứng với kháng sinh thì người bệnh rất dễ rơi vào sốc nhiễm trùng và tử vong.

Tóm lại, tuy ít gặp nhưng viêm amidan ở người lớn lại gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng nếu tình trạng nhiễm trùng không kiểm soát. Do đó, cần giữ vệ sinh sạch sẽ vùng hầu họng, không được chủ quan mà nên thăm khám sớm khi có các dấu hiệu của bệnh và tuân thủ điều trị là việc cần thiết để chăm sóc sức khỏe toàn diện.