1. Viêm gan E là bệnh gì?
Viêm gan E là bệnh do virus HEV gây ra, virus là một chuỗi đơn ARN,dương, không có vỏ bọc, có sức chịu đựng kém.
Hàng năm, trên thế giới ước chừng có khoảng 20 triệu người mắc bệnh này và khoảng 3,5 triệu lượt người có biểu hiện và triệu chứng rõ ràng. Những vùng được đánh giá là có tỷ lệ nhiễm bệnh cao gồm các nước ở phía đông, nam châu Á trong đó có Việt Nam. Bệnh thường xảy ra và có thể bùng phát thành dịch vào mùa mưa lũ, khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Thời kỳ ủ bệnh sau khi phơi nhiễm với virus viêm gan E là khoảng 3-8 tuần, trung bình là 40 ngày. Các giai đoạn của thời gian lây nhiễm là không rõ ràng. Bệnh có biểu hiện triệu chứng thường gặp nhất ở người trẻ tuổi từ 15-40, ở trẻ em thường không có triệu chứng hoặc bệnh chỉ rất nhẹ, không có Vàng da nên rất khó chẩn đoán.
Trong các trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể lây qua máu, từ mẹ sang con; bệnh cũng có thể dẫn đến viêm gan tối cấp gây tử vong, thường gặp với phụ nữ mang thai.
Bệnh thường tự khỏi không để lại biến chứng. Bệnh nhân thường được khuyên nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ các chất Dinh dưỡng và chất lỏng, tránh uống rượu và cần xin tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc có thể gây tổn thương gan, đặc biệt là acetaminophen. Trong trường hợp bệnh diễn biến mạn tính, các loại thuốc được chỉ định là ribavirin, peginterferon hoặc kết hợp giữa peginterferon và ribavirin. Loại thuốc, liều dùng và thời gian sử dụng tùy thuộc và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.
2. Viêm gan E khác gì Viêm gan B?
Đường lây truyền: Viêm gan E là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, virus viêm gan E sống trong phân, rác, nước thải bẩn thông qua thức ăn ( rau quả không đảm bảo vệ sinh) vào cơ thể người. Khác với viêm gan E bệnh Viêm gan B lây truyền qua đường máu (quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, tiếp xúc dịch tiết của người bệnh).
Diễn biến bệnh: Viêm gan E: Bệnh diễn biến cấp tính gây vàng da, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy,... Sau 7-10 ngày bệnh thường tự khỏi, không trở thành bệnh mạn tính nên không gây ra nguy cơ mắc các bệnh xơ gan, ung thư gan,... Ngược lại, viêm gan B là bệnh mạn tính, có thể gây ra các biến chứng như xơ gan, ung thư gan, chỉ có thể dùng thuốc để giảm độc tố của virus, không thể chữa khỏi bệnh. Bệnh thường không có biểu hiện khi người bệnh khỏe mạnh, khi có các yếu tố thuận lợi sẽ có những biểu hiện đặc trưng của bệnh gan như ở bệnh viêm gan E.
Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ nhiễm viên gan E cao do vệ sinh ăn uống cũng như đảm bảo vệ sinh nguồn nước vẫn chưa được tốt. Để phòng tránh bệnh này, cần đảm bảo tốt việc vệ sinh ăn uống và vệ sinh nguồn nước, thực hiện việc ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, quản lý tốt phân, không để ô nhiễm ra nguồn nước; kiểm soát những sinh vật trung gian gây vấy bẩn như gián, chuột, ruồi...
Hiện nay, bệnh viêm gan E vẫn chưa có vacxin phòng ngừa. Người mắc bệnh cũng không có miễn dịch lâu dài với bệnh nên vẫn có nguy cơ tái phát nếu lại ăn thức ăn, nước uống bị nhiễm virus viêm gan E.