1. Viêm mũi cấp là một bệnh viêm đường Hô hấp cấp thường gặp ở trẻ sơ sinh
Viêm mũi cấp là một bệnh viêm đường hô hấp cấp rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân thường do trẻ nhiễm các virus đường hô hấp như Rhinovirus, Coronavirus, Respiratory syncytial virus, Adenovirus,... sau đó dưới độc tố của virus, sức đề kháng suy yếu, trẻ có thể bội nhiễm thêm các loại vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu,... Trong đó, liên cầu beta tan huyết nhóm A là nguy hiểm nhất, có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như Viêm cơ tim, viêm cầu thận cấp, Viêm khớp cấp,...
Các yếu tố thuận lợi để khởi phát bệnh viêm mũi cấp ở trẻ sơ sinh là:
- Thời tiết thay đổi đột ngột: từ nắng chuyển sang mưa, khí hậu ẩm ướt
- Nhiệt độ thay đổi đột ngột: trẻ tắm ngay sau khi vận động, nhiễm lạnh ngay sau khi trẻ tắm xong hoặc bật máy điều hòa quá lạnh khi trẻ ngủ
- Thay đổi môi trường sống: trẻ thay sữa, đổi chế độ ăn dặm
- Trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn.
2. Phát hiện sớm viêm mũi cấp ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị viêm mũi cấp sẽ có các triệu chứng như:
- Trẻ bị ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng và ho. Lúc đầu Ho khan, sau là Ho có đờm.
- Trẻ Sốt từ 38-39 độ, nước mũi ban đầu trong sau chuyển sang đục do nhiễm trùng thứ phát.
- Trẻ biếng ăn, bú kém, quấy khóc, khó ngủ, thường thở há miệng do tắc đường thở chính ở mũi,. Có thể xuất hiện nôn, đi ngoài phân lỏng.
- Trẻ thở nhanh hơn bình thường, nếu Tình trạng viêm lan xuống đường hô hấp dưới có thể gây co rút lồng ngực.
Khi khám mũi, thấy niêm mạc mũi đỏ, chảy nước mũi trong hay đục, niêm mạc mũi có khi bóng như kiếng chứng tỏ xuất tiết. Do mũi và họng thông thương với nhau qua vòm họng, do đó viêm nơi này có thể ảnh hưởng nơi kia, thường là viêm hai nơi cùng lúc. Niêm mạc họng có thể đỏ, đau rát, trẻ ho nhiều.
Viêm mũi cấp ở trẻ sơ sinh tuy là bệnh nhẹ, dễ khỏi nhưng nếu không được điều trị, chăm sóc thích hợp, bệnh có thể gây các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, sưng họng tới mức nghẹt thở, viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi),... Nếu viêm mũi, họng cấp do tác nhân liên cầu tan huyết nhóm A có thể gây viêm khớp, Viêm cơ tim, viêm cầu thận cấp,...
3. Chăm sóc viêm mũi cấp ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng, cha mẹ dùng khăn giấy mềm thường xuyên lau mũi cho trẻ, sau đó vứt bỏ sau khi dùng xong (không nên dùng khăn vải vì nếu không thay khăn mới sau mỗi lần sử dụng, virus, vi khuẩn vẫn lưu trên khăn). Nếu dịch mũi đặc, có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi, chờ cho gỉ mũi mềm ra, sau đó lau mũi nhẹ nhàng. Có thể dùng dụng cụ hút mũi nếu dịch mũi nhiều và đặc nhưng không nên lạm dụng vì dùng thường xuyên có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Cha mẹ không được dùng miệng hút mũi cho trẻ vì sẽ vô tình đưa vi khuẩn từ miệng người lớn vào mũi bé.
Tăng cường Dinh dưỡng trong thời gian trẻ bị viêm mũi cấp, cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, nhiều lần hơn trong ngày.
Nếu trẻ Sốt trên 38.5 độ, ho nhiều, thở nhanh, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định:
- Thuốc Paracetamol 10-15mg/kg/lần để hạ sốt, giảm đau
- Giảm ho bằng nước muối ấm, siro ho
- Kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng
Cha mẹ phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng kháng sinh theo kê đơn, không nên tự mua thuốc để điều trị cũng như không sử dụng lại đơn thuốc của lần khám trước. Chú ý các thuốc co mạch (như naphazolin với các hàm lượng 0.025%,0.05%, 0.1%, Phenylephrine với các hàm lượng 0.25%, 0.5% ,0.1%) giúp giảm sung huyết, phù nề, giúp trẻ giảm ngạt mũi, dễ thở hơn. Tuy nhiên các thuốc này thường không dùng cho trẻ sơ sinh.
4. Phòng bệnh viêm mũi cấp ở trẻ sơ sinh
Để phòng bệnh viêm mũi cấp và các bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, các bậc cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là các phần cổ, ngực, gan bàn chân khi thời tiết lạnh. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu vì các lý do khác nhau mẹ không thể cho con bú, lựa chọn cho trẻ loại sữa công thức phù hợp, đảm bảo vệ sinh khi pha chế.
Vệ sinh miệng trẻ sơ sinh hàng ngày bằng cách dùng rơ lưỡi tiệt khuẩn hoặc khăn mềm sạch thấm vào nước sạch hoặc nước muối sinh lý, vệ sinh nhẹ nhàng miệng, lưỡi trẻ, thực hiện 2 lần trong ngày.
Giữ vệ sinh môi trường sống, tránh khói thuốc lá, ẩm mốc, khói bụi. Không cho trẻ tiếp xúc với người lớn, trẻ em đang bị bệnh. Tiêm phòng vắc-xin cho trẻ đầy đủ theo lịch.