1. Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi Dị ứng là một chứng Dị ứng toàn thân có những biểu hiện tại chỗ như: Nhức đầu, chảy nước mắt, mũi, hắt hơi, sổ mũi và tắc mũi.
Nguyên nhân gây Viêm mũi dị ứng có rất nhiều: Do dị nguyên gây bệnh (phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, vải sợi, lông gia súc, gia cầm), do thực phẩm (dứa, hải sản...), do thuốc, do vi khuẩn..
Tình trạng dị ứng phấn hoa thường xuất hiện vào khi thời tiết khô và lộng gió, khi trong không khí có nhiều phấn hoa. Có những người bị dị ứng phấn hoa quanh năm trong khi người khác chỉ bị trong những khoảng thời gian nhất định. Dị ứng phấn hoa có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến cả người lớn và trẻ em.
2. Các loại dị ứng phấn hoa phổ biến
Có hàng trăm nghìn loại thực vật có thể phát tán phấn hoa vào không khí và gây ra phản ứng dị ứng phấn hoa ở con người. Trong đó có một số loại Viêm mũi dị ứng do phấn hoa phổ biến như:
2.1 Dị ứng phấn hoa từ hoa bạch dương
Phấn hoa bạch dương là một trong những chất gây dị ứng phổ biến nhất vào mùa xuân bởi khi hoa bạch dương nở, chúng sẽ phát tán các hạt phấn nhỏ xíu vào không khí nhờ làn gió. Một cây bạch dương có thể phát tán đến 5 triệu hạt phấn hoa trong bán kính hơn 90m gây tình trạng dị ứng cho nhiều người.
2.2 Dị ứng phấn hoa từ phấn cây sồi
Tương tự như bạch dương, cây sồi cũng phát tán phấn hoa vào không khí và tồn tại trong không khí lâu hơn các loại phấn hoa của cây khác.
2.3 Dị ứng phấn hoa cỏ
Cỏ là nguyên nhân chính gây dị ứng phấn hoa trong những ngày hè. Phấn hoa cỏ thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng nhất trong các loại phấn hoa và rất khó điều trị.
3. Triệu chứng của dị ứng phấn hoa
Các triệu chứng điển hình của dị ứng phấn hoa thường bao gồm:
- Nghẹt mũi, sổ mũi
- Áp lực xoang, tăng phản ứng hen
- Ngứa mắt, chảy nước mắt, Mắt đỏ, nước Mắt ràn rụa
- Ngứa cổ họng, dễ Ho khan
- Cảm giác Bỏng rát ở kết mạc, vòm họng
- Khó thở
- Da sưng lên, có thể gây đau mặt
- Giảm cảm giác vị giác hoặc mùi
Nghẹt mũi là triệu chứng điển hình gây khó chịu cho người dị ứng nhất. Ở trường hợp nặng có thể dẫn tới viêm xoang mũi, viêm tai trong, nhức đầu, mệt mỏi toàn thân... và mỗi cơn dị ứng kéo dài tới nửa giờ, xảy ra nhiều lần trong ngày ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của người bệnh.
Các triệu chứng sẽ nặng thêm khi bệnh nhân đi ra ngoài, dạo phố hoặc tiếp xúc với thiên nhiên. Thường người bệnh thấy dễ chịu khi đóng cửa, ở trong nhà hoặc khi trời mưa.
4. Phòng tránh viêm mũi dị ứng do phấn hoa
Viêm mũi dị ứng do phấn hoa xuất phát do tác nhân từ thiên nhiên, môi trường gây ra nên có thể phòng tránh bằng cách hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
Thường phấn hoa trong không khí đạt mật độ cao nhất từ nửa đêm tới 8 giờ sáng, nhất là vào những ngày nắng ấm, khô, lộng gió... nên người bị dị ứng phấn hoa cần hạn chế tối đa việc đi ra ngoài trời thời gian này. Nếu cần đi ra ngoài thì nên đeo khẩu trang để tránh hít phải phấn hoa trong không khí.
Ngoài dùng thuốc chống dị ứng, người bệnh nên sống ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, không khí trong lành. Ngoài ra, người bị dị ứng phấn hoa cũng không nên phơi quần áo ngoài sân vườn để tránh vướng phải phấn hoa, khi mặc vào sẽ bị dị ứng. Sau khi làm việc ngoài vườn, làm đồng xong cần tắm gội kĩ, thay quần áo sạch mới đi ngủ để tránh hít phải phấn hoa vô tình vương trên tóc và quần áo.
5. Các biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng do phấn hoa
Nếu tình trạng dị ứng phấn hoa không thuyên giảm dù đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bạn có thể cân nhắc một số loại thuốc không kê đơn như:
- Thuốc kháng histamin như Loratadine (Zyrtec®) hoặc Diphenhydramine (Benadryl®) giúp kìm hãm lại các triệu chứng của dị ứng.
- Thuốc làm thông mũi như pseudoephedrine (Sudafed®) hoặc oxymetazoline (thuốc xịt mũi Afrin®) giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng như chảy nước mắt, sổ mũi/nghẹt mũi, Ngứa mắt/mũi
- Thuốc kết hợp giữa thuốc kháng histamin và thuốc giảm đau như Actifed và Claritin-D.
- Các mũi tiêm dị ứng.
Một số biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng từ dị ứng phấn hoa như:
- Sử dụng các loại thảo mộc giảm thiểu nhanh tình trạng dị ứng như Butterbur hoặc spirulina
- Dọn nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng
- Giặt quần áo thật kỹ, tránh phơi quần áo ngoài trời (dùng máy sấy thay thế)
- Sử dụng điều hòa không khí trong xe ô tô và trong nhà.
- Mua bộ lọc không khí hiệu quả năng suất cao (HEPA) hoặc máy hút ẩm
- Dùng máy hút bụi có bộ lọc HEPA và hút bụi nhà cửa thường xuyên.
Bạn nên đi khám nếu bệnh tình không tiến triển, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc thuốc bạn dùng gây ra các phản ứng phụ không mong muốn.