10 điều bạn cần biết khi trẻ mắc hen phế quản

Bạn có thể thấy các đợt cơn hen đến khiến con bạn khò khè, khó thở hoặc có những con ho, tức nặng ngực nhưng khi triệu chứng đi, con bạn hoàn toàn trở về bình thường. Tuy nhiên nếu không được điều trị thời gian “bình thường” này có thể ngắn lại trong khi các cơn khó thở xuất hiện thường xuyên hơn.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Hen phế quản có nặng không?

Câu trả lời là có, tỷ lệ mắc hen trên thế giới khoảng 11-13% trẻ em, cơn hen kịch phát nặng có thể gây đe dọa đến tính mạng trẻ nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời. Không chỉ vậy, hen nếu không được kiểm soát khiến trẻ phải nghỉ học thường xuyên, hạn chế hoạt động thể lực của trẻ, khiến trẻ Mất ngủ và thường khó chịu bởi các triệu chứng như ho, khò khè, các cơn khó thở, cảm giác nặng ngực và các triệu chứng Dị ứng đi kèm.

2. Hen phế quản có khỏi hoàn toàn được không?

May mắn là hiện nay hen có thể kiểm soát được nhưng không điều trị khỏi hoàn toàn được. Tùy từng trẻ, khi đạt được kiểm soát bệnh, bạn có thể thấy thời gian dài trẻ không còn triệu chứng của hen nữa. Nhưng bạn tuyệt đối không nên chủ quan hoặc để con bạn tự ý dùng thuốc bởi các cơn hen có thể xuất hiện lại khi con bạn bị nhiễm khuẩn Hô hấp hoặc khi con bạn đã trưởng thành.

Mục tiêu kiểm soát cuối cùng là không để hen cản trở các hoạt động sinh hoạt và học tập của con, gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho bé về cả thể chất và tâm lý. Vì vậy bạn nên chủ động nắm bắt thông tin và hành động cùng nhân viên y tế xây dựng tương lai khỏe mạnh cho bé.

3. Con bạn có cần làm test Dị ứng không?

70-80% trẻ mắc hen có liên quan đến dị ứng. Điều này có nghĩa là có những yếu tố từ môi trường xung quanh (trong thức ăn, không khí, thuốc, đồ chơi) có thể gây nên tình trạng dị ứng và khởi phát cơn hen ở trẻ. Trong những trường hợp này con bạn cần được làm test dị ứng để xác định các dị nguyên đặc hiệu giúp bạn và trẻ chủ động kiểm soát chế độ ăn và môi trường xung quanh.

Trong trường hợp hen phế quản ở trẻ em do các yếu tố môi trường không tránh được như phấn hoa, bụi nhà,... trẻ có thể được chỉ định liệu pháp miễn dịch đặc hiệu để xây dựng dung nạp miễn dịch với các dị nguyên đó.

4. Bạn có thể thay đổi gì ở môi trường sống xung quanh giúp kiểm soát hen ở con bạn?

Có nhiều yếu tố có thể khởi phát và làm nặng triệu chứng hen ở con bạn, vì vậy bạn nên loại bỏ tối đa các yếu tố đó trong môi trường sống của con, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ các phương pháp tiếp xúc các tác nhân này. Một số yếu tố hay gặp như: Khói thuốc lá, khói bụi, dị nguyên như đã trình bày ở trên, nhiễm trùng đường hô hấp, một số thuốc, stress hoặc xúc động mạnh, tình trạng béo phì.

Vậy con có thể nuôi thú cưng không? Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước. Việc nuôi các các con vật giúp xây dựng tình thương yêu động vật, tính trách nhiệm và giúp trẻ giải tỏa tâm lý. Vì vậy, nếu trẻ không bị dị ứng với lông hoặc chất tiết của chúng con vẫn có thể chơi cùng thú cưng. Nếu ngược lại, con có tình trạng dị ứng, bạn có thể hỏi lại bác sĩ để cùng con nuôi các con vật khác như: Rùa, cá...

10 điều bạn cần biết khi trẻ mắc hen phế quản - ảnh 1
(Ảnh minh họa)

5. Bạn nên giải thích như thế nào về tình trạng bệnh cho con bạn?

Việc giải thích cho con bạn hiểu tình trạng bệnh gặp rất nhiều khó khăn bởi trẻ thường bị bối rối và lo sợ, các thông tin có thể khó nắm bắt với trẻ. Tuy nhiên, bạn không thể ở bên con liên tục cả ngày để trông chừng con bạn. Vì vậy nếu con bạn có thể nhận thức được tình trạng bệnh, bạn nên cởi mở chia sẻ về bệnh tình của trẻ. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ không nắm được thông tin về bệnh và cách xử trí cũng như phòng tránh.

Bạn có thể giải thích nhẹ nhàng và chia nhỏ nhiều lần cho con hiểu tầm quan trọng của việc sàng lọc hen phế quản, trang bị cho con kiến thức vững vàng về những vấn đề liên quan và cùng thực hành các bước diễn tập xử trí nếu xuất hiện cơn hen cấp tại nhà. Bạn cũng nên động viên con để tránh các áp lực Tâm lý ảnh hưởng đến tình trạng bệnh và sự phát triển của trẻ. Đảm bảo con bạn không quá lo lắng nhưng cũng không lơ là về bệnh.

Nên nhớ kiểm soát hen phụ thuộc rất lớn vào con bạn, nếu trẻ dùng thuốc (hít, xịt, khí dung) không đúng cách hoặc dùng không đều đặn thậm chí tự ý bỏ thuốc, mọi công sức nhằm kiểm soát hen sẽ trở nên vô ích

10 điều bạn cần biết khi trẻ mắc hen phế quản - ảnh 2
(Ảnh minh họa)

6. Con bạn sẽ cần những thuốc gì để điều trị hen phế quản?

Loại thuốc và liều từng thuốc không cố định ở tất cả trẻ hay tất cả giai đoạn phát triển của trẻ. Nhiều bà mẹ lo ngại liệu các thuốc điều trị có an toàn cho con không?

Bạn cũng không cần lo lắng bởi các thuốc điều trị hen đặc biệt là thuốc dùng tại chỗ (hít, xịt) là an toàn cho trẻ nếu được dùng đúng cách. Tuy nhiên không có thuốc nào là an toàn tuyệt đối, vì vậy con bạn nên được thăm khám định kỳ để điều chỉnh liều thuốc kiểm soát về nhỏ nhất.

Về cơ bản, các thuốc điều trị được chia theo hai mục tiêu: cắt cơn và ngừa cơn. Trẻ sẽ được cung cấp thuốc dạng xịt/hít và hướng dẫn cách dùng ở nhà để cắt cơn hen kịch phát, tùy từng mức độ bệnh mà trẻ chỉ cần thuốc xịt/hít để ngừa cơn hoặc cần kết hợp thuốc uống.

7. Liệu có an toàn khi cho con đi học và tham gia các hoạt động thể thao?

Nếu hen phế quản được kiểm soát tốt, con bạn hoàn toàn có thể đi học và tham gia các hoạt động thể thao, hơn nữa tập luyện thể thao giúp hệ Tim mạch và hô hấp của trẻ khỏe mạnh hơn, vì vậy hiện nay hoạt động thể thao được khuyến cáo ở trẻ hen phế quản có kiểm soát. Đôi khi việc sử dụng thuốc Giãn phế quản tác dụng ngắn trước 20-30 phút trẻ tham gia hoạt động thể lực cũng giúp giảm thiểu tác động của gắng sức đến hen, nhưng bạn nên trao đổi về các hoạt động thể lực của con trước với bác sĩ điều trị.

Nếu con bạn thường xuất hiện các cơn khó thở trong và sau khi hoạt động thể lực, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để loại trừ con bạn mắc hen phế quản do gắng sức.

8. Những dấu hiệu nào báo hiệu cơn hen kịch phát và tôi cần làm gì?

Bạn nên chắc chắn mình nắm được các dấu hiệu của cơn hen kịch phát khi trẻ không viện. Hãy tham khảo bác sĩ cùng xây dựng kế hoạch hành động hen cụ thể. Kế hoạch hành động này sẽ giúp bạn từng bước đánh giá mức độ nặng của tình huống cũng như các bước xử trí tiếp theo như khi nào thì tiếp tục theo dõi, khi nào thì phải nhập viện.

9. Ổn định tâm lý trẻ rất quan trọng để trẻ phát triển toàn diện như những trẻ khác.

Chúng ta cần phải nhớ sự phát triển toàn diện của trẻ là mục tiêu cuối cùng. Bên cạnh kiểm soát cơn hen, cuộc sống thoải mái tâm lý tại nhà cũng như ở trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều trẻ bị shock tâm lý, trầm cảm hoặc tự ti do không được chuẩn bị tâm lý tốt. Ngoài giải thích và động viên tinh thần của con, bạn cũng nên trao đổi cởi mở tình trạng bệnh của trẻ với các giáo viên và bạn bè của trẻ, giúp trẻ có được sự hỗ trợ vững vàng từ người thân và bạn bè, thầy cô.

10. Khi cần hỗ trợ, bạn sẽ cần hỏi ai?

Con bạn cần được khám, chẩn đoán và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa về hen phế quản như bác sĩ Dị ứng hoặc Hô hấp.

Bên cạnh đó bạn có thể tham gia thêm các cộng đồng hen cùng chia sẻ kiến thức, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia như các Câu lạc bộ Hen phế quản của viện hoặc trường học, địa phương.

Khi được chẩn đoán hen phế quản, con bạn sẽ cần tuân thủ chặt chẽ để kiểm soát được căn bệnh này. Phòng khám Hen, Dị ứng và miễn dịch lâm sàng Vinmec đã xây dựng phác đồ điều trị và hướng dẫn chăm sóc giúp người bệnh đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, lâu dài. Khi có bất cứ lo lắng, băn khoăn về bệnh hen phế quản của con, bạn hãy liên hệ để được hỗ trợ.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung