1. Huyết khối được hình thành như thế nào?
Thông thường, động mạch sẽ mang máu từ tim đến các cơ quan khác trong cơ thể, sau đó tĩnh mạch gửi máu trở lại tim. Đôi khi, dòng máu chảy qua các mạch này bị chậm lại hoặc bị cản trở trong quá trình lưu thông.
Khi các tế bào máu kết dính lại với nhau, chúng sẽ tạo thành các cục máu đông. Tình trạng này được gọi là huyết khối. Mức độ ảnh hưởng của những cục máu đông này sẽ tùy thuộc vào vị trí của chúng trong cơ thể.
2. Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
Một tĩnh mạch sâu thường nằm sâu bên trong cơ thể và cách xa làn da của bạn. Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một tình trạng chủ yếu xảy ra ở chân hoặc xương chậu (huyết khối chi dưới), đôi khi chúng có thể ảnh hưởng đến cánh tay hoặc vai (huyết khối chi trên).
Các cục máu đông nhỏ có thể tự tan ra, tuy nhiên đối với những cục máu đông lớn, chúng thường không thể di chuyển hoặc biến mất, từ đó làm ngăn chặn lưu lượng máu trong tĩnh mạch. Thậm chí, chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu bị vỡ ra và di chuyển đến phổi.
3. Thuyên tắc phổi (PE)
Đây là tình trạng các cục máu đông hình thành ở một nơi khác và đã đi qua dòng máu trong cơ thể để đến phổi. Thông thường, huyết khối sẽ hình thành từ tĩnh mạch ở chân hoặc xương chậu. Khi những cục máu đông này hoạt động bất thường, chúng có thể ngăn chặn dòng máu ở trong phổi.
Ngoài ra, nó cũng có thể gây hại cho những cơ quan khác trong cơ thể vì phổi không thể cung cấp đủ lượng oxy cần thiết. Nếu cục máu đông có kích cỡ rất lớn, hoặc cơ thể có quá nhiều huyết khối, tình trạng thuyên tắc phổi (PE) có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
4. Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Tình trạng này thường xảy ra khi có cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch ở đùi hoặc vùng cẳng chân. Nó thường không gây ra các triệu chứng cụ thể, nhưng đôi khi bạn có thể cảm thấy bị sưng, đỏ và đau ở chân.
Sự hình thành của các cục máu đông trong tĩnh mạch ở chi dưới bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm hậu phẫu thuật, nằm hoặc ngồi quá lâu, uống thuốc tránh thai hoặc đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) trước đó.
5. Hội chứng Paget-Schroetter (PSS)
Hội chứng Paget-Schroetter là một loại huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hiếm gặp, thường xảy ra chủ yếu ở người trẻ tuổi khỏe mạnh và có chơi các môn thể thao cần sử dụng tay trên rất nhiều, chẳng hạn như bơi lội hoặc bóng chày.
Khi mắc phải hội chứng này, tĩnh mạch có thể bị chèn ép bởi các cơ xung quanh chúng. Từ áp lực này kết hợp với các chuyển động tay lặp đi lặp lại có thể dẫn đến nguy cơ cao hình thành nên các cục máu đông trên vai của cơ thể. Một số triệu chứng phổ biến của hội chứng PSS, bao gồm sưng, đau ngực, và da đột ngột chuyển sang màu xanh. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp vì nó có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị ngay lập tức.
6. Nhồi máu cơ tim (đau tim)
Các động mạch ở tim có thể bị tắc nghẽn bởi các mảng bám. Khi một cục máu đông hình thành trên những mảng bám này sẽ làm cắt đứt lượng máu đi đến tim của bạn. Nếu tình trạng này không được điều trị nhanh chóng, một phần cơ tim có thể rơi vào trạng thái chết. Bệnh nhân cũng có thể nhận thấy một cơn đau tim xuất hiện đột ngột, kèm theo đau ở ngực. Đối với phụ nữ, một số triệu chứng khác có thể xảy ra, chẳng hạn như mệt mỏi hoặc đau lưng.
7. Huyết khối tĩnh mạch chủ trên
Tĩnh mạch chủ trên là một trong những tĩnh mạch chính, có nhiệm vụ đưa máu từ các bộ phận trên của cơ thể đi về phía tim. Các cục máu đông có thể hình thành khi bạn đặt một ống thông tĩnh mạch trung tâm (có tác dụng truyền thuốc vào cơ thể) trong tĩnh mạch gần tim. Bác sĩ có thể lấy ống thông này ra để điều trị hoặc loại bỏ các cục máu đông. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể cần phải sử dụng thuốc làm loãng máu nhằm ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông.
8. Huyết khối tĩnh mạch cảnh
Thông thường, hai bộ tĩnh mạch ở cổ có chức năng mang máu từ đầu và cổ trở về tim. Các cục máu đông có xu hướng hình thành trong các tĩnh mạch này khi có một ống thông được đặt bên trong đó.
Ngoài ra, một số yếu tố khác như ung thư, phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc IV cũng có thể gây nên huyết khối tĩnh mạch cảnh. Trong trường hợp nguy hiểm, những cục máu đông này có nguy cơ bị vỡ ra, sau đó di chuyển đến phổi và gây ra tình trạng thuyên tắc phổi (PE).
9. Đột quỵ do huyết khối
Khi một cục máu đông ngăn chặn dòng máu chảy vào một trong các động mạch não của cơ thể, phần não đó sẽ bắt đầu rơi vào trạng thái chết. Một số dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, bao gồm tê cứng mặt, cánh tay hoặc chân, chóng mặt, mất thăng bằng, khó nói, và giảm thị lực.
Khi bị đột quỵ, bệnh nhân cần được cấp cứu nhanh chóng vì nó có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như ảnh hưởng đến khả năng nói chuyện hoặc tê liệt một bên cơ thể. Nếu đột quỵ được điều trị càng sớm thì cơ hội hồi phục não bộ cho bệnh nhân càng cao.
10. Huyết khối xoang tĩnh mạch não
Đây là một trong những loại đột quỵ hiếm gặp, xảy ra khi xuất hiện một cục máu đông trong não làm ngăn chặn máu chảy ra và quay trở lại tim. Khi đó, lượng máu dự phòng có thể bị rò rỉ vào các mô não và dẫn đến đột quỵ.
Huyết khối xoang tĩnh mạch chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ em và những người trẻ tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, loại đột quỵ này có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.
11. Huyết khối xoang hang
Huyết khối xoang hang là một tình trạng có mức độ phổ biến không cao, thường xảy ra khi các cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch chạy qua khoảng trống phía sau hốc mắt.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do sự nhiễm trùng lây lan từ mũi, mặt, răng, đôi khi cũng có thể bắt nguồn từ sự chấn thương. Khi bị huyết khối xoang hang, người bệnh thường gặp phải các vấn đề về mắt, chẳng hạn như đau, sưng, sụp mí mắt và cảm thấy khó khăn khi kiểm soát các chuyển động của mắt.
12. Tắc tĩnh mạch võng mạc
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất thị lực ở người già. Tình trạng này có thể xảy ra khi một cục máu đông ngăn chặn lưu lượng máu trong tĩnh mạch trung tâm của võng mạc (mô lót phía sau mắt). Khi máu bị rò rỉ ra bên ngoài có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thị lực, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp hoặc bong võng mạc.
13. Hội chứng May-Thurner
Động mạch ở xương chậu bên phải có nhiệm vụ mang máu đến chân phải của cơ thể, trong khi đó tĩnh mạch chậu trái lại đưa máu từ chân trái trở về tim. Hai mạch máu này thường giao nhau trong xương chậu. Khi bị mắc hội chứng May-Thurner, động mạch có thể chèn ép tĩnh mạch vào cột sống, khiến hình thành nên các cục máu đông ở chân trái. Hội chứng này thường ảnh hưởng chủ yếu tới những người phụ nữ trẻ tuổi với triệu chứng sưng đột ngột ở phần dưới của cơ thể.
14. Huyết khối tĩnh mạch cửa
Thông thường, tĩnh mạch cửa giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển máu từ đường tiêu hóa và lá lách đến gan của cơ thể. Đối với những người bị Xơ gan hoặc dễ có các cục máu đông sẽ có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch cửa.
Tình trạng này thường không gây ra các triệu chứng cụ thể và có thể không cần phải nhờ đến sự can thiệp của các phương pháp điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp áp lực tích tụ trong tĩnh mạch phía sau cục máu đông có thể khiến lách to, Sưng bụng và gây chảy máu. Khi xuất hiện những triệu chứng này, bệnh nhân cần được điều trị sớm để ngăn chặn các cục máu đông không bị tăng kích thước.
15. Hội chứng Budd-Chiari
Hội chứng Budd-Chiari xảy ra do cục máu đông ngăn chặn hoặc thu hẹp các tĩch mạch mang máu từ gan đến tim của cơ thể. Mặc dù bản chất của hội chứng này không giống với huyết khối tĩnh mạch cửa, tuy nhiên các triệu chứng của chúng lại có biểu hiện tương tự, bao gồm lách to, Sưng bụng và chảy máu. Ngoài ra, Hội chứng Budd-Chiari thường gây ra các vấn đề về gan, khiến suy yếu chức năng của gan, thậm chí bệnh nhân có thể phải thực hiện phẫu thuật ghép gan.
16. Huyết khối tĩnh mạch thận
Hội chứng thận hư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các cục máu đông ở một trong hai tĩnh mạch thực hiện nhiệm vụ vận chuyển máu ra khỏi thận. Người bệnh có thể không biểu hiện ra bất kỳ triệu chứng nào khi có các cục máu đông phát triển chậm. Tuy nhiên, đối với những huyết khối xuất hiện đột ngột có thể khiến cho người bệnh cảm thấy đau ở vùng thắt lưng và tiểu ra máu.
Nguồn tham khảo: webmd.com