Ở giai đoạn cuối của bệnh (suy thận mạn giai đoạn cuối - STMGĐC) khi số lượng nephron chỉ còn khoảng 10% lúc bình thường, nồng độ các chất cặn bã (ure,creatinin...) tăng lên rất cao và cơ thể rơi vào tình trạng nhiễm độc. Lúc này bệnh nhân cần được lọc máu để loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể nếu không sẽ tử vong.
1. Cấu tạo và chức năng của thận
Thông thường mỗi người có 2 quả thận (một số trường hợp đặc biệt chỉ có một quả hoặc lại có nhiều hơn 2 quả) hình hạt đậu dài 10-12cm, rộng 5-7cm, dày 3-4cm, nặng 100-120gram. Thận nằm ở hai hố thắt lưng dọc 2 bên cột sống từ đốt sống ngực XII đến đốt thắt lưng I – II, thận trái nhỏ hơn thận phải và nằm thấp hơn khoảng một đốt sống.
Mỗi quả thận được cấu tạo từ khoảng một triệu nephron. Nephron là đơn vị cấu trúc và chức năng của thận. Nephron gồm 2 phần: cầu thận và ống thận. Cầu thận bao gồm một túi bọc bên ngoài và một cuộn mạch ở bên trong. Ống thận là một cái ống có nhiều khúc lượn, một đầu liên tiếp với cầu thận và đầu kia đổ vào ống góp.
Máu được đưa vào trong thận với lưu lượng rất lớn (1200ml/phút) rồi đến cuộn mạch trong cầu thận, tại đây một lượng huyết tương lớn (khoảng 120ml/phút) không có hoặc rất ít protein từ máu sẽ đi vào trong cầu thận tạo nên nước tiểu đầu tiên. Nước tiểu đầu tiên từ cầu thận đi qua ống thận, tại ống thận nước tiểu đầu tiên được tái hấp thu nước và trao đổi điện giải rồi đi qua ống góp và đổ vào bể thận. Với lưu lượng 120ml/phút nước tiểu ban đầu nhưng qua quá trình tái hấp thu nước ở ống thận và ống góp sẽ chỉ còn 1,1- 1,5 ml/phút nước tiểu đổ vào bể thận rồi theo niệu quản xuống bàng quang .
Chức năng thận đối với cơ thể người:
- Chức năng bài tiết: Đào thải nước và các sản phẩm cặn bã của các quá trình chuyển hóa trong cơ thể ví dụ: ure, creatinine, a.Uric.... các hợp chất có amin độc với cơ thể phenol, indol... các chất độc hữu cơ và vô cơ vào cơ thể đều thông qua thận để thải ra ngoài;
- Điều hòa thăng bằng của nội môi thông qua điều hòa lượng nước, nồng độ các chất điện giải, thăng bằng kiềm toan;
- Tạo máu: Thận sản xuất 90% lượng Erythropoietin trong cơ thể . Erythropoietin là chất giúp cho quá trình biệt hóa hồng cầu từ tế bào tiền sinh hồng cầu;
- Điều hòa huyết áp cơ thể thông qua điều hòa lượng muối và nước trong cơ thể cũng như thông qua hệ renin – angiotensine.
2. Nguyên nhân của bệnh thận mạn
Tất cả tổn thương của các thành phần cấu tạo nên quả thận sẽ dẫn đến xơ hóa và giảm dần số lượng các nephron. Tổn thương xơ hóa sẽ vẫn tiến triển mặc dù nguyên nhân ban đầu đã chấm dứt.
- Bệnh lý cầu thận;
- Viêm thận – bể thận mạn: do sỏi tiết niệu, nhiễm trùng tiết niệu;
- Viêm thận kẽ: thường là do thuốc đặc biệt các thuốc giảm đau chống viêm;
- Tiểu đường;
- Tăng huyết áp;
- Bệnh Viêm mạch toàn thân;
- Bệnh thận bẩm sinh: thận đa nang, Alport, bệnh thận chuyển hóa
3. Các giai đoạn bệnh thận mạn và biểu hiện
Bệnh thận mạn được chia làm 5 giai đoạn dựa vào mức lọc cầu thận(MLCT):
- Giai đoạn 1: MLCT > 90 ml/min/1.73 m2 cơ thể;
- Giai đoạn 2: MLCT: 60 -89 ml/min/1.73 m2 cơ thể;
- Giai đoạn 3: MLCT 30 – 59 ml/min/1.73 m2 cơ thể;
- Giai đoạn 4: MLCT 15 – 29 ml/min/1.73 m2 cơ thể;
- Giai đoạn 5: MLCT < 15 ml/min/1.73 m2 cơ thể.
Giai đoạn sớm của bệnh thận mạn (giai đoạn 1&2) bệnh nhân hầu như không có biểu hiện của suy giảm chức năng thận, triệu chứng chủ yếu của giai đoạn này chủ yếu là triệu chứng của nguyên nhân gây suy thận ví dụ bệnh nhân có phù, tăng huyết áp, protein niệu ở những trường hợp viêm cầu thận.
Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 60 ml/min/1.73 m2 cơ thể (giai đoạn 3&4) bệnh nhân có biểu hiện của suy thận. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là bệnh nhân xanh xao do thiếu máu, dễ bị mệt, ăn kém và Suy dinh dưỡng dần dần. Xét nghiệm thấy rõ thiếu máu, rối loạn Calci và Phospho, rối loạn hormon tuyến cận giáp, rối loạn điện giải và thăng bằng kiềm toan.
Khi mức lọc cầu thận giảm dưới 15 ml/min/1.73 m2 cơ thể (giai đoạn 5), các chất độc bị tích tụ lại trong cơ thể gây nên tình trạng nhiễm độc cho bệnh nhân được gọi là “Hội chứng urê máu cao”. Bệnh nhân lúc này thiếu máu rõ, mệt mỏi thường xuyên, giảm khả năng tập trung (trường hợp nặng có thể hôn mê), khó thở nhiều mức độ, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, ỉa chảy, dễ bị xuất huyết,ngứa, chuột rút buồn mỏi chân tay.
Xét nghiệm lúc này thể hiện thiếu máu nặng (có những trường hợp số lượng hồng cầu chỉ trên dưới 1T/l), urê, creatinine máu tăng rất cao, toan máu, rối loạn điện giải – kali máu tăng , calci máu giảm, protid và Albumin máu giảm nhiều ( do suy dinh dưỡng). Các triệu chứng sẽ nặng lên nhanh chóng và bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được lọc máu.
4. Chiến lược theo dõi và điều trị cho bệnh thận mạn
Như chúng ta đã biết bệnh thận mạn với các tổn thương không hồi phục diễn tiến từ từ qua nhiều năm tháng. Từ bản chất của bệnh là như vậy nên chiến lược chung của điều trị bệnh thận mạn là: Phát hiện bệnh sớm, điều trị bảo tồn nhằm làm chậm lại quá trình tiến triển của suy thận và kéo dài thời hạn phải bắt đầu điều trị thay thế thận suy.
4.1 Phát hiện bệnh sớm
Điều này không dễ. Vì ở giai đoạn sớm, bệnh thận thường rất ít triệu chứng hoặc triệu chứng rất kín đáo (phù nhẹ thoáng qua). Phần lớn các trường hợp phát hiện bệnh thận ở giai đoạn sớm là do khám sức khỏe định kỳ hoặc vô tình phát hiện khi bệnh nhân làm xét nghiệm vì một bệnh lý khác.
4.2 Điều trị bảo tồn
Là điều trị bằng thuốc cùng chế độ ăn uống hợp lý nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh qua đó bảo tồn chức năng còn lại của thận ở mức tối đa có thể.
Để đảm bảo việc điều trị bảo tồn có kết quả, bệnh nhân cần phải hiểu bản chất bệnh của mình và hợp tác chặt chẽ với Bác sĩ điều trị. Khi phát hiện bệnh thận mạn tính rất nhiều bệnh nhân tỏ ra bất ngờ và không tin là mình mắc bệnh dẫn đến việc chậm trễ theo dõi và điều trị và chỉ chấp nhận điều trị khi triệu chứng của suy thận đã khá rõ (suy thận từ giai đoạn 3 trở đi).
Khi suy thận đã thể hiện triệu chứng thì số lượng nephron đã bị mất đi khá nhiều (khoảng 50%) và tốc độ tiến triển của bệnh nhanh hơn việc điều trị kém hiệu quả hơn khi bệnh thận chưa có triệu chứng của suy thận. Chính vì vậy ngay khi phát hiện có bệnh thận mạn người bệnh nên tìm cho mình một bác sĩ (tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa thận) để có chế độ theo dõi và điều trị hợp lý.
Việc theo dõi thường xuyên, định kỳ tiến triển của bệnh thông qua khám lâm sàng và xét nghiệm là cực kỳ quan trọng, nó giúp phát hiện ra những đợt cấp của suy thận mạn (chức năng thận đột ngột giảm nhanh) từ đó bác sỹ tìm những nguyên nhân làm bệnh tiến triển nặng như : tăng huyết áp không được khống chế, nhiễm khuẩn tiết niệu, tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu, nhiễm độc thận do thuốc (thuốc giảm đau chống viêm), đợt tiến triển của các bệnh hệ thống như Lupus, Viêm mạch hệ thống... Điều trị triệt để các nguyên nhân làm nặng tiến triển suy thận sẽ giúp chức năng thận trở về trạng thái trước khi bị nặng lên.
Nguyên tắc của điều trị
- Điều trị nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn;
- Giảm áp lực bên trong cầu thận sẽ làm giảm xơ hóa cầu thận. Điều trị tăng huyết áp sẽ làm giảm áp lực cầu thận. Đích của điều trị tăng huyết áp là 125/75 mmHg. Nên dùng các loại thuốc hạ áp có tác dụng bảo vệ thận như nhóm ức chế men chuyển và chẹn thụ thể Angiotensin II. Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần ăn giảm muối (nhạt vừa phải);
- Chế độ ăn giảm đạm (0.6 – 0.8 gr đạm/kg cơ thể/ngày trong đó 50% lượng đạm là các a.amin có giá trị sinh học cao): chế độ ăn giảm đạm sẽ làm giảm áp lực lọc ở cầu thận (qua đó giảm xơ hóa cầu thận), giảm protein niệu ngoài ra chế độ ăn giảm đạm sẽ giảm tình trạng urê huyết cao khi suy thận ở giai đoạn nặng;
- Giảm protein niệu bằng các thuốc hạ áp bảo vệ thận (ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin II) và chế độ ăn giảm đạm. Giảm protein niệu sẽ làm giảm quá trình xơ hóa ống thận;
- Kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường;
- Điều trị những hậu quả do suy thận mạn gây ra như thiếu máu, suy tim, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa calci – phospho, toan máu, suy dinh dưỡng.
Phòng bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn, không phải nguyên nhân nào cũng có thể phòng tránh được tuy nhiên việc khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh sớm điều trị sớm làm chậm tiến triển của bệnh cũng là một cách phòng bệnh tốt. Trong số những nguyên nhân đưa đến bệnh thận mạn , một số nguyên nhân có thể chủ động phòng chống được
- Điều trị triệt để các trường hợp Viêm họng , Viêm da do liên cầu từ đó có thể giảm nguy cơ bị Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu Beta tan huyết nhóm A (có một tỉ lệ nhất định chuyển sang viêm cầu thận mạn);
- Điều trị triệt để các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu;
- Kiểm soát tốt đường huyết khi bị đái tháo đường;
- Phát hiện và điều trị tăng huyết áp.
4.3.Điều trị thay thế thận suy
Khi suy thận tiến triển đến giai đoạn cuối (lúc này thận chỉ còn khoảng 10% nephron so với lúc thận bình thường) bệnh nhân cần phải được điều trị thay thế thận. Ngày nay cả ở Việt nam cũng như trên toàn thế giới việc điều trị thay thế thận bao gồm ghép thận và lọc máu. Ghép thận là phương pháp lý tưởng cho điều trị thay thế thận nhưng nguồn cho thận để ghép không nhiều nên phần lớn bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối vẫn phải sống nhờ vào phương pháp lọc máu.
Lọc máu bao gồm hai phương pháp chính là Thận nhân tạo và Lọc màng bụng. Lọc màng bụng là đưa dịch lọc qua một ống thông vào trong ổ bụng để máu sẽ thải chất độc qua màng bụng vào trong dịch lọc rồi dịch lọc được tháo bỏ ra ngoài và thay bằng dịch lọc mới.
Còn thận nhân tạo là đưa máu bệnh nhân ra ngoài cơ thể rồi cho tiếp xúc với dịch lọc thông qua một màng bán thấm, máu sẽ thải chất độc vào dịch lọc rồi quay trở lại cơ thể người bệnh. Với thành tựu của khoa học và công nghệ chất lượng điều trị của bệnh nhân lọc máu đã được cải thiện đáng kể, nhiều bệnh nhân đã sống với lọc máu trên 20 năm.