1. Viêm mũi dị ứng là bệnh gì?
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thường gặp ở rất nhiều người. Viêm mũi xảy ra khi niêm mạc (màng lót bên trong mũi) bị viêm khi người bệnh hít phải dị nguyên (chất gây dị ứng) như bụi, khói, lông, tơ,... và hắt hơi là một dạng phản ứng của cơ thể nhằm chống lại dị nguyên này. Đây là bệnh lành tính, tuy nhiên lại gây nhiều khó chịu trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân lớn gây ra sự mất cân bằng dị ứng. Sự mất cân bằng Dị ứng cùng với cơ địa nhạy cảm và tiếp xúc với dị nguyên, là các yếu tố quan trọng liên quan đến nguyên nhân và tỉ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng.
Khi niêm mạc mũi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sinh ra một loại chất hoá học tự nhiên có tên là histamin để bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại bên ngoài. Chất này chính là nguyên nhân làm xuất hiện các triệu chứng và gây ra viêm mũi dị ứng.
Một số nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng thường gặp:
Cơ địa nhạy cảm: thường do yếu tố di truyền
Tiếp xúc với dị nguyên hay chất gây dị ứng:
- Dị nguyên qua đường thở: bụi, con mọt, lông động vật, phấn hoa,...
- Dị ứng qua đường ăn uống: các loại thực phẩm như trứng, sữa, hải sản
- Dị ứng với các thành phần của thuốc: thường là kháng sinh, nhất là penicilline, aspirine, vaccine.
Sự mất cân bằng dị ứng: Khi mất cân bằng dị ứng, bệnh viêm mũi dị ứng sẽ xuất hiện khi có các yếu tố thuận lợi như:
- Tiếp xúc ồ ạt với dị nguyên, vượt quá ngưỡng
- Yếu tố tinh thần: căng thẳng, stress
- Rối loạn nội tiết: phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, thuốc tránh thai
- Yếu tố khí hậu: độ ẩm, nhiệt độ, nồng độ các ion trong khí quyển,... ảnh hưởng không tốt đến bệnh nhân dị ứng, nhất là dị ứng đường hô hấp
- Yếu tố ô nhiễm môi trường
- Lối sống thiếu vận động, béo phì, Thiếu vitamin D do thiếu ánh nắng, ăn kiêng hoặc sử dụng nhiều rượu, thuốc lá
- Virus và vi khuẩn: niêm mạc bị phù nề, hệ lông chuyển bị tê liệt do viêm nhiễm làm tăng tính phản ứng với dị nguyên, giảm khả năng bảo vệ của niêm mạc.
3. Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng
Hầu hết người mắc viêm mũi dị ứng sẽ có các biểu hiện như: hắt hơi liên tục; sổ mũi; Ngứa mũi, mắt, cổ họng, da hoặc các vùng khác trên cơ thể; ho; nghẹt mũi; viêm hoặc Ngứa họng; chảy nước mắt; xuất hiện quầng thâm dưới bọng mắt; đau đầu thường xuyên; phát ban; mệt mỏi.
Trường hợp có tiền sử hen suyễn, chàm, Viêm da dị ứng, nổi Mày đay hay khám Nội soi mũi thấy niêm mạc mũi nhợt màu, phù nề, nước mũi trong cũng là những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.
4. Phân loại bệnh viêm mũi dị ứng
Bệnh viêm mũi dị ứng được phân loại theo Hiệp hội Viêm mũi dị ứng quốc tế dựa vào khoảng thời gian tồn tại của bệnh, triệu chứng cũng như ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng cuộc sống, bao gồm:
- Viêm mũi dị ứng gián đoạn: Triệu chứng của bệnh tồn tại dưới 4 ngày/ tuần hoặc dưới 4 tuần/ năm.
- Viêm mũi dị ứng dai dẳng: Triệu chứng của bệnh tồn tại nhiều hơn 4 ngày/ tuần và nhiều hơn 4 tuần/ năm.
5. Các cách điều trị viêm mũi dị ứng
5.1 Điều trị đặc hiệu:
Sử dụng phương pháp là làm thay đổi sự đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân thông qua biện pháp giải mẫn cảm, nếu tìm được nguyên nhân gây dị ứng. Với biện pháp này nguyên nhân gây dị ứng sẽ đưa vào cơ thể người bệnh số lượng tăng dần chất chiết xuất từ dị nguyên (giống trong sản xuất vaccin) để tạo kháng thể bao vây, thay đổi cách đáp ứng của cơ thể với yếu tố dị nguyên cùng liều dị nguyên tăng dần, cách quãng.
5.2 Điều trị bằng thuốc:
Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để kê đơn thuốc làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Điều trị bằng thuốc chủ yếu là điều trị triệu chứng hoặc phòng ngừa nên chỉ có thể khống chế bệnh hoặc giảm các triệu chứng trong một khoảng thời gian trong và sau khi dùng thuốc một thời gian ngắn. Các loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Kháng sinh, steroids dạng uống, dạng xịt, co mạch đường uống, co mạch đường tại chỗ
- Kháng histamin dạng uống, dạng xịt
- Kháng cholinergic, thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào
- Thuốc kháng leukotriene.
Nếu đang sử dụng các loại thuốc khác, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
5.3 Điều trị phẫu thuật:
Viêm mũi dị ứng điều trị bằng biện pháp phẫu thuật chỉ định cho những trường hợp bị viêm mũi dị ứng có polyp, thoái hóa cuốn mũi, một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu như lệch vách ngăn, gai vách ngăn.
5.4 Có chế độ sinh hoạt phù hợp
Cách chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc và hít phải chất gây dị ứng bằng cách bản thân có chế độ sinh hoạt phù hợp, ví dụ: sử dụng máy lạnh thay vì để cửa sổ mở, việc làm này sẽ giúp bạn tránh tiếp xúc với phấn hoa, khói hoặc bụi. Hoặc cẩn thận khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp; chú ý giữ vệ sinh mũi, chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý để rửa mũi. Tránh tổn thương niêm mạc mũi bằng việc không ngoáy mũi bằng tay. Ăn uống tránh đồ sống, lạnh, tanh, tránh uống rượu, tránh khói thuốc lá. Tránh stress, các chất kích thích và giảm sử dụng thuốc aspirin. Kiên trì rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì. Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng.