1. Cơ chế hoạt động của thuốc hạ mỡ máu
Bệnh nhân có thể dùng thuốc hạ mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ
Các statin ức chế men khử HMG-CoA, không tạo ra cholesterol ở gan, làm giảm cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng làm tăng số lượng thụ thể của LDL-cholesterol, tăng sự thoái hóa và làm giảm loại cholesterol gây hại này xuống mức thấp nhất. Đồng thời, các statin cũng làm tăng HDL-cholesterol (loại cholesterol có lợi cho cơ thể).
Thuốc hạ lipid máu có tác dụng giảm cholesterol máu và giảm nguy cơ mắc bệnh Tim mạch hoặc đột quỵ. Có nhiều nhóm thuốc hạ mỡ máu được sử dụng như nhóm resin gắn acid mật (cholestyramin), nhóm fibrat (fenofibrat, clofibrat, gemfibrozil), niacin (vitamin PP), nhóm statin và thuốc mới là ezetimibe.
Trong đó, nhóm thuốc statin (gồm simvastatin, lovastatin, pravastatin, fluvastatin, atorvastatin, rosuvastatin) được sử dụng phổ biến nhất. Trên thực tế, có khoảng 28% người trên 40 tuổi đang phải sử dụng loại thuốc này.
Thuốc trị rối loạn lipid máu có tác dụng giúp các chất béo có trong máu như cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL-cholesterol và HDL-cholesterol trở lại mức giới hạn bình thường.
2. Tác dụng phụ của thuốc hạ mỡ máu
Sau khi sử dụng thuốc điều trị Rối loạn mỡ máu một thời gian dài, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng.
● Đối với gan mậtTác dụng phụ của thuốc là có thể làm rối loạn chức năng gan, làm tăng men gan SGOT/SGPT, dẫn tới Hoại tử tế bào gan. Khi các men gan SGOT/SGPT tăng lên gấp 3 lần bình thường bệnh nhân buộc phải ngừng thuốc đang sử dụng. Nếu khi dùng thuốc bệnh nhân bị mệt mỏi, suy yếu sức khỏe, chán ăn, đau bụng trên, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu,... cần báo ngay cho bác sĩ.
Những trường hợp bị viêm gan cấp hoặc mãn tính, có men gan tăng kéo dài chống chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu.
● Đối với hệ tiêu hóaThuốc hạ mỡ máu có thể khiến bệnh nhân bị Rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, táo bón, khi dùng thuốc nhóm fibrat; đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn khi dùng thuốc nhóm statin,...
● Đối với hệ thần kinhKhi dùng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, một số người có thể bị giảm trí nhớ, nhầm lẫn, Phù mạch thần kinh, chuột rút, bệnh lý Thần kinh ngoại biên,...
● Đối với da, cơ, xương, khớpThuốc hạ mỡ máu có thể làm đau cơ, yếu cơ, nhức mỏi các khớp, Dị ứng da, ngứa, nổi mề đay.
Chú ý: Không phải bất cứ ai khi dùng thuốc điều trị Mỡ máu cao cũng gặp các tác dụng phụ kể trên. Những người có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ là: uống nhiều loại thuốc giảm cholesterol một lần, nữ giới, người có bệnh thận hoặc gan, trên 65 tuổi, người uống quá nhiều rượu,...
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu
Những trường hợp bị rối loạn mỡ máu nhẹ, không có bệnh đái tháo đường, mạch vành, cao huyết áp, không hút thuốc chỉ sử dụng thuốc nhóm statin khi đã thực hiện chế độ ăn kiêng và vận động nhưng vẫn không hạ lipid máu tới mức mong muốn.
- Các thuốc điều trị tăng mỡ máu chống chỉ định đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Nên dùng thuốc nhóm fibrate trong hoặc sau bữa ăn chính.
- Nên dùng thuốc nhóm statin trước hoặc sau ăn.
- Khi đang dùng thuốc nhóm statin vẫn duy trì nghiêm túc chế độ ăn theo khuyến cáo và vận động. Người bệnh cần hạn chế mỡ động vật, thực phẩm nhiều cholesterol, nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, dầu olive, các loại quả hạch, đậu đỗ và cá,...
- Không dùng bưởi khi đang uống thuốc nhóm statin vì nước bưởi có chứa một chất hóa học có thể liên kết với các enzyme phá vỡ statin trong hệ thống tiêu hóa.
- Các loại thuốc có thể tương tác với thuốc nhóm statin, làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ gồm: amiodarone, clarithromycin, cyclosporine, itraconazole, gemfibrozil, saquinavir, ritonavir... Để hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân nên chia sẻ với bác sĩ về bệnh mình đang mắc và đưa danh sách các thuốc đã, đang dùng để bác sĩ tư vấn sử dụng loại thuốc hạ mỡ máu phù hợp.
- Nghỉ ngơi đợt ngắn khi áp dụng liệu pháp dùng thuốc nhóm statin để cải thiện sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, cải thiện dần cường độ tập luyện để tránh đau cơ bắp.
- Không sử dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá.
Do các thuốc hạ mỡ máu đều có tác dụng phụ nên người bị Mỡ máu cao mức độ nhẹ không nên tự ý mua thuốc về dùng mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, việc điều trị mỡ máu cao tốt nhất chính là kết hợp giữa dùng thuốc với ăn uống lành mạnh và tuân thủ một chế độ luyện tập khoa học. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sát sao tình tình sức khỏe của bản thân và kịp thời có phương án điều trị nếu bệnh có những diễn biến xấu.