1. Những rủi ro khi bổ sung magie
- Tác dụng phụ: Bổ sung magie có thể gây ra những tác dụng phụ như buồn nôn, đau dạ dày và tiêu chảy. Ngoài ra, khoáng chất này còn có tác động làm mềm phân;
- Tương tác thuốc: Magie có thể không an toàn với những người đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc tim hoặc kháng sinh. Hãy trình bày với bác sĩ nếu bạn đang trong quá trình điều trị một bệnh lý nào đó hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc nào trước khi có chỉ định dùng thuốc bổ sung magie;
- Ảnh hưởng đến các bệnh lý khác: Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh đường ruột, bệnh tim hoặc bệnh thận không nên dùng magie, trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ điều trị;
- Quá liều: Dấu hiệu của quá liều magie bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, huyết áp thấp, yếu cơ và mệt mỏi. Magie có thể gây tử vong nếu dùng ở liều quá cao.
Khi dùng bằng đường miệng, magie tương đối an toàn nếu được dùng ở liều dưới 350 mg mỗi ngày đối với người lớn khỏe mạnh.
2. Những đối tượng cần lưu ý đặc biệt
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Magie tương đối an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú khi uống với liều dưới 350 mg mỗi ngày. Đối với thuốc bổ sung magie dùng theo đường tiêm, chỉ được tiêm tĩnh mạch (IV) và mũi tiêm phải cách ngày dự sinh ít nhất 5 ngày. Mặt khác, magie chỉ được chỉ định cho phụ nữ Mang thai gặp phải một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Có bằng chứng cho thấy magie có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về xương và Não ở trẻ sơ sinh;
- Trẻ em: Magie là tương đối an toàn đối với hầu hết trẻ em khi uống hoặc tiêm với liều dùng thích hợp theo toa bác sĩ. Liều an toàn của magie khi dùng bằng đường uống là dưới 65 mg cho trẻ 1 - 3 tuổi, 110 mg cho trẻ từ 4 - 8 tuổi và 350 mg cho trẻ từ 8 tuổi trở lên;
- Đối tượng nghiện rượu: Lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ thiếu magie;
- Rối loạn đông máu: Magie có khả năng làm chậm tiến trình đông máu. Trên lý thuyết, bổ sung magie làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím ở những bệnh nhân bị rối loạn chảy máu;
- Bệnh nhân tiểu đường: Làm tăng nguy cơ thiếu magie. Bệnh tiểu đường khi chưa được kiểm soát tốt sẽ làm giảm lượng magie mà cơ thể hấp thụ;
- Người cao tuổi: Người cao tuổi có nguy cơ bị thiếu magie do cơ thể giảm hấp thụ magie. Mặt khác, nhóm đối tượng này thường mắc một số bệnh lý khác ảnh hưởng đến sự hấp thụ magie;
- Block nhĩ- thất (block tim): Không nên dùng magie liều cao (nhất là khi tiêm tĩnh mạch) cho những người bị block tim;
- Những bệnh lý ảnh hưởng đến sự hấp thụ magie: Khả năng hấp thụ magie có thể giảm bởi một số bệnh lý, bao gồm nhiễm trùng dạ dày, bệnh miễn dịch, bệnh viêm ruột;
- Những người bị nhược cơ: Magie khi dùng đường tiêm tĩnh mạch có thể làm suy yếu và gây khó thở ở những người mắc bệnh nhược cơ;
- Người mắc các vấn đề về thận, chẳng hạn như suy thận: Thận không hoạt động tốt sẽ ảnh hưởng đến khả năng thải trừ magie ra khỏi cơ thể, khiến magie tích tụ đến mức nguy hiểm;
- Hội chứng chân bồn chồn (hay còn gọi hội chứng chân không yên, RLS): Những người mắc Hội chứng chân không yên thường có mức magie cao hơn bình thường. Do đó, đối tượng này cần thận trọng khi bổ sung magie.
3. Những tác dụng phụ của magie
Phụ nữ mang thai hiếm khi bị quá liều magie với chế độ ăn uống bình thường. Tuy nhiên, một khi đã sử dụng thuốc bổ sung magie thì thai phụ có nguy cơ bị quá liều loại khoáng chất này. Dưới đây là một số tác dụng phụ của magie khi bổ sung quá liều lượng:
- Tiêu chảy và mất nước:
Bổ sung magie có thể gây kích thích nhu động ruột ở một số phụ nữ mang thai, dẫn đến tiêu chảy, đau quặn bụng và ăn mất ngon. Nếu tiêu chảy không được điều trị có nguy cơ dẫn tới Mất nước - một triệu chứng nghiêm trọng của thai kỳ, ảnh hưởng đến lượng nước ối. Nếu thai phụ đang bổ sung magie và bị tiêu chảy từ 2 - 3 ngày thì cần đến gặp bác sĩ để xử trí phù hợp.
- Đau dạ dày:
Những triệu chứng hay gặp trong thai kỳ là đau bụng, buồn nôn và nôn (ốm nghén). Bổ sung magie có thể dẫn tới tình trạng tương tự như ốm nghén. Những triệu chứng này thường sẽ giảm trong vài giờ sau điều trị, nhưng nếu chúng vẫn tiếp tục kéo dài thì nên báo ngay cho bác sĩ.
Nếu thai phụ gặp phải bất kỳ triệu chứng nào dưới đây sau khi bổ sung magie, nên đến ngay phòng cấp cứu. Quá liều magie có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các tác dụng phụ của magie cần được lưu ý đặc biệt gồm:
- Nôn ói liên tục;
- Rối loạn nhịp tim;
- Yếu cơ;
- Hạ huyết áp;
- Khó thở;
- Lơ mơ.
Magie chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn khoảng từ 3 - 7 ngày. Nếu điều trị trong thời gian dài, thuốc có thể tích tụ trong cơ thể, gây ra suy Hô hấp và Giảm oxy máu của thai nhi. Ngoài ra, magie có thể kéo canxi ra khỏi mô xương của trẻ sơ sinh, dẫn đến nguy cơ gãy xương trong quá trình chuyển dạ. Thai phụ nên dừng bổ sung magie trước khi chuyển dạ.
4. Nguy cơ tương tác thuốc khi bổ sung magie
Magie được đánh giá là có khả năng gây ra tương tác ở mức độ vừa phải. Các thuốc có khả năng gây tương tác với magie, dẫn tới những tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside:
Magie có thể ảnh hưởng đến cơ bắp và nguy cơ này tăng cao khi dùng chung với các kháng sinh nhóm Aminoglycoside.
Một số kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid bao gồm amikacin, gentamicin, kanamycin, streptomycin, tobramycin.
- Thuốc kháng sinh nhóm quinolon và tetracycline:
Magie có thể làm giảm khả năng hấp thu kháng sinh nhóm quinolon và tetracycline, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị. Để tránh tương tác này, hãy dùng các kháng sinh này ít nhất 2 giờ trước khi bổ sung magie hoặc ít nhất 4 giờ sau khi dùng thuốc có chứa magie.
Một số loại kháng sinh nhóm quinolon có thể tương tác với magie bao gồm ciprofloxacin, enoxacin, norfloxacin, sparfloxacin, trovafloxacin và grepafloxacin.
Một số tetracycline thường gây tương tác với magie bao gồm demeclocycline, Minocycline và tetracycline.
- Bisphosphonates:
Bổ sung magie cùng với các bisphosphate có thể làm giảm hiệu quả điều trị. Do đó, nên dùng 2 thuốc này cách xa nhau trong ngày.
- Thuốc trị tăng huyết áp nhóm chẹn kênh canxi:
Làm giảm huyết áp là một trong những tác dụng phụ của magie. Nguy cơ tác dụng phụ tăng lên khi sử dụng chung với các thuốc điều trị tăng huyết áp, khiến huyết áp của bệnh nhân giảm xuống mức rất thấp. Các thuốc điển hình trong nhóm chẹn kênh canxi là isradipine, felodipine, amlodipine.
- Thuốc giãn cơ:
Magie có tác dụng làm thư giãn cơ bắp. Bổ sung magie cùng với thuốc giãn cơ có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ trên cơ. Các thuốc giãn cơ thường gặp bao gồm pancuronium, succinylcholine.
- Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali:
Để điều trị tăng huyết áp, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của magie do làm tăng nồng độ magie trong cơ thể.
Để đáp ứng nhu cầu bổ sung magie, không phải lúc nào cũng cần sử dụng thuốc và các chất bổ sung. Thay vào đó, nên ăn uống hợp lý và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ của magie.