Mục lục:

Hướng dẫn Cách tự theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà

Căn bệnh huyết áp, kể cả huyết áp cao hay huyết áp thấp là nguyên nhân chính gây ra tử vong và tàn phế do các biến chứng về tim, não, mạch máu,... Vì vậy, việc thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà là một phương pháp đơn giản và thuận tiện để mọi người có thể theo dõi sức khỏe của chính mình, phòng ngừa các bệnh về huyết áp.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tầm quan trọng của đo huyết áp tại nhà

Đo huyết áp là cách tự kiểm soát huyết áp của bản thân, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh huyết áp, người già có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, việc đo huyết áp tại nhà có thể góp phần kiểm soát sự tăng/giảm huyết áp bất ngờ để phòng tránh các nguy cơ tai biến do huyết áp gây ra như tai biến mạch máu não, đột quỵ... bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho hợp lý.

Về mặt tâm lý, khi kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại nhà bạn sẽ không còn cảm thấy lo lắng vì áp lực bệnh tật và có động lực để kiểm soát huyết áp của bạn tốt hơn.

1.1. Khi nào cần đo huyết áp

Từ 30 - 40 tuổi trở lên nên thường xuyên đo huyết áp, khoảng 1 tháng 1 lần. Nếu thấy Huyết áp cao dù chỉ một chút thôi cũng cần đo nhiều lần hơn, ví dụ mỗi tháng 2-4 lần. Trường hợp có bệnh cao huyết áp thật sự, nên đo huyết áp nhiều lần hơn và tốt nhất nên đo hằng ngày. Nếu thấy cần thiết, bác sỹ có thể yêu cầu đo 2-3 lần/ngày hoặc nhiều lần hơn nữa. Chỉ nên dùng một loại máy đo huyết áp để theo dõi thường xuyên. Vì phải đo nhiều lần như vậy nên mỗi gia đình cần có một máy đo huyết áp cho việc kiểm tra huyết áp. Hiện nay, có nhiều loại máy đo huyết áp điện tử chạy bằng pin hoặc điện rất tiện cho người sử dụng và cho kết quả chính xác.

1.2. Tại sao nên đo huyết áp tại nhà?

Khi bác sỹ đo huyết áp cho bạn có thể gây ra lo lắng cho bản thân bạn và có thể gây ra cao huyết áp hay còn gọi là hội chứng “Áo choàng trắng”. Các trạng thái có thể khác nhau đều ảnh hưởng tới huyết áp của bạn, kết quả đo huyết áp một lần không đủ cho việc chẩn đoán một cách chính xác mà phải đo nhiều lần.

Huyết áp luôn dao động liên tục thay đổi với mỗi nhịp tim tùy thuộc vào sự vận động của tim và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và trạng thái tinh thần khác nhau. Theo như biểu đồ chỉ ra dưới đây, huyết áp đo được buổi sáng khác với buổi tối và dao động trong cả ngày. Tuy nhiên, bạn nên đo huyết áp đều đặn ở cùng một thời điểm mỗi ngày và ghi lại kết quả. Hỏi ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin dựa trên các kết quả ghi lại.

Hướng dẫn Cách tự theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà - ảnh 1
Theo dõi huyết áp của bạn là một trong những bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe

2. Đo huyết áp đúng cách tại nhà

Theo dõi huyết áp của bạn là một trong những bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Nhưng nếu quá trình đo không đúng cách có thể dẫn đến kết quả thiếu chính xác. Hãy tham khảo cách đo huyết áp dưới đây để thu được kết quả đo huyết áp đáng tin cậy.

2.1 Quy trình đo huyết áp

Máy đo huyết áp: Hiện nay trên thị trường có 3 loại máy đo huyết áp khác nhau bao gồm:

  • Máy đo huyết áp thủy ngân: Cho chỉ số huyết áp chính xác nhưng cồng kềnh( hiện nay ít dùng).
  • Máy đo huyết áp đồng hồ cơ: Tiện sử dụng, tuy nhiên chỉ số có thể không chính xác do còn phụ thuộc vào kỹ thuật đo và khả năng nghe của người sử dụng.
  • Máy đo huyết áp điện tử: Số đo chính xác và không cần sử dụng đến ống nghe tim phổi, mọi đối tượng đều có thể sử dụng được.

Có 2 cách đo huyết áp (đo bằng máy đo điện tử, đo bằng máy huyết áp đồng hồ cơ), nếu bạn có máy đo huyết áp tự động thì đo rất đơn giản. Nếu đo bằng huyết áp đồng hồ cơ thì cần có người đo giúp. Sau đây xin giới thiệu cách đo huyết áp bằng máy đo điện tử:

  • Kiểm tra thiết bị của bạn: Luôn chắc chắn rằng thiết bị của bạn đang hoạt động tốt, pin đủ. Nếu bạn đang sử dụng một máy đo huyết áp cơ có ống nghe, cần đảm bảo bao hơi và ống nghe không có vấn đề, sạch sẽ.
  • Băng quấn tay hợp kích cỡ: Vì băng quấn nhỏ có thể sẽ làm tăng 2 – 10 mmHg.
  • Giữ cơ thể cố định: Huyết áp có thể tăng và giảm phụ thuộc vào trạng thái của cơ thể. Nếu bạn đang lo lắng hoặc kích động, huyết áp của bạn sẽ tăng lên, tạo ra báo động giả. Vì vậy, bạn cần ngồi xuống và thở đều đặn, dành vài phút để thư giãn nhẹ nhàng trước khi đo huyết áp.
  • Chú ý công đoạn đặt dải quấn của máy đo: Hãy làm theo đúng hướng dẫn sử dụng của loại máy bạn đang dùng về vị trí đặt, mức độ đóng chặt của dải quấn. Lưu ý: Quấn vào tay trần vì áo chèn băng quấn sẽ làm tăng 5 – 50 mmHg.
  • Tư thế tay: Cánh tay của bạn phải có vật phẳng làm chỗ tựa, cánh tay không có chỗ tựa làm tăng 10 mmHg. Nên đặt cánh tay ngang trái tim của bạn, vì nếu cánh tay ở vị trí cao hơn so với tim thì chỉ số huyết áp có thể thấp. Nếu cánh tay được định vị dưới mức của tim, chỉ số áp suất máu của có thể cao. Mép dưới của băng quấn nên ở ngay trên nếp gấp khuỷu tay của bạn.
  • Ngồi đúng tư thế: Lưng thẳng và tựa lưng vào ghế, bàn chân chạm hoàn toàn xuống đất và hai chân không bắt chéo nhau, do bắt chéo chân làm tăng 2 – 8 mmHg. Hơi thở sâu và bình tĩnh. Vòng băng đo huyết áp ngang với tim.
  • Vận hành máy theo sự hướng dẫn của máy mà bạn đã có sẵn.

Một số lưu ý khi đo huyết áp:

  • Nghỉ ngơi: Tránh hút thuốc, đồ uống có caffeine, không tập luyện thể lực trong vòng 30 phút trước khi thực hiện cách đo huyết áp, đảm bảo nghỉ ngơi yên lặng trên 5 phút trước khi đo và làm trống bàng quang vì bàng quang đầy làm tăng 10 mmHg.
  • Không nói chuyện: Mất tập trung và nói chuyện làm tăng 10 mmHg.
  • Đo nhiều lần: Hơn 2 lần đo, cách nhau ít nhất 1 phút, đo huyết áp vào buổi sáng trước khi uống thuốc và buổi tối trước khi ăn nhẹ, đi ngủ.
  • Nếu huyết áp tâm thu hoặc tâm trương cao nằm ngoài phạm vi cho phép, biểu tượng nhịp tim sẽ nhấp nháy khi kết quả đo được hiển thị. Nghiên cứu gần đây cho thấy các giá trị dưới đây được xem là huyết áp cao khi đo huyết áp tại nhà.
    • Huyết áp tâm thu (HA tối đa): Trên 135 mmHg.
    • Huyết áp tâm trương (HA tối thiểu): Trên 85 mmHg.

Máy đo huyết áp này có tính năng phát hiện nhịp tim không đều. Nhịp tim không đều có thể ảnh hưởng tới kết quả đo. Nếu kết quả đo bị ảnh hưởng bởi nhịp tim không đều nhưng kết quả có giá trị, kết quả sẽ hiển thị cùng với biểu tượng báo nhịp tim không đều. Nếu nhịp tim không đều làm cho kết quả đo không có giá trị, kết quả không hiển thị. Nếu biểu tượng nhịp tim không đều xuất hiện thường xuyên, hãy hỏi bác sĩ để biết thêm thông tin về nhịp tim của bạn.

2.2 Đo và ghi lại huyết áp

Bạn nên đo huyết áp hàng tuần, bắt đầu sau 2 tuần thay đổi chế độ điều trị và trong tuần trước khi đi khám lần kế tiếp.

Ghi lại chính xác các số đo, mang đến cho bác sĩ xem ở tất cả các lần khám.

Huyết áp cần được lấy trung bình của ít nhất 2 lần đo để ra quyết định lâm sàng.

3. Kiểm soát và phòng ngừa huyết áp bằng cách thay đổi lối sống Hướng dẫn Cách tự theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà - ảnh 2

Người thừa cân, Béo phì cần kiểm soát cân nặng để phòng ngừa huyết áp

Bằng cách thay đổi lối sống, bạn có thể làm giảm huyết áp và giảm nguy cơ các biến chứng khác. Có thể điều chỉnh lối sống theo các hướng sau:

  • Giảm cân với người thừa cân, béo phì

Huyết áp thường tăng lên khi tăng trọng lượng cơ thể. Thừa cân, Béo phì cũng có thể gây gián đoạn hơi thở trong khi ngủ (sleep apnea) và làm tăng huyết áp của bạn. Vì vậy, giảm cân là một trong những thay đổi lối sống có hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp.

  • Tập thể dục thường xuyên

Hoạt động thể chất thường xuyên, ít nhất là 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần có thể làm giảm huyết áp từ 4-9 mmHg. Nếu bạn có huyết áp hơi cao (tiền tăng huyết áp), việc tập thể dục có thể giúp bạn tránh tăng huyết áp. Các dạng tập thể dục tốt nhất bao gồm đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội hoặc khiêu vũ.

  • Chế độ ăn uống lành mạnh

Ăn một chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa ít chất béo và chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp của bạn lên tới 14 mmHg. Bổ sung thêm kali bằng cách ăn 3-5 trái chuối chín hàng ngày.

  • Giảm natri (muối)

Có một mối quan hệ trực tiếp giữa lượng muối hấp thụ và cao huyết áp. Lượng muối hấp thụ trung bình của một người thường rất cao. Do đó, bạn cần kiểm soát lượng muối nạp vào hàng ngày của mình để tránh bị cao huyết áp.

  • Hạn chế uống rượu, bia, thuốc lá

Giảm tiêu thụ rượu (giới hạn 2 ly đối với nam và 1 ly đối với nữ), bỏ hút thuốc do nhịp tim và huyết áp tăng cao trong quá trình hút thuốc. Những người bỏ hút thuốc lá sẽ gia tăng đáng kể tuổi thọ.

Caffeine có thể làm tăng huyết áp khoảng 5-10 mmHg ở những người hiếm khi uống cà phê, nhưng có rất ít hoặc không có tác động đến huyết áp ở những người uống Cà phê thường xuyên thành thói quen.

  • Giảm stress

Stress lâu dài đóng góp quan trọng đối với bệnh tăng huyết áp. Hãy thử tập yoga, thiền khi bạn lâm vào stress sẽ có kết quả khả quan hơn.

Hiện nay để tăng sự hiệu quả, chính xác đơn giản hóa quá trình đo huyết áp, nhiều người ưa dùng sử dụng phương pháp Holter huyết áp.

Holter huyết áp là phương pháp theo dõi huyết áp tự động liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 24 - 48 giờ. Máy cho phép ghi lại huyết áp trong suốt thời gian đeo máy thông qua một thiết bị đo huyết áp tự động. Các dữ liệu huyết áp này sẽ được lưu lại trong bộ nhớ dưới dạng băng cassette hoặc được ghi theo phương pháp kỹ thuật số. Kích thước của máy thường nhỏ như một máy Radio Walkman. Do đó bệnh nhân có thể đeo bên hông khi đi lại và làm việc. Hầu hết các máy ghi đều có một nút bấm để đánh dấu thời điểm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng. 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung