Thuốc xịt Flixonase giúp giảm Ngứa mũi, hắt hơi, ngạt mũi và chảy nước mũi. Thuốc xịt Flixonase được dùng để dự phòng và điều trị viêm mũi Dị ứng theo mùa (như Dị ứng phấn hoa) và Viêm mũi dị ứng quanh năm (như Dị ứng lông chó, mèo)
1. Liều dùng cho người lớn và trẻ em khi dùng thuốc xịt mũi Flixonase
Với người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Liều khởi đầu thông thường là 2 nhát xịt vào mỗi lỗ mũi, một lần một ngày, tốt nhất vào buổi sáng. Trong một vài trường hợp có thể cần xịt hai lần một ngày, mỗi lần 2 nhát xịt vào mỗi lỗ mũi (tức là 8 nhát xịt một ngày, 4 nhát xịt vào mỗi lỗ mũi). Nhìn chung không nên vượt quá mức liều này. Khi triệu chứng đã được cải thiện, bác sĩ có thể giảm liều xuống 1 nhát xịt vào mỗi lỗ mũi, dùng một lần mỗi ngày. Nếu triệu chứng xấu hơn, có thể tăng trở lại liều khởi đầu.
Với trẻ em từ 4 đến 11 tuổi: Liều khởi đầu thông thường là một nhát xịt vào mỗi lỗ mũi mỗi ngày. Trong một vài trường hợp có thể tăng lên nhưng không nên vượt quá 2 lần xịt vào mỗi lỗ mũi trong một ngày.
2. Hướng dẫn sử dụng chai xịt trị Viêm mũi dị ứng Flixonase
Khởi động bình xịt: Khởi động bình xịt giúp đảm bảo các liều thuốc đồng đều. Bạn phải khởi động bình xịt trong các trường hợp sau:
- Trước khi sử dụng bình xịt lần đầu tiên
- Bình xịt không sử dụng một vài ngày
- Sau khi vệ sinh bình xịt
Cách khởi động bình xịt:
- Lắc bình xịt và tháo nắp chống bụi
- Giữ bình xịt hướng lên và hướng vòi xịt ra xa bạn
- Đặt ngón trỏ và ngón giữa trên vành ở hai bên vòi xịt, đặt ngón cái ở dưới đáy bình xịt
- Trong khi giữ nguyên ngón cái, dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vòi xịt xuống để giải phóng thuốc. Thực hiện động tác này vài lần cho tới khi thấy một liều xịt chứa các hạt siêu mịn. Lúc này bình xịt đã sẵn sàng để sử dụng
- Nếu nghi ngờ vòi xịt đã bị tắc: Làm sạch vòi xịt theo hướng dẫn trong mục “vệ sinh bình xịt”. Không được dùng ghim hoặc vật nhọn khác để thông tắc vì có thể làm hỏng bình xịt
Sử dụng bình xịt
- Lắc bình để trộn đều thuốc, tháo nắp chống bụi
- Xì nhẹ mũi để làm sạch lỗ mũi
- Bịt một bên lỗ mũi và đặt đầu xịt vào lỗ mũi bên kia. Hơi nghiêng đầu về phía trước, giữ bình xịt hướng lên
- Bắt đầu hít vào từ từ qua đường mũi. Trong lúc hít vào, dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vòi xịt xuống, một liều thuốc sẽ đi vào bên trong lỗ mũi
- Thở ra qua miệng
- Làm tương tự với liều xịt thứ 2 ở cùng bên mũi và bên mũi còn lại
- Sau khi sử dụng, lau vòi xịt bằng khăn sạch và đậy nắp trở lại
Vệ sinh bình xịt: nên vệ sinh bình xịt ít nhất 1 lần mỗi tuần để ngăn vòi xịt không bị tắc
- Tháo nắp chống bụi
- Tháo vòi xịt bằng cách kéo vòi xịt lên
- Ngâm vòi xịt và nắp chống bụi vài phút trong nước ấm sau đó rửa dưới vòi nước chảy, vảy sạch nước và để khô ở nơi ấm
- Lắp vòi xịt trở lại bình xịt
- Khởi động lại bình xịt như hướng dẫn phía trên
3. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc xịt mũi Flixonase
Thực hiện đúng kỹ thuật xịt thuốc để đảm bảo thuốc đạt được hiệu quả cao nhất và tránh được tác dụng phụ. Đặc biệt lưu ý tư thế đầu trong khi xịt. Không ngửa đầu ra sau mà hơi nghiêng về phía trước. Tư thế này giúp tránh thuốc rơi xuống họng (tạo vị khó chịu) và giữ thuốc trong mũi (để cho tác dụng tốt hơn). Không hướng đầu vòi xịt vào vách ngăn mũi vì có thể gây kích thích. Nếu có nhày hoặc gỉ mũi, nên làm sạch bằng cách sử dụng các loại nước muối sinh lý dùng cho mũi trước khi dùng thuốc xịt Flixonase (vì nhày và gỉ mũi có thể ngăn thuốc tiếp xúc với niêm mạc mũi dẫn tới giảm tác dụng của thuốc)
Nếu quên dùng thuốc xịt Flixonase, dùng liều kế tiếp như bình thường, bỏ qua liều đã quên, không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.
Cần sử dụng thường xuyên để có hiệu quả một cách đầy đủ. Thông thường thuốc không giảm triệu chứng ngay lập tức. Tác dụng hoàn toàn của thuốc xịt Flixonase chỉ có thể đạt được sau vài ngày điều trị (3 – 4 ngày). Không nên tự dừng thuốc khi triệu chứng đã cải thiện (trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ) vì triệu chứng có thể tái phát trở lại.
Một số tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng thuốc trị Viêm mũi dị ứng Flixonase là mùi, vị gây khó chịu, khô mũi, khô họng. Một số người có thể gặp kích thích mũi họng, chảy máu cam, đặc biệt trong mùa đông hoặc trong môi trường độ ẩm không khí thấp và khi sử dụng liều quá cao. Để hạn chế tình trạng này bạn có thể sử dụng các loại gel xịt mũi giữ ẩm. Trong một số trường hợp có thể cần điều chỉnh giảm liều thuốc.
Thông báo ngay cho bác sĩ khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nào trong lúc dùng thuốc hoặc có các dấu hiệu của dị ứng nghiêm trọng sưng mặt, môi, lưỡi, khò khè, khó thở, phát ban...