1. Nguyên nhân gây Viêm mũi dị ứng cho trẻ nhỏ
Viêm mũi Dị ứng là căn bệnh thường gặp ở trẻ, đây là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm do Dị ứng với các tác nhân bên trong và ngoài cơ thể. Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng histamin, gây ngứa, sưng và tích tụ chất lỏng ở bên trong mũi.
Nguyên nhân trẻ bị Viêm mũi dị ứng có thể là do:
- Tác nhân do môi trường: các tác nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em tồn tại trong môi trường, trong nguồn không khí hàng ngày trẻ hít phải, như mạt bụi nhà, nấm mốc, con gián, lông vật nuôi, các hạt phấn hoa, các loại cỏ dại, mỹ phẩm, chất tẩy rửa,... gây kích thích niêm mạc hốc mũi, tạo điều kiện để viêm mũi dị ứng xuất hiện.
- Các yếu tố nguy cơ: cơ địa trẻ vốn nhạy cảm với dị ứng nguyên, gia đình có bố hoặc mẹ thường bị dị ứng hoặc trong phả hệ có người bị dị ứng, trẻ hay tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, như hít phải bụi nhà, lông chó mèo, phấn hoa, mỹ phẩm như nước hoa, phấn rôm, mùi thơm từ nước giặt, xả quần áo.
- Bất thường giải phẫu về hốc mũi: Vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, quá phát VA vòm, VA vòi cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng ở trẻ em.
2. Biến chứng của viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng ở trẻ thường sẽ xuất hiện triệu chứng như:
- Hắt hơi nhiều, Ngứa mũi, sổ mũi nước trong và nghẹt mũi.
- Viêm mũi dị ứng ở trẻ thường kèm theo tình trạng Ngứa mắt, chảy nước mắt (viêm kết mạc đáp ứng với Tình trạng viêm mũi).
Mặc dù viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại làm cho trẻ cảm thấy rất khó chịu. Hơn nữa, nếu không được điều trị hợp lý và dứt điểm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cho trẻ như:
- Khiến các bé khó chịu, mất ngủ, làm giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng đến việc khám phá thế giới xung quanh cũng như khả năng học tập.
- Viêm mũi dị ứng ở trẻ em nếu không điều trị tốt và kịp thời thì có thể sẽ dẫn đến các bệnh như viêm tai giữa, viêm xoang, khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
- Khoảng 40-50 % trẻ bị viêm mũi dị ứng có thể gây ra những bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn, hay Viêm da cơ địa.
3. Chăm sóc và điều trị viêm mũi dị ứng
- Mục tiêu điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em là làm giảm các triệu chứng xuống mức tối thiểu và lựa chọn các thuốc vừa hiệu quả vừa ít có tác dụng phụ độc hại. Tuy nhiên, khi sử dụng bố mẹ nên chú ý một số điều sau:
- Một số loại thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi có chứa Oxymethazoline hoặc Xylomethazoline (thường dành cho các bé trên 6 tuổi) chỉ có thể xài ngắn trong khoảng 3-5 ngày mà thôi, nếu xài kéo dài sẽ dẫn tình trạng phản ứng dội là nghẹt mũi nặng thêm.
- Một số loại thuốc xịt mũi có chứa corticoid, đây là loại thuốc chính để điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em, tuy nhiên, cần phải sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để không bị tác dụng phụ và hiệu quả tốt nhất
- Bên cạnh đó, cần tìm hiểu nguyên nhân dị ứng cho trẻ, để hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với nguyên nhân gây dị ứng. Nếu trẻ viêm mũi dị ứng do hoa, động vật thì không trồng hoa gần nhà, không cho chó mèo vào nhà, không để trẻ trong môi trường có khói thuốc, hạn chế để trẻ đến nơi khói bụi, gió lùa, ẩm thấp,...
- Khi rửa mũi cho trẻ, phụ huynh nên rửa bằng nước muối sinh lý (khi sử dụng các dụng cụ xịt mũi, các đầu xịt phải hướng ra phía ngoài để tránh làm tổn thương vách mũi). Tiến hành vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế,... để hạn chế ký sinh trùng tồn tại và phát triển.
- Giữ cho nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ và tránh ẩm ướt nhằm hạn chế nấm mốc phát triển.
- Sử dụng khẩu trang thích hợp cho trẻ khi tham gia lưu thông trên đường để giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nói chung và ô nhiễm bụi mịn nói riêng.
- Điều trị các bệnh nền nếu có như: trào ngược dạ dày thực quản, suy giảm miễn dịch... Hoặc các bất thường về giải phẫu mũi xoang nếu có.
Trong trường hợp nhận thấy triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em xuất hiện kéo dài mà bố mẹ không rõ nguyên nhân thì nên đưa đi thăm khám ở bệnh viện hoặc phòng khám bác sĩ chuyên về Nhi khoa hoặc dị ứng để bé được khám kỹ lưỡng, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, tầm soát các bệnh lý dị ứng khác có thể đồng mắc và để bé được chẩn đoán đúng và điều trị theo phác đồ phù hợp. Tránh để bệnh trở nặng và diễn tiến thành các bệnh hô hấp khác, ảnh hưởng đến khả năng học tập, sinh hoạt của bé và khó khăn trong điều trị sau này.