Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

21/06/2021
Chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày là hiện tượng xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại hay bị trào ngược dạ dày, hiện tượng này có cần can thiệp không, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xảy ra khi thức ăn trong dạ dày quay ngược lại lên miệng và khiến đứa trẻ nôn (trớ) ra ngoài. Còn được biết dưới tên gọi khác là Trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux - GER), trào ngược dạ dày hiếm khi là tình huống nghiêm trọng, và sẽ tự hết dần khi đứa trẻ lớn lên, tuy nhiên nếu trẻ đã trên 18 tháng mà vẫn bị là bất thường.

Trào ngược dạ dày có thể xuất hiện nhiều lần trong ngày ở trẻ khỏe mạnh. Nếu đứa trẻ vẫn hoàn toàn bình thường, ăn ngủ, chơi đùa và phát triển tốt thì trào ngược dạ dày không có gì cần bận tâm.

Trào ngược dạ dày, dù hiếm, vẫn có thể là một dấu hiệu của bệnh lí, chẳng hạn như dị ứng, bất lưu thông đường tiêu hóa hoặc bệnh Trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD).

2. Triệu chứng của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường không cần lo lắng, bởi lượng acid dạ dày ở độ tuổi này chưa đủ để kích thích hầu họng hay thực quản, và do đó sẽ không gây ra dấu hiệu hay triệu chứng nào.

Hãy đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ nếu:

  • Trẻ không tăng cân.
  • Trẻ liên tục nôn vọt, nghĩa là nôn với lực mạnh, nôn hết tất cả mọi thứ.
  • Trẻ nôn ra dịch có màu xanh hoặc vàng.
  • Trẻ nôn ra máu hoặc chất nôn có màu cà phê.
  • Trẻ bỏ ăn.
  • Phân trẻ có máu.
  • Trẻ khó thở hoặc Ho dai dẳng
  • Nôn trớ mới xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
  • Trẻ quấy khóc, khó chịu bất thường sau khi ăn.

Một số biểu hiện trên có thể là dấu hiệu của bệnh lí nghiêm trọng (nhưng có thể điều trị được), như bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc bất lưu thông đường tiêu hóa.

3. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vòng cơ ở giao điểm giữa thực quản và dạ dày - cơ thắt thực quản dưới (lower esophageal sphincter - LES) chưa trưởng thành (chưa phát triển đầy đủ). Điều đó khiến cho thức ăn có thể quay ngược lại lên miệng. Khi cơ thắt thực quản dưới đủ trưởng thành, nó sẽ chỉ mở ra khi trẻ nuốt và duy trì đóng chặt ở những lúc còn lại, chấm dứt hiện tượng trào ngược.Trên thực tế, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là vô cùng phổ biến và hầu như không thể phòng tránh được, bởi những yếu tố sau:

  • Trẻ ở tư thế nằm với phần lớn thời gian trong ngày.
Chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh - ảnh 1
Trẻ ở tư thế nằm với phần lớn thời gian trong ngày gây trào ngược dạ dày
  • Chế độ ăn gần như hoàn toàn là thức ăn lỏng.
  • Trẻ sinh non, sinh thiếu tháng.

Ở một số trường hợp, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do những nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây ra, chẳng hạn như:

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: trong bệnh lý này, thành phần luồng trào ngược có đủ acid để kích thích và gây tổn hại niêm mạc thực quản.
  • Hẹp môn vị: phần nối tiếp giữa dạ dày và tá tràng bị hẹp, khiến cho dạ dày khó đẩy thức ăn đi tiếp xuống ruột.
  • Bất dung nạp thức ăn: thành phần protein trong sữa bò là nguyên nhân gây kích thích phổ biến nhất.
  • Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: một loại bạch cầu trong máu (bạch cầu ái toan) tăng số lượng và gây tổn thương niêm mạc thực quản.

4. Biến chứng của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường tự hết mà không gây ra bất kì vấn đề nào.

Nếu trẻ mắc phải tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thì trẻ có thể có biểu hiện của chậm phát triển. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu trẻ nhỏ thường xuyên nôn trớ thì tình trạng sẽ dễ phát triển thành bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi lớn lên.

5. Chẩn đoán trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bác sĩ sẽ hỏi cha mẹ về triệu chứng của trẻ, đồng thời tiến hành thăm khám lâm sàng. Nếu trẻ khỏe mạnh, tăng trưởng đều đặn và đạt tiêu chuẩn, thì những khám xét sâu hơn thường sẽ không cần thiết.

Trong trường hợp cần khám xét sâu hơn, bác sĩ có thể chỉ định những kĩ thuật và Xét nghiệm sau:

  • Siêu âm: phương pháp này giúp phát hiện tình trạng Hẹp môn vị ở trẻ.
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu: Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp định hướng hoặc nhận diện các nguyên nhân gây ra tình trạng nôn tái diễn và chậm tăng cân.
  • Đo pH thực quản: để đo mức độ acid ở thực quản trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ vào thực quản trẻ qua đường miệng hoặc mũi. Ống này được nối với thiết bị đo nồng độ acid. Trẻ có thể cần phải nhập viện để chuẩn bị cho việc thực hiện kĩ thuật này.
  • Chụp Xquang: những hình ảnh thu được sau khi chụp Xquang có thể giúp phát hiện các bất thường trong ống tiêu hóa, chẳng hạn như tắc nghẽn ống tiêu hóa. Trước khi chụp Xquang trẻ có thể cần uống thuốc cản quang (barium).
  • Nội soi đường tiêu hóa trên: một ống nội soi mềm (trang bị camera và nguồn sáng) sẽ đưa từ miệng xuống thực quản, dạ dày và phần đầu tiểu tràng của trẻ. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ có thể lấy các mẫu mô để làm xét nghiệm. Đối với trẻ nhỏ, quá trình Nội soi đường tiêu hóa trên thường được tiến hành sau khi đã gây mê.

6. Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường sẽ tự hết, tuy nhiên để giảm bớt trào ngược bác sĩ có thể khuyến cáo:

  • Cho trẻ ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn số lượng ít hơn.
  • Tạm ngừng giữa bữa ăn để trẻ ợ hơi.
  • Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng từ 20 - 30 phút sau khi ăn.
  • Loại bỏ các sản phẩm từ sữa, thịt bò hoặc trứng khỏi chế độ ăn của người mẹ đang cho con bú, để kiểm tra xem trẻ có bị Dị ứng gì không.
  • Nếu trẻ đang ăn sữa công thức, hãy thử đổi loại sữa.
  • Thay đổi kích thước núm vú của bình sữa cho phù hợp với trẻ.
Chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh - ảnh 2
Thay đổi kích thước núm vú của bình sữa cho phù hợp với trẻ

6.1 Thuốc

Sử dụng thuốc đối với trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được khuyến cáo, trừ trường hợp trào ngược có biến chứng, bởi thuốc có thể cản trở hấp thu sắt và calci, dẫn tới tăng nguy cơ của một số nhiễm khuẩn Hô hấp và tiêu hóa.

Thuốc giảm tiết acid có thể sử dụng trong thời gian ngắn nếu trẻ:

  • Chậm phát triển.
  • Bỏ ăn.
  • Có bằng chứng viêm thực quản.
  • Bị hen mạn tính.

6.2 Phẫu thuật

Rất hiếm khi cần đến phẫu thuật để giải quyết tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trừ khi trào ngược rất nghiêm trọng khiến trẻ không phát triển hoặc gây ảnh hưởng tới hô hấp của trẻ.