Chụp X-quang cản quang đường tiêu hóa trên là phương pháp Chẩn đoán hình ảnh học để đánh giá cấu trúc giải phẫu của đường tiêu hóa trên. Thực quản, dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột) sẽ được làm nổi rõ lên trên phim X-quang nhờ có chất cản quang. Chất cản quang này có thể là dung dịch barit hay chất tương phản hoà tan trong nước. Nếu chỉ dùng chất cản quang để đánh giá vùng hầu họng và thực quản thì quá trình này được gọi là nuốt barit. X-quang dùng chùm năng lượng điện vô hình để tạo ra hình ảnh mô trong các cơ quan nội tạng, xương hay cơ quan trên phim. X-quang mà một thủ thuật dùng tia X để tái tạo lại hình ảnh các cơ quan trong cơ thể giúp cho bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh. Khi chụp, tia X sẽ đi xuyên qua cơ thể bạn và đập vào một tấm chắn đằng sau bạn từ đó cho ra hình ảnh.
2. Khi nào bạn nên thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang?
Chụp X-quang có cản quang đường tiêu hóa trên được thực hiện trong khi tìm ra một số nguyên nhân sau:
- Tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng về đường tiêu hoá như: Khó nuốt, nôn mửa, ợ, khó tiêu...
- Tìm ra chỗ hẹp ở đường ruột phía trên do viêm loét, khối u, hẹp môn vị...
- Tìm ra khu vực bị viêm ruột, hội chứng kém hấp thụ, các vấn đề chuyển động của ruột để đẩy thức ăn đi (rối loạn nhu động ruột)
Thông thường, người bệnh sẽ không phải làm xét nghiệm Chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang nếu bạn không có triệu chứng về tiêu hoá. Bạn nên thực hiện Xét nghiệm này nếu:
- Khó nuốt thức ăn.
- Nghi ngờ tắc nghẽn ở ruột.
- Đau bụng mà thuyên giảm hay nặng hơn trong lúc ăn.
- Ợ nóng xảy ra thường xuyên.
3. Những điều cần lưu ý khi chụp X-quang tiêu hóa có thuốc cản quang
Ngày nay nhờ sự phát triển, Nội soi được thực hiện thay thế cho Xét nghiệm chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang. Nội soi sử dụng một ống nhỏ, mềm để quan sát thực quản, dạ dày và tá tràng.
Xét nghiệm chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang:
- Không thể cho thấy kích ứng niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày) hay thực quản (viêm thực quản) hay vết loét có đường kính nhỏ hơn 0.25 inch (6 mm).
- Không thể phát hiện bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn: Helicobacter pylori (một loại vi khuẩn có thể gây ra viêm loét dạ dày).
- Khi phát hiện vấn đề nào đó bất thường, thì không thể thực hiện sinh thiết trong khi làm xét nghiệm chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang.
Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, người bệnh nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
4. Quy trình thực hiện khi chụp X-quang tiêu hóa có thuốc cản quang
4.1. Người bệnh nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang?
Người bệnh sẽ được yêu cầu chuyển sang một chế độ ăn ít chất xơ tạm thời. Bác sĩ cũng sẽ dặn người bệnh không được ăn, hay hút thuốc lá sau nửa đêm vào đêm trước ngày thực hiện xét nghiệm này.
Trước khi thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang, người bệnh sẽ phải mặc một áo choàng của bệnh viện và được dặn tháo tất cả trang sức kể cả khuyên ngực, khuyên rốn, răng giả, kẹp tóc hay những vật dụng khác có thể xuất hiện trên phim X-quang nếu không được cởi bỏ.
Người bệnh hãy hỏi nhân viên y tế có cần thay đổi liều thuốc của những thuốc đang uống. Thông thường có thể tiếp tục uống thuốc như bình thường. Không nên tự thay đổi liều thuốc mà không báo cho nhân viên y tế.
Người bệnh sẽ được yêu cầu gỡ bỏ trang sức trên cổ, ngực hay bụng trước khi xét nghiệm.
4.2. Quy trình thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang như thế nào?
Người bệnh sẽ thực hiện xét nghiệm chụp X-quang trước khi uống hợp chất bari. Sau đó sẽ nuốt hợp chất này nhiều lần trong lúc chụp X-quang sau đó. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ cho biết khi nào uống và uống nước với lượng bao nhiêu. Thông thường, người bệnh có thể sẽ phải uống 1 ly (240 ml) hay 2.5 ly (600 ml) hợp chất bari trong suốt quá trình xét nghiệm.
Bác sĩ quang tuyến nhìn xem lượng bari chảy xuống đường tiêu hoá bằng cách sử dụng hình ảnh huỳnh quang và tia X-quang. Giường người bệnh đang nằm sẽ được thay đổi vị trí và người bệnh cũng sẽ thay đổi vị trí để cho bari chảy xuống cơ thể. Có thể kỹ thuật viên sẽ đè nhẹ lên bụng người bệnh bằng một thắt lưng hay bằng tay của kỹ thuật viên. Người bệnh có thể sẽ được yêu cầu Ho để bác sĩ chẩn đoán hình ảnh quan sát dòng chảy của bari.
Nếu sử dụng chất tương phản khí, người bệnh sẽ uống ngụm chất lỏng bari bằng ống hút với thuốc tạo khí trong dạ dày. Nhờ lượng khí này mà bác sĩ có thể thấy các niêm mạc dạ dày và ruột một cách chi tiết hơn.
Nếu người bệnh có xét nghiệm ở ruột non, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ nhìn dòng chảy bari qua ruột non xuống ruột già. Hình ảnh X-quang được lấy trong 30 phút.
Quá trình xét nghiệm sẽ mất khoảng 30 – 40 phút. Nếu xét nghiệm thêm cả ruột non thì sẽ kéo dài từ 2 – 6 tiếng. Trong vài trường hợp, người bệnh được yêu cầu quay lại sau 24 giờ để lấy thêm hình ảnh X-quang.
4.3. Người bệnh nên làm gì sau khi thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang?
Khi thực hiện xong, người bệnh có thể ăn hay uống những thứ theo sở thích, trừ khi bác sĩ khuyến cáo không nên ăn. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được cho uống thuốc nhuận tràng hay thuốc xổ để thải bari ra khỏi ruột sau khi xét nghiệm để ngăn ngừa táo bón. Uống nhiều nước trong vài ngày để thải barít ra.
Nếu người bệnh có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
5. Chụp X-quang đường tiêu hóa dưới (khung đại tràng) có cản quang
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đại tràng tiến triển theo thời gian, khiến vai trò và số lượng chụp X - quang đại tràng cản quang ngày càng giảm . Tuy vậy, chụp đại tràng cản quang vẫn được sử dụng ở các khoa chẩn đoán hình ảnh có truyền thống trên thế giới để đảm bảo bệnh nhân nhận được dịch vụ chẩn đoán và điều trị chất lượng cao.
5.1. Chỉ định và kỹ thuật chụp cơ bản
Có hai kỹ thuật chủ yếu chụp đại trực tràng thụt baryt là cản quang đơn (single contrast) và cản quang kép (double contrast) để bộc lộ các tổn thương niêm mạc, tổn thương trong thành đại tràng và tổn thương đè ép từ ngoài. Chụp cản quang đơn thường được dùng để đánh giá tắc đại tràng, rò đại tràng, chụp cho người già, bệnh nhân nặng hoặc yếu sức. Chụp cản quang kép thường được dùng để phát hiện các tổn thương nhỏ (<1cm), các bệnh viêm ruột, và đánh giá chi tiết hình ảnh trực tràng.
Chuẩn bị bệnh nhân làm sạch đại tràng và tư thế chụp có vai trò quyết định tới chất lượng phim chụp.
5. 2. Giải phẫu xquang bình thường
Đại tràng là phần cuối cùng của ống tiêu hoá, dài 1,4 m tới 1,8 m, gồm có: manh tràng và ruột thừa ở hố chậu phải, tiếp theo là đại tràng lên đi sát thành bụng phải tới mặt dưới gan phải, đại tràng ngang quặt ngang sang trái tới lách, đại tràng xuống đi dọc thành bụng trái tới hố chậu trái, đại tràng sigma đi tới chậu hông bé, trực tràng đứng thẳng giữa trước xương cùng. Đại tràng có hai chỗ gấp khúc là: góc đại tràng phải hay góc gan và góc đại tràng trái hay góc lách. Đại tràng lên và đại tràng xuống tương đối cố định.
Chụp X quang đại tràng dùng thuốc cản quang là phương pháp thường được bác sĩ xem xét trong chẩn đoán nhiều bệnh lý đại tràng, trong đó có ung thư đại tràng. Trước khi chụp đại tràng cản quang, đại tràng cần được làm rỗng để đảm bảo hình ảnh phim chụp không bị mờ và không có sự nhầm lẫn giữa các tổn thương ở đại tràng. Ngoài ra, để kết quả chụp chính xác nhất, người khám cũng nên áp dụng chế độ ăn đặc biệt đó là chế độ ăn không gây tồn đọng trước 2 ngày, đồ ăn không nhiều xơ, lên men. Bệnh nhân cũng sẽ được dùng thuốc nhuận tràng và thụt tháo kĩ 2 lần trước khi làm thủ tục chụp vài giờ.
Người khám được chụp với nhiều tư thế khác nhau, hình ảnh của các đoạn đại tràng như sigma, trực tràng, góc lách trái, góc gan, manh tràng, đại tràng lên... được ghi lại để bác sĩ đánh giá tình trạng tổn thương của mỗi người.
5.3. Một số tổn thương được đánh giá trong chụp X - quang đại tràng có cản quang
Kết quả chụp X - quang đại tràng dùng thuốc cản quang có thể không phát hiện bất thường gì và bác sĩ sẽ khuyên nên chụp lại sau thời gian nhất định, tùy từng trường hợp cụ thể.
Ngoài quan sát được những tổn thương thực thể như những bất thường về kích thước (đại tràng dài, ngắn bẩm sinh), những bất thường bề mặt... chụp X quang đại tràng có thuốc cản quang có thể phát hiện các bệnh lý như:
Phình đại tràng
Phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung) là bệnh lý gây Táo bón mạn tính ở trẻ em do vô hạch đại tràng. Hình ảnh qua chụp X quang đại tràng dùng thuốc cản quang bằng baryt cho hình ảnh đại tràng sigma giãn to, trực tràng teo nhỏ, đại tràng dài ra, thuốc ngấm không đều ở đoạn vô hạch.
Tổn thương polyp
Các polyp giống như mụn thịt nhỏ, phát triển từ lớp niêm mạc của ruột và nhô ra vào trong lòng ruột hay đôi khi mọc trên cuống. Một số khối polyp có thể phẳng, một số người có vài polyp nằm rải rác ở các phần khác nhau của đại tràng... Các polyp đại tràng có thể là polyp tăng sản, polyp u tuyến hay polyp mô thừa. Trong đó polyp u tuyến được cho là tiền thân của ung thư đại trực tràng.
Tăng sản lympho
Cho hình ảnh các nốt đường kính nhỏ, cỡ chỉ 1 – 3mm của các nang lympho đặc trưng bằng các khuyết sáng hay thấy ở đoạn cuối hồi tràng và manh tràng.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng phổ biến. Hình ảnh chụp X quang đại tràng dùng thuốc cản quang có thể thất đại tràng hình ống, ổ loét, giả polyp...
Chụp X-quang đường tiêu hóa có thuốc cản quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh để đánh giá cấu trúc giải phẫu của đường tiêu hóa. Vì thế bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế uy tín có đủ hệ thống máy móc y tế hiện đại để thực hiện kỹ thuật này.