1. Tại sao hết tổn thương ở da rồi mà vẫn còn đau?
Virus Herpes zoster có cấu tạo protein đặc biệt làm cho nó dễ dàng gắn vào đầu dây thần kinh cảm giác dưới da. Đặc tính biến đổi của loại protein của virus này tạo nên đặc tính khác biệt với các loại virus khác là nó xâm nhập và di chuyển dọc theo hệ thần kinh và sử dụng tổ chức thần kinh như một ngôi nhà, trú ngụ trong đó và gây nên tổn thương hệ Thần kinh nghiêm trọng nếu như không được điều trị đúng, kịp thời.
Bệnh Zona thần kinh là bệnh do virus Herpes zoster gây ra, đây cũng chính là loại virus gây bệnh thủy đậu. Khi có điều kiện hoạt động, đặc biệt với người già, người có suy giảm sức đề kháng, người hay bị stress hay làm việc lao động quá sức, virus này đang ẩn sẵn ở hạch thần kinh đi ra từ sừng sau tủy sống trở lên hoạt động gây nên tổn thương ở da, đồng thời dây thần kinh cảm giác dưới da cũng bị tổn thương. Biểu hiện là tình trạng nổi đỏ, ngứa, đau nhức, mủ trắng (nếu như có bội nhiễm vi khuẩn). Bệnh rất dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh "giời leo", “kiến ba khoang” hay một số loại côn trùng khác gây ra. Do sự nhận biết sai về biểu hiện bệnh mà rất nhiều người đã phải chịu đựng những cơn đau thần kinh khủng khiếp là hậu quả của việc không có biện pháp phòng ngừa đau mãn tính nguyên nhân thần kinh sau nhiễm virus Herpes một cách kịp thời.
Cũng như các loại virus khác, nếu không bị bội nhiễm vi khuẩn thì sau 7 - 10 ngày, các biểu hiện ở da sẽ hết dù có điều trị hay không điều trị đặc hiệu bằng thuốc chống virus.
Tuy nhiên, sự khác biệt là tổn thương để lại trên hệ thần kinh là vô cùng nghiêm trọng và rất khó kiểm soát về sau. Vì vậy, khi da đã lành mà người bệnh đau là điều đáng nhấn mạnh và quan tâm đúng mức ở căn bệnh này. Đau dai dẳng do Zona kéo dài đến 3 tháng sau khi lành vết thương da. Tình trạng đau mãn tính xuất hiện từ 3 tháng trở đi, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau đó nếu như không được can thiệp kịp thời.
Nếu đau dai dẳng không được kiểm soát tốt thì nguy cơ đau mãn tính là rất cao. Và lúc này, việc điều trị đau mãn tính sau Zona là một thách thức với y học hiện nay ngay cả các nước có nền y học hiện đại như Mỹ, Thụy Sỹ, Nhật, Hàn Quốc...
2. Các biểu hiện đau của bệnh zona thần kinh
Nhận biết được tình trạng đau zona dai dẳng, hay nguy cơ đau dai dẳng/ đau mãn tính là vô cùng quan trọng. Trên cơ sở đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ kịp thời để tìm ra phương pháp hạn chế tối đa nguy cơ đau mãn tính.
- Đau ngay tại vùng da tổn thương lành Sẹo một cách tự phát, đau một bên cơ thể.
- Đau dữ dội với cả một kích thích bình thường như sờ chạm nhẹ, gió thổi qua, áo chạm vào, tắm,
- Đau xuất hiện bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng đau nhiều hơn về ban đêm.
- Đau được mô Tả như điện giật, như dao cứa, như súng bắn, như kiến đốt...
- Đau khiến không ngủ được, hay bị đánh thức giữa chừng giấc ngủ, làm cho người bệnh vô cùng mệt mỏi, chán nản suốt cả ngày.
- Đôi khi đau có tính chất di chuyển sang vùng không tương ứng với tổn thương da trước đó.
Với thang điểm đau dựa vào nét mặt hay cường độ đau tình theo thang điểm 10.
Ngoài ra, các bác sĩ còn có các thang điểm khác nhằm đánh giá mức đau mãn tính, từ đó có thể nghĩ đến nguyên nhân của đau.
- Trong giai đoạn cấp tính của zona: Nếu đau > 6 điểm không được kiểm soát tốt với các thuốc điều trị đau thông thường thì nguy cơ kế tiếp là đau dai dẳng và lâu hơn nữa là đau mãn tính.
- Đau mãn tính do Zona, xuất hiện sau 3 tháng tính từ đợt Zona cấp.
- Đau Zona phối hợp với một loại đau mãn tính sẵn có như đau lưng, đau khớp, đau đầu...., đặc biệt ở người cao tuổi thì nguy cơ và mức độ đau mãn tính nặng sẽ tăng hơn so với người trẻ và người không có đau mãn tính. Khi đó, giải quyết được cơn đau mãn tính do zona ở người cao tuổi là một bài toán nan giải, thậm chí phải chung sống với bệnh. Chất lượng cuộc sống của người bệnh bị đau mãn tính sau zona rất thấp với mất ngủ, trầm cảm, suy nhược toàn thân mà không có thuốc nào kiểm soát được.