1. Bệnh lao hồi manh tràng là gì?
Nửa cuối ruột non được gọi là hồi tràng. Phân sẽ từ hồi tràng đổ vào manh tràng. Manh tràng là đoạn đầu của đại tràng có chiều dài khoảng 6cm cùng với chiều rộng tới 7 cm.
Lao ruột là tình trạng tổn thương đặc hiệu của ruột do vi khuẩn lao gây nên. Là một thể bệnh lao ngoài phổi. bệnh thường xuất hiện thứ phát sau khi bị mắc lao ở bộ phận khác. Bệnh có thể gặp ở cả hai giới với tỷ lệ ngang nhau ở mọi lứa tuổi. Mặc dù đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng hiện nay lao ống tiêu hóa lại có chiều hướng gia tăng trở lại.
Bệnh Lao ruột xảy ra do 2 nguyên nhân là Nguyên phát và thứ phát:
Lao ruột nguyên phát:
- Là loại lao ít gặp, nó xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hoá và khu trú ở ngay ruột, sau đó vi khuẩn lao mới xâm nhập sang các cơ quan khác.
- Vi khuẩn lao xâm nhập trực tiếp qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi và các chế phẩm từ sữa có trực khuẩn lao bò, sử dụng thức ăn và nước uống có nhiễm trực khuẩn lao.
Lao ruột thứ phát:
- Là lao ruột thường gặp sau khi bệnh nhân bị lao phổi, lao thực quản, Lao họng hầu lao màng bụng.
Hiện nay ước tính có khoảng gần 20% bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường bị nhiễm lao ruột cùng với Lao phổi tiến triển và ngược lại có khoảng 25% bệnh nhân Lao phổi cũng bị lao ống tiêu hóa.
Lao hồi manh tràng là vị trí thường gặp nhất trong lao ruột do vùng này thường xuyên bị ứ trệ, đồng thời nó là nơi trao đổi nhiều nhất về nước và điện giải làm cho phần này có sự hấp thu rất mạnh và do đó ở vùng này cũng xuất hiện nhiều tế bào lympho nhất.
2. Triệu chứng của lao hồi manh tràng
Bệnh lao ruột nói chung và lao hồi manh tràng nói riêng diễn biến khá âm thầm, dấu hiệu bệnh lao ruột thường không đặc hiệu do đó ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn đầu.
2.1 Trong thời kỳ khởi phát
Toàn thân: gầy sút, xanh xao, mệt mỏi, Sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, ...
Các biểu triệu chứng về tiêu hóa:
- Buồn nôn.
- Đau bụng: đau bụng âm ỉ, không có vị trí cố định, khi đau bụng thường mót đi ngoài,đi ngoài được thì dịu đau. Đau bụng thường có sôi bụng kèm theo
- Rối loạn đại tiện: Đại tiện phân lỏng ngày 2-3 lần, phân sền sệt, thối. Đi lỏng kéo dài, dùng các thuốc cầm ỉa không có tác dụng. Có thể xen kẽ ỉa lỏng với táo bón, có khi khỏi vài ngày lại tái phát.
Trong thời kỳ toàn phát:
Thời kỳ bệnh toàn phát biểu hiện triệu chứng khác nhau tuỳ theo thể bệnh:
Thể loét tiểu tràng, đại tràng:
- Bệnh nhân đau bụng nhiều, Sốt cao, ỉa lỏng kéo dài .
- Bụng hơi to, có nhiều hơi, sờ bụng không thấy gì đặc biệt.
- Phân loãng, mùi hôi thối, màu vàng, có lẫn mủ, nhầy và ít máu.
- Suy kiệt nhanh, xanh xao, biếng ăn. Có bệnh nhân sợ ăn vì ăn vào thì lại đau bụng, ỉa lỏng.
Thể to - hồi manh tràng:
- Bệnh nhân hết ỉa lỏng lại ỉa táo, phân lẫn máu nhầy mủ, không bao giờ phân bình thường.
- Nôn mửa và đau bụng.
- Khám hố chậu phải thấy u mềm, ấn đau di động ít.
Thể hẹp ruột:
- Sau khi ăn thấy đau bụng tăng lên .
- Đồng thời bụng nổi lên các u cục và có dấu hiệu rắn bò.
- Sau 10-15 phút nghe có tiếng hơi di động trong ruột và cảm giác hơi đi qua chỗ hẹp, có dấu hiệu Koenig.
- Khám bụng ngoài cơn đau không thấy dấu hiệu gì.
3. Điều trị lao hồi manh tràng
Việc điều trị lao hồi manh tràng tương tự như đối với bệnh lao màng bụng, lao phổi, ... là điều trị nội khoa. Điều trị nội khoa bao gồm việc dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn hợp lý (ăn đủ chất, nhất là đạm, vitamin, không nên ăn nhiều thức ăn dạng bột)
Điều trị thuốc kháng lao: chia làm 2 giai đoạn tấn công và giai đoạn củng cố, thông thường kéo dài ít nhất 6 tháng. Trước đây, các liệu pháp kháng lao được mở rộng tối đa từ 8 đến 12 tháng, nhưng thời gian gần đây, các phác đồ điều trị thuốc 6 tháng cho thấy có hiệu quả như đợt điều trị chuẩn 12 tháng. Nhiều bác sĩ vẫn kéo dài thời gian điều trị từ 12–18 tháng. Các nghiên cứu hiện nay đã cho thấy tổn thương ruột gây tắc nghẽn có thể được điều trị thành công với thuốc kháng lao mà không cần phẫu thuật.
Điều trị phẫu thuật được thực hiện để quản lý các biến chứng như tắc nghẽn, thủng (thông hoặc đường vào hoặc lỗ rò) và xuất huyết ồ ạt không đáp ứng với điều trị cổ điển. Thắt hẹp ruột được quản lý bởi phẫu thuật cắt chỗ hẹp hoặc cắt bỏ đoạn ruột. Thủng ruột được giải quyết bởi phẫu thuật cắt bỏ và khâu nối chứ không phải bằng cách khâu lỗ thủng đơn giản để tránh rò tiêu hóa. Phẫu thuật bắc cầu như nối ruột, mở thông ruột hồi – kết tràng không được khuyến khích cho các tổn thương tắc nghẽn vì chúng có thể hình thành các vòng mù dẫn đến tắc nghẽn, rò rỉ, kém hấp thu...
Tại Việt Nam, đang triển khai chương trình Phòng chống Lao quốc gia. Bệnh nhân lao hồi manh tràng nói riêng và bệnh lao nói chung nên điều trị ở những bệnh viện, những trung tâm y tế chuyên sâu về bệnh Lao, vừa giúp ích cho công tác quản lý bệnh lao và bệnh nhân cũng được hưởng những hỗ trợ từ chương trình.
Để phòng lao ruột, cần giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý, khi sử dụng các thuốc làm Suy giảm miễn dịch như corticoid cần phải theo dõi thường xuyên tình trạng miễn dịch của cơ thể. Khi có các biểu hiện bệnh, phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng, gây nguy hiểm cho cả bản thân và cộng đồng.