1. Phác đồ điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh
1.1. Kháng sinh chống nhiễm khuẩn
Lựa chọn kháng sinh
Đối với nhiễm trùng sơ sinh sớm: Dùng 2 loại kháng sinh kết hợp: Aminosid và β lactamin. Khi chưa có kết quả kháng sinh đồ có thể cho trẻ dùng Penicilin hoặc Ampicillin phối hợp với Gentamicin hoặc Amikacin.
Nếu người mẹ được sử dụng kháng sinh trước đó mà trẻ nghi ngờ nhiễm vi khuẩn kháng Ampicilin (E.coli, Enterobacter) có thể chọn: Ceftriaxone, Claforan, Imipenem phối hợp Aminosid.
Nếu nghi ngờ do tụ cầu: kết hợp 3 loại kháng sinh: Cephalosporin thế hệ 3 + Vancomycin + Aminosid.
Nếu nghi ngờ trực khuẩn Gram(-):Cephalosporin thế hệ 3 + Imipenem. Đôi khi Quinolon phối hợp Aminoside hoặc Polymyxin.
Nếu nghi ngờ vi khuẩn kỵ khí chọn Metronidazol phối hợp. Sử dụng kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 rộng rãi, kéo dài là một yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn nấm Candida. Nếu trẻ đang dùng kháng sinh kéo dài mà tình trạng lâm sàng xấu đi thì phối hợp kháng sinh chống nấm nhóm Conazol. Khi có kháng sinh đồ thì phải điều chỉnh lại kháng sinh cho phù hợp.
Liều kháng sinh thường dùng
- Ampicillin: 75mg -100mg/kg/ngày.
- Cefotaxime: 100mg - 200mg/kg/ngày.
- Ceftriaxone: 50-100mg/kg/ngày.
- Amikacin: 15mg/kg/ngày.
- Gentamycine, Kanamycin: 4-5mg/kg/ngày.
- Vancomycin: 10mg/kg/ngày.
Thời gian sử dụng kháng sinh
- Nhiễm trùng máu: 10 ngày
- Viêm màng Não mủ: 14-21 ngày
- Viêm phổi: 7-10 ngày
- Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn máu nhưng cấy máu (-) thì đề nghị sử dụng kháng sinh kết hợp kéo dài > 5 ngày
- Nếu do tụ cầu vàng: thời gian điều trị từ 3-6 tuần. Khi sử dụng nhóm Aminosid có thể gây điếc nên không dùng quá 7 ngày đối với trẻ sơ sinh, ngừng > 48 giờ có thể sử dụng đợt mới.
1.2 Vệ sinh
- Rửa tay sạch, sát khuẩn tay nhanh khi chuyển sang tiếp xúc trẻ khác.
- Thay quần áo Blue hàng ngày, có mũ, khẩu trang, găng tay khi làm thủ thuật.
- Thay chăn, ga, gối vô khuẩn, tiệt khuẩn giường, lồng ấp hàng ngày. Lau sàn nhà bằng thuốc sát khuẩn, không được quét sàn.
- Hàng tháng có lịch tổng vệ sinh tiệt khuẩn phòng, phương tiện, trang thiết bị.
- Nằm phòng riêng tránh tiếp xúc người nhà, chỉ nên thăm theo giờ.
Loại bỏ vi khuẩn:
- Với nhiễm trùng da, mụn mủ, rốn, áp xe phải cắt lọc hết tổ chức hoại tử, rửa sạch bằng nước muối sinh lý.
- Nếu có khe, hốc nhiều thì phải rửa sạch bằng oxy già, lau khô và dùng thuốc Betadine 2,5% sát trùng tại chỗ.
- Chấm xanh Methylen vào nốt mụn phỏng trên da hoặc bôi kem kháng sinh.
1.3 Liệu pháp hỗ trợ
- Cân bằng thân nhiệt
Nếu trẻ Sốt ≥ 38,5 độ C thì dùng Paracetamol: 10-15mg/kg/1 lần, không quá 4 lần / ngày.
Nếu trẻ bị hạ nhiệt độ < 36,5 độ C: Ủ ấm bằng lồng ấp.
- Cân bằng nước, điện giải, toan kiềm
Nuôi dưỡng đường miệng đầy đủ, truyền dịch phối hợp 50-100ml/kg/24 giờ.
Nếu có giảm tưới máu: dùng Dopamin 5-15μg/kg/1 phút để nâng huyết áp.
- Chống suy Hô hấp cấp
Oxy liệu pháp,thở CPAP, hô hấp hỗ trợ.
- Chống rối loạn đông máu
Plasma tươi, truyền yếu tố đông máu, Vitamin K1. Truyền khối tiểu cầu khi tiểu cầu < 50.000/mm3 mà có xuất huyết hoặc tiểu cầu < 30.000/mm3 mặc dù không có xuất huyết.
- Thay máu
Thay máu một phần trong trường hợp nhiễm trùng nặng, có tác dụng giảm độc tố và nồng độ vi khuẩn.
- Thuốc tăng cường miễn dịch
Truyền Human Immunoglobulin liều 300-500 mg/kg/ngày x 3 ngày: có tác dụng giảm tỷ lệ tử vong trẻ nhiễm trùng.
2. Cách phòng chống bệnh nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh
Để phòng tránh nhiễm trùng sau sinh hiệu quả, cần thực hiện tốt:
Phòng ngừa trước khi sinh- Bà mẹ cần tiêm chủng phòng ngừa bệnh Rubella trong độ tuổi chưa sinh nhiễm Rubella
- Tiêm phòng bệnh uốn ván, viêm gan để tránh lây vi rút cho bé qua đường máu
- Trong quá trình mang thai, mẹ nên đi khám thai định kỳ để phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm như giang mai, viêm gan B,... để có hướng giải quyết sớm mà không làm ảnh hưởng đến thai nhi.
- Khi mẹ bị các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng niệu dục, nhiễm trùng toàn thân thì phải điều trị tận gốc, tránh lây cho trẻ sau này.
- Bảo đảm cho mẹ một chế độ an toàn Dinh dưỡng khi Mang thai nhằm tăng sức đề kháng cho mẹ và bé, phòng Suy dinh dưỡng ở mẹ, phòng tránh việc Sinh non vì trẻ Sinh non rất dễ bị nhiễm trùng và tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng ở đối tượng này chiếm khoảng 12%.
Ngoài ra, mẹ cũng cần vệ sinh thân thể tốt, tránh để bị trầy xước, viêm nhiễm. Đồng thời cần xử lý những trường hợp vỡ ối sớm, tránh để chuyển dạ kéo dài.
Phòng ngừa trong lúc sinh- Các bác sĩ cần đảm bảo vô khuẩn trong ca sinh, các dụng cụ y tế khi sử dụng phải đảm bảo, tránh nhiễm trùng.
- Tránh các biến chứng sản khoa như sinh ngạt, tổn thương trong lúc sinh.
- Với những thai phụ sinh khó, quá trình chuyển dạ kéo dài, vỡ ối sớm, bác sĩ không nên thăm khám âm đạo nhiều lần.
- Biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa nhiễm trùng cho trẻ là mẹ nên rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh.
- Thường xuyên vệ sinh phòng ốc, dụng cụ tắm gội cho bé, giữ phòng thông thoáng, sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng để vi trùng không có điều kiện sinh sôi.
- Thường xuyên vệ sinh da, mắt, tai, rốn cho trẻ sạch sẽ.
Điều quan trọng nhất là nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ có chứa các kháng thể lgA có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ tránh bị nhiễm trùng và những bệnh nguy hiểm khác.
Nhiễm trùng sau sinh là căn bệnh gây tử vong cao ở trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, các bậc cha mẹ cần quan sát kỹ các biểu hiện của trẻ. Nếu có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.