Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Glucosamine là thuốc gì?, Công dụng, Tác dụng phụ, Liều lượng

09/10/2021
Glucosamine là thuốc gì?, Công dụng, Tác dụng phụ, Liều lượng

Glucosamine là một phân tử tồn tại tự nhiên trong cơ thể, nhưng đây cũng là một chất có thể bổ sung từ chế độ ăn uống hàng ngày. Glucosamine thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng rối loạn xương khớp, ngoài ra còn được ứng dụng điều trị một số bệnh viêm khác.

1. Glucosamine là thuốc gì?

Glucosamine là một thành phần thường thấy trong các chế phẩm dùng hỗ trợ điều trị bệnh lý cơ xương khớp, chủ yếu ở dạng muối như glucosamine sulfat, hydrochorid và N-acetylglucosamine. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có khi được phối hợp với nhiều thành phần khác như chondroitin, các vitamin, Dược liệu…

Ở Việt Nam, sản phẩm chứa glucosamine có thể được đăng ký dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Dạng bào chế và hàm lượng hoạt chất này trong các chế phẩm cũng rất đa dạng, thường ở dạng đường uống (như viên nang, viên nén).

Glucosamine và các muối của nó được dùng khá rộng rãi như là các sản phẩm được cấp phép hoặc chất hỗ trợ sức khỏe (health supplements) trong các bệnh viêm xương khớp. Trên thị trường có nhiều chế phẩm kết hợp glucosamine với các thành phần khác như chondroitin, các vitamin, khoáng chất và các dược liệu. Các chế phẩm glucosamine đôi khi được mua hay biếu tặng dưới dạng hàng xách tay mang từ nước ngoài về. Do phong phú về nhà sản xuất, dạng bào chế, hàm lượng của chế phẩm glucosamine, nên để đảm bảo an toàn, bạn có thể tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Glucosamine trên thị truờng có 3 dạng chính: Glucosamine sulfat, glucosamine hydrochorid và N-acetylglucosamine. Trong đó chỉ có dạng muối glucosamine sulfat được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu và được cho là mang lại tác dụng tích cực. Điều này chưa hẳn đã đúng với 2 dạng còn lại của glucosamine nên người tiêu dùng phải chú ý đến thông tin này trên nhãn của sản phẩm.

2. Glucosamine có tác dụng gì?

Glucosamine là chất chủ yếu tạo nên sụn khớp và làm tăng sản xuất chất nhầy bơi trơn khớp giúp cử động dễ dàng. Chất này được cho là tác động bằng cách kích thích sản xuất sụn, do đó khiến các khớp hồi phục, đồng thời bảo vệ sụn và ngăn không cho sụn phân hủy.

Các chế phẩm thuốc glucosamine có tác dụng giảm triệu chứng của thoái hóa khớp nhẹ và trung bình. Ngoài ra, thuốc còn được dùng cho các bệnh lý sau:

  • Viêm bàng quang kẽ
  • Viêm đường ruột
  • Đa xơ cứng, tăng nhãn áp

3. Liều dùng của thuốc Glucosamine

Liều dùng thuốc glucosamine cho người lớn là gì?

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh thoái hóa khớp, Viêm khớp dạng thấp:

  • Người lớn: bạn dùng glucosamine 500mg, 3-4 lần mỗi ngày. Liều dùng tối đa: 1500 mg/ngày.

Liều dùng thuốc glucosamine cho trẻ em là gì?

Liều dùng cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và quyết định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

4. Sử dụng Glucosamine thế nào cho đúng?

Các chế phẩm glucosamine được cung cấp với hàm lượng rất khác nhau. Trong hầu hết các nghiên cứu, người ta sử dụng tổng liều 1200 – 1500 mg glucosamine/ngày. Ngoài ra, nếu kết hợp với chondroitin thì liều được khuyên dùng là 1200mg/ngày. Một số bệnh nhân gặp tác dụng bất lợi khi dùng đường uống, nên để giảm các triệu chứng thì glucosamine nên được dùng cùng hoặc sau khi ăn.

Tại nhiều quốc gia, glucosamine được xếp vào nhóm thuốc tác dụng chậm lên triệu chứng trong viêm khớp (SYSADOA) và thuốc biến đổi bệnh viêm khớp (DMOAD). Hiện nay, glucosamine và chondroitin là hai loại SYSADOA được sử dụng phổ biến nhất để cải thiện triệu chứng viêm khớp. Do là thuốc tác động chậm, nên hiệu quả có thể sẽ phát huy sau 2-3 tháng sử dụng liên tục.

Hãy sử dụng glucosamine theo chỉ dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc nhà cung cấp. Không sử dụng nhiều sản phẩm này hơn khuyến cáo trên nhãn. Không sử dụng các công thức khác nhau của glucosamine cùng một lúc mà không có lời khuyên của bác sĩ.

Sử dụng các chế phẩm chứa glucosamine khác nhau cùng lúc làm tăng nguy cơ quá liều glucosamine. Glucosamine có thể gây ra kết quả bất thường về Xét nghiệm đường huyết. Nếu bạn bị đái tháo đường, bạn không sử dụng sản phẩm này mà không có lời khuyên của bác sĩ.

5. Bạn có thể gặp tác dụng phụ gì khi dùng thuốc glucosamine?

Hoạt chất này không gây ra nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như các thuốc kháng viêm khác. Tác dụng phụ có thể gặp phải thường nhẹ và thoáng quá. Hiếm khi xảy ra phản ứng không mong muốn như:

  • Khó chịu ở dạ dày
  • Buồn nôn
  • Ăn khó tiêu
  • Tiêu chảy

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

6. Tương tác thuốc

6.1. Thuốc glucosamine có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với glucosamine là:

  • Thuốc lợi tiểu
  • Heparin

6.2. Thuốc glucosamine có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

6.3. Tình trạng sức khỏe nào có thể ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

7. Glucosamine an toàn nhưng không có nghĩa vô hại

 

Các nghiên cứu cho thấy glucosamine thường được dung nạp tốt và khá an toàn, nhưng nó cũng có thể gây ra các phản ứng bất lợi. Khi dùng đường uống, các tác dụng bất lợi thường gặp nhất của glucosamine bao gồm buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy, Táo bón và đau/nhạy cảm ở thượng vị; các triệu chứng có thể giảm nếu glucosamin được dùng cùng hoặc sau khi ăn. Các tác dụng bất lợi khác bao gồm đau đầu, ngủ gà và mất ngủ, phản ứng trên da như đỏ da và ngứa. Một số báo cáo nghiêm trọng, đáng chú ý liên quan đến glucosamine đã được ghi nhận, đặc biệt là phản ứng phản vệ, Sốc phản vệ và trụy tuần hoàn, độc tính trên gan, tăng men gan, tăng glucose máu.

Tóm lại, khi sử dụng glucosamine ta cần phải chú ý đến các thông tin về dạng bào chế, về hàm lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Việc dùng glucosamine đủ liều và đủ thời gian cũng rất quan trọng để có thể đem lại những biến chuyển tốt. Khi sử dụng các chế phẩm có chứa glucosamine, chúng ta cũng nên cân nhắc tất cả các yếu tố, nhất là giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả chữa bệnh của glucosamine. Cần nhắc lại rằng, tại nước ta, glucosamine được xem là thuốc điều trị. Do đó bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.