Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Ho ra máu: Nguyên nhân và Cách xử trí

28/06/2021
Ho ra máu: Nguyên nhân và Cách xử trí

Ho ra máu là một triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý đường hô hấp. Bệnh có xu hướng tái phát nếu không được điều trị triệt để. Ho ra máu nặng được xem là một cấp cứu nội khoa, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

1. Biểu hiện của Ho ra máu

Trước khi ho ra máu, người bệnh thường có các dấu hiệu báo trước bao gồm cảm giác khó chịu, hồi hộp, nóng lan ra sau xương ức, cảm giác ngực bị đè nặng, khó thở. Ngay trước khi Ho ra máu, người bệnh bị lợm giọng, Ngứa cổ họng, cảm giác có vị tanh ở miệng.

Bệnh nhân Ho ra máu ban đầu máu có màu đỏ tươi, có bọt lẫn đờm (chứng tỏ máu ra từ phế quản), sau đó theo thời gian ho máu chuyển dần sang sẫm màu. Số lượng máu ra trung bình từ vài chục đến vài trăm ml. Lượng máu ho ra trên 200ml được xem là ho nhiều máu. Máu ho ra có thể đông lại trong đường hô hấp, gây bít tắc các phế quản làm cho bệnh nhân giãy giụa, nghẹt thở.

Thời gian Ho ra máu có thể từ một vài giờ đến nhiều ngày. Máu sẽ ra nhiều trong những ngày đầu, sau đó giảm dần theo thời gian có thể quan sát được bằng màu sắc của máu. Máu màu nâu, xám, bã đậu là dấu hiệu sắp kết thúc đợt ho.

Khám lâm sàng thấy bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến bệnh lý phổi, phế quản (sốt, khó thở, đau ngực,...).

2. Nguyên nhân khiến ho ra máu

Ho ra máu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Các bệnh lý thường gặp khi bị ho ra máu là:

  • Lao phổi: Ho ra máu là dấu hiệu của bệnh Lao phổi chưa được chẩn đoán. Là hậu quả của bệnh đã được ủ trong thời gian dài.
  • Giãn phế quản: Bệnh nhân ho, khạc đờm thường xuyên, kéo dài
  • Ung thư phế quản - phổi

Ngoài ra, một số bệnh khác cũng có dấu hiệu ho ra máu tươi:

  • Bệnh về phế quản: Viêm phế quản cấp và mạn tính; hen phế quản
  • Bệnh lý về phổi: Viêm phổi, nấm phổi, áp xe phổi, tắc mạch phổi
  • Bệnh lý tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim
  • Bệnh lý toàn thân: Nhiễm khuẩn huyết, thiếu vitamin C
  • Nguyên nhân ngoại khoa: Chấn thương, đụng dập lồng ngực, gãy xương sườn
Ho ra máu: Nguyên nhân và Cách xử trí - ảnh 1
Ho ra máu có thể do nhiều bệnh nguy hiểm xuất phát từ phổi

3. Ho ra máu nguy hiểm như thế nào?

Ho ra máu tươi có tính chất ồ ạt, máu tuôn ra đột ngột với số lượng lớn không cầm được gây ảnh hưởng đến toàn bộ huyết động, rất dễ gây trụy tuần hoàn. Bệnh nhân có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, hạ huyết áp, suy Hô hấp cấp.

Tùy thuộc mức độ ho ra máu và tình trạng bệnh, bệnh nhân có nhịp thở nhanh, tím môi và đầu chi. Nếu không được nhập viện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Người bệnh bị ho ra máu nhiều có thể gây sốc do hạ huyết áp, sốc mất máu.

Ho ra máu cũng cảnh báo nhiều loại bệnh nguy hiểm như lao phổi, ung thư phổi, ung thư phế quản,...

4. Xử trí khi bị ho ra máu Ho ra máu: Nguyên nhân và Cách xử trí - ảnh 2

Bệnh nhân ho ra máu từ 50ml trở lên cần được đưa đến bệnh viện để điều trị

Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, nguyên nhân gây ho ra máu mà người bệnh có thể lựa chọn điều trị tại nhà hay đến bệnh viện.

  • Ho ra máu nhẹ:

Lượng máu ho ra < 50ml/ngày. Máu ho ra chỉ thành vệt, lẫn trong đờm hoặc chỉ ho ra vài ngụm máu nhỏ.

Trong trường hợp này, việc cần thực hiện là cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các thuốc an thần cầm máu, giảm ho, ăn lỏng (sữa, súp) hoặc nửa lỏng (cháo, mì, miến, phở...). Không cho người bệnh ăn các thức ăn khó tiêu, không uống các đồ uống có chứa cồn hoặc chất kích thích.

Nếu bệnh nhân cầm được máu và ổn định trở lại thì vẫn cần đi khám sức khỏe để xác định nguyên nhân gây ra ho ra máu để điều trị triệt để. Nếu ho ra máu nhiều hơn hoặc ra máu dai dẳng phải đến điều trị tại bệnh viện.

  • Ho ra máu trung bình:

Lượng máu ho ra từ 50 - 200 ml/ngày. Bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để điều trị triệt để.

  • Ho ra máu nặng:

Lượng máu ho ra > 200ml/ngày. Bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi lâu dài tại bệnh viện. Nếu mất máu nhiều cần thiết phải truyền máu bổ sung.

Ho ra máu là một tình trạng bệnh lý đáng lo của cơ thể, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vì vậy cần phải có biện pháp phòng ngừa tình trạng này một cách chủ động, hợp lý bằng cách tránh hút thuốc lá, điều trị huyết áp, điều trị triệt để các bệnh về hô hấp,...

Nếu thấy có dấu hiệu ho ra máu, bệnh nhân nên đi khám tại bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh, từ đó quyết định phương pháp điều trị cụ thể.