Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Hướng dẫn cách dưỡng ẩm cho người viêm da cơ địa

10/12/2020
Hướng dẫn cách dưỡng ẩm cho người viêm da cơ địa

Dưỡng ẩm tốt sẽ giúp cải thiện các triệu chứng khô và Ngứa da, phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da, giúp làm giảm thời gian và mức độ sử dụng corticoid. Vậy, bài viết Hướng dẫn cách dưỡng ẩm cho người viêm da cơ địa

1. Viêm da cơ địa là bệnh gì?

Viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào nhưng thường gặp là vùng bàn tay và các nếp gấp (gấp khoeo chân, gấp khuỷu tay...). Các triệu chứng rầm rộ từng đợt rồi thuyên giảm và sau một thời gian sẽ lặp lại. Chính vì vậy, bệnh lý này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm người bệnh mệt mỏi và khó chịu.

Viêm da cơ địa thường tiến triển thành từng đợt, trong đợt cấp tính, người bệnh thấy một vùng da nổi mẩn đỏ và ngứa. Mức độ Ngứa đôi khi rất nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Khi bệnh lui dần, vùng da sẽ chuyển sang màu nâu, xám, hoặc để lại các mảng dày da do chà xát nhiều.

Do ngứa nhiều người bệnh phải gãi, vùng da bệnh rất dễ bị trầy xước, có thể bị nhiễm trùng, tổn thương sẽ sưng viêm, tiết mủ đục, có mùi hôi. Tình trạng ngứa mạn tính và việc chà xát kéo dài sẽ khiến da dày lên. Đặc điểm da của người bệnh viêm da cơ địa thường khô, nứt nẻ.

2. Các dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa ở người lớn có một số dấu hiệu giống với nhiều bệnh ngoài da khác. Tuy nhiên, tình trạng bệnh cũng có những đặc điểm riêng biệt, không nhầm lẫn. Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn chủ yếu gây ra các dấu hiệu như:

  • Dày da, thâm da, dấu hiệu liken hoá do viêm da mãn tính.
  • Xuất hiện các đợt ngứa xuyên suốt và kéo dài trong thời gian bùng phát bệnh.
  • Bệnh nhân có thể có các mảng đỏ lan rộng trên da, đôi khi những mảng này không có ranh giới rõ ràng.
  • Đôi khi trên da của bệnh nhân có các đám ban đỏ hình tròn.
  • Da có thể bị khô và bong tróc.
  • Một số trường hợp còn có thể viêm, có mụn nước, chảy dịch.

Vị trí chủ yếu xuất hiện thương tổn thường khu trú ở những vùng da như khoeo chân, khuỷu tay, có thể xuất hiện đối xứng. Ngoài các dấu hiệu ngoài da, bệnh nhân thường kèm theo bị các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, dị ứng thời tiết, Dị ứng thức ăn.

3. Vai trò của dưỡng ẩm trong điều trị viêm da cơ địa 

3.1. Dưỡng ẩm là gì?

Chất dưỡng ẩm là những chất có tác dụng giúp duy trì độ ẩm cho da thông qua khả năng ngăn cản sự Mất nước qua da và/ hoặc phục hồi các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên và lipid sinh lý bình thường của da.

Cơ chế hoạt động của chất dưỡng ẩm là tạo ra một hàng rào bảo vệ ngăn cách giữa da và môi trường, làm giảm sự thoát hơi nước qua da, đồng thời cho phép da tái hồi phục nước thông qua khả năng thẩm thấu nước từ các lớp phía trong của da hoặc từ môi trường, đồng thời có tác dụng bảo vệ da khỏi các sang chấn từ môi trường.

3.2. Vai trò của chất dưỡng ẩm trong điều trị viêm da cơ địa

Giảm viêm, giảm ngứa, giảm khô da: Các hướng dẫn điều trị viêm da cơ địa đều khuyến cáo sử dụng chất dưỡng ẩm phù hợp sẽ giúp bảo vệ cho da, ngăn ngừa và duy trì hàng rào bảo vệ cho da. Chất làm mềm da và chất bảo vệ da giúp làm mềm kết cấu của da và làm giảm tình trạng ngứa do tình trạng khô da quá mức. Chất làm mềm da cũng tạo thành một lớp bảo vệ giúp giữ nước, ngăn cản quá trình bốc hơi nước qua da, phục hồi hàng rào bảo vệ sinh lý của da và ức chế sự xâm nhập của các yếu tố kích thích.

Một số nghiên cứu đã chứng minh các lợi ích và sự an toàn của các thành phần làm mềm trong điều trị viêm da cơ địa ở những nhóm tuổi khác nhau. Thành phần của chất làm mềm da có thể khác nhau rất nhiều, làm cho một sản phẩm có thể thích hợp với từng bệnh nhân cũng như tùy tình trạng bệnh.

Phục hồi hàng rào bảo vệ da, ngăn cản sự bám dính của vi khuẩn, ngăn cản sự xâm nhập của các tác nhân gây kích thích.

Giảm thời gian và tần suất sử dụng corticoid: Bởi vì corticosteroid có liên quan tới nhiều nguy cơ, các biến chứng, bao gồm rậm lông, giãn mạch, teo da vì thế không nên sử dụng lâu dài được.

Một số nghiên cứu cho rằng có thể giảm số lượng corticoid khi sử dụng chất làm mềm da kết hợp với costeroids. Tại một nghiên cứu trong 3 tuần của trẻ bị viêm da cơ địa mức độ nhẹ đến trung bình, sử dụng hydrocortisone cream 2,5% mỗi ngày một lần kèm theo một chất làm mềm được so sánh với hydrocortisone 2,5% hai lần mỗi ngày đơn thuần cho thấy triệu chứng da và kích thước tổn thương cải thiện đáng kể trong 7 ngày ở cả hai nhóm điều trị. Điều này cho thấy rằng việc sử dụng chất dưỡng ẩm có thể làm giảm lượng corticoid phải sử dụng cho bệnh nhân.

Duy trì và phòng ngừa tình trạng tái phát: Duy trì sự hydrat hóa tối ưu và giải quyết các rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ trong bệnh lý viêm da cơ địa có thể làm giảm tỷ lệ khô và kích ứng quá mức.

Một khuyến cáo thống nhất việc sử dụng chất làm mềm da ở mức tối thiểu hai lần mỗi ngày dù có hoặc không có triệu chứng bệnh; và nên được sử dụng sau khi tắm. Bệnh nhân viêm da cơ địa nên sử dụng liên tục chất làm mềm da để ngăn ngừa Da khô và kích ứng, với người lớn thường sử dụng 500-600 g mỗi tuần và trẻ em sử dụng 250 g mỗi tuần. Chất dưỡng ẩm nên được sử dụng trên khắp cơ thể chứ không chỉ trên những vùng da bị khô. Có thể sử dụng kéo dài, an toàn và không có tác dụng phụ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân viêm da cơ địa.

3.3. Các dạng dưỡng ẩm chính trong điều trị viêm da cơ địa

Có nhiều dạng bào chế khác nhau của chất dưỡng ẩm như dạng lotion, dạng creams, dạng mỡ ointment, dạng dầu.., tùy thuộc vào đặc tính của vùng da cần sử dụng có thể sử dụng các loại khác nhau. Dạng lotion thường được sử dụng cho những vùng Da đầu hoặc vùng da mặt để giảm sự bít tắc lỗ chân lông. Dạng cream, lotion thường hay được sử dụng vì tính thẩm mỹ cao. Dạng mỡ, dạng dầu thường hay dùng cho vùng da khô, dày giúp thẩm thấu tốt hơn.

  • Thuốc mỡ/ dầu (Ointment/ oily): Thuốc mỡ là chất dạng hơi đặc, giúp làm ẩm da bằng cơ chế ngăn chặn sự mất nước. Dạng dầu bôi trơn không có thành phần bổ sung, trong khi thuốc mỡ có chứa một tỷ lệ nhỏ trong nước hoặc các thành phần khác để làm cho thuốc mỡ mềm hơn. Thuốc mỡ rất tốt trong việc giúp da duy trì độ ẩm nhưng thường gây bết và gây bít tắc lỗ chân lông nên thường dùng cho những vùng da dày như lòng bàn tay, bàn chân.
  • Kem (Creams): Dạng kem là hỗn hợp của thuốc trong nước hay một chất lỏng khác. Chúng chứa một tỷ lệ thấp hơn của dầu, hay thuốc mỡ, làm cho chúng ít bết dính hơn. Tuy nhiên, các loại kem thường chứa các chất ổn định và chất bảo quản để ngăn tách các thành phần chính của chúng, và các chất phụ gia có thể gây kích ứng da hoặc thậm chí phản ứng dị ứng cho một số người.
  • Dạng dung dịch (Lotions): Lotions là một hỗn hợp của dầu và nước, trong đó nước là thành phần chính. Hầu hết các loại dạng lotion không hoạt động tốt như dạng kem dưỡng ẩm nên thường được dùng cho những người có tình trạng da khô nhẹ vì nước trong lotion bốc hơi nhanh chóng.

3.4. Tác dụng của chất dưỡng ẩm trong điều trị viêm da cơ địa

  • Tác dụng kháng viêm (anti-inflammatory): Các chất dưỡng ẩm mới hiện nay ngoài tác dụng là dưỡng ẩm, còn có tác dụng giảm viêm như glycerrhetinic acid, telmesteine, palmitoylethanolamine, hoặc có thành phần là chất lipid tự nhiên trên da (chất ceramid trong Ceradan, Physiogel ).
  • Tác dụng làm mềm (emollients): Cải thiện tình trạng hydrate hóa trên da và làm da trở nên mềm mại, bóng. Có tác dụng lấp đầy khoảng cách giữa các tế bào sừng, làm cho các tế bào trở nên kết dính hơn, ngăn không cho các dị nguyên và các tác nhân gây kích ứng xâm nhập vào da. Ví dụ như dầu thầu dầu, bột yến mạch, dầu bơ, Propylene glycol, Isopropyl palmitate...
  • Tác dụng như chất hút ẩm (Humectants): Hấp thu nước từ môi trường và các kênh dẫn nước từ trung bì. Ví dụ như Glycerin, mật ong, Hyaluronic acid, Panthenol, Urea.
  • Tác dụng giữ nước (Occlusive): Tạo một lớp màng bảo vệ để không cho hơi nước thoát ra. Thường hay kèm theo tác dụng giữ nước. Ví dụ như Lanolin, Petrolatum, dầu olive, dầu khoáng, cetyl alcohol, Parrafin...

4. Hướng dẫn sử dụng dưỡng ẩm

  • Lựa chọn chất dưỡng ẩm phù hợp với từng cá nhân, vị trí tổn thương và tình trạng khô da.
  • Nên sử dụng ít nhất 2-3 lần/ ngày. Nếu tình trạng da khô nhiều, có thể tăng số lần sử dụng.
  • Sử dụng ngay sau khi tắm/ rửa tay 3-5 phút để duy trì độ ẩm cho da.
  • Trong giai đoạn cấp, có thể sử dụng phối hợp với corticoid trong 2 tuần đầu. Bôi corticoid trước, sau đó bôi dưỡng ẩm lên trên.
  • Sử dụng cho người lớn 500-600gr/ tuần, trẻ em 250-300gr/ tuần.
  • Nên sử dụng duy trì hàng ngày dù không có tổn thương để phòng khởi phát bệnh.
  • Tránh sử dụng vào vùng niêm mạc như mắt, mũi, miệng.
  • Dạng cream thường có chất bảo quản nên có thể bị kích ứng, dị ứng khi sử dụng.

Bệnh lý viêm da cơ địa cần được điều trị sớm từ giai đoạn cấp đến điều trị duy trì. Chất dưỡng ẩm có vai trò vô cùng quan trọng, là một bước điều trị căn bản trong quản lý bệnh viêm da cơ địa. Cần lựa chọn chất dưỡng ẩm có bằng chứng lâm sàng về hiệu quả và an toàn ở trẻ em khi điều trị viêm da cơ địa cho đối tượng đặc biệt này.

Chất dưỡng ẩm có tính kháng viêm có thể giúp giảm nhu cầu sử dụng corticoid trong viêm da cơ địa mức độ nhẹ và trung bình, và có hiệu quả và an toàn trong điều trị cấp và duy trì hiệu quả điều trị.

Nguyên nhân gì gây viêm da cơ địa?

Viêm da cơ địa là một bệnh dị ứng, miễn dịch có tính gia đình. Nguyên nhân chính xác của viêm da cơ địa cho đến nay vẫn chưa thật rõ ràng. Một số giả thiết cho rằng do da quá khô và dễ bị kích thích, đồng thời, những rối loạn trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh cũng có thể gây Nổi mẩn ngứa trên da. Theo đó, tình trạng này có thể khởi phát sớm từ tuổi sơ sinh cũng như sẽ gặp nhiều trong gia đình có các thành viên có bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng...

Một số yếu tố khác được cho là làm Tình trạng viêm da dễ khởi phát hơn hay làm những triệu chứng nặng nề hơn như tắm nước nóng hoặc tắm quá lâu, thay đổi xà phòng, thay đổi nhiệt độ, bài tiết mồ hôi, môi trường có độ ẩm thấp, mặc quần áo lông cừu hoặc vải nhân tạo, len dạ, , tiếp xúc bụi bặm, lông động vật, khói thuốc lá hay ăn một số loại thực phẩm dễ bị dị ứng như trứng, sữa, cá, đậu nành hay lúa mì... Nói chung, để tìm kiếm nguyên nhân đôi khi cần phải thực hiện các xét nghiệm rất chuyên sâu nhưng cũng không phải lúc nào cũng xác định được. Do đó, người bệnh thường được khuyến cáo nên tránh các yếu tố dễ gây kích thích như đã liệt kê, nhằm hạn chế khả năng khởi phát bệnh.