Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân bệnh mạch vành

01/06/2021
Chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành là loại bệnh tim mạch rất thường gặp, do xơ vữa động mạch vành gây ra. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bệnh. Việc điều trị bệnh mạch vành bao gồm loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bằng thuốc, các thủ thuật để hạn chế những biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân có thể gặp phải.

Bệnh mạch vành thường do xơ vữa động mạch vành gây ra. Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa thường gặp như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, đái tháo đường, hút thuốc lá, ít vận động, phụ nữ sau mãn kinh, lớn tuổi...

Trong bệnh mạch vành, động mạch vành thường bị hẹp hoặc tắc nên vùng cơ tim tương ứng không được cấp máu nuôi dưỡng đầy đủ. Triệu chứng hay gặp của bệnh Mạch vành là đau thắt ngực ở nhiều mức độ khác nhau, và khó thở khi gắng sức hoặc cả khi nghỉ ngơi.

Việc điều trị bao gồm loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, sử dụng thuốc và tái thông động mạch vành bằng cách đặt stent hoặc mổ bắc cầu nối chủ vành. Đồng thời người bệnh buộc phải tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện để phòng ngừa các biến chứng và nhồi máu cơ tim tái phát. Một số vấn đề mà người bệnh cần đặc biệt chú ý:

Chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân bệnh mạch vành - ảnh 1
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành

1. Khi người bệnh vào viện

  • Người bệnh và người nuôi bệnh phải chấp hành đúng nội quy khoa phòng và bệnh viện.
  • Giữ vệ sinh chung, tiết kiệm điện nước, không đun nấu trong buồng bệnh.
  • Không hút thuốc lá, ăn theo chế độ ăn bệnh lý, chế độ ăn ít muối.
  • Thăm nuôi theo giờ quy định, không gây ồn ào, mất trật tự.
  • Tuân thủ điều trị, mặc trang phục người bệnh đúng quy định.
  • Người bệnh nằm yên tại giường và chỉ có một người thân chăm sóc và không gây mất trật tự.
  • Thân nhân được bác sĩ giải thích về bệnh và chỉ định can thiệp, lên kế hoạch can thiệp mạch vành.
Chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân bệnh mạch vành - ảnh 2
Bệnh nhân khi nằm viện cần tuân thủ đúng quy định tại bệnh viện

2. Trong quá trình điều trị

2.1. Tự theo dõi

  • Theo dõi các triệu chứng: đau ngực, khó thở, tiểu ít, táo bón, mất ngủ, vết chọc mạch ở cổ tay hoặc bẹn bị chảy máu... phải báo ngay cho nhân viên.
  • Hợp tác với điều dưỡng khi đo huyết áp, thực hiện y lệnh thuốc cũng như theo dõi bệnh nhân.
  • Nếu có biểu hiện bất thường như đau tức ngực, chảy máu vết chọc mạch, khó thở... hoặc các phản ứng bất lợi sau khi dùng thuốc phải báo cho bác sĩ để xử lý kịp thời.

2.2. Tự chăm sóc, điều trị, dinh dưỡng

  • Ăn theo chế độ ăn bệnh lý do Khoa Dinh dưỡng cung ứng.
  • Hạn chế chất bột đường, chất béo và kiêng ăn mặn.
  • Cấm người nhà và người bệnh hút thuốc lá.
  • Tắm rửa thường xuyên, vệ sinh răng miệng hằng ngày.
  • Uống thuốc đều đặn đúng giờ quy định, không được tự ý bỏ thuốc nhất là thuốc chống đông máu.
Chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân bệnh mạch vành - ảnh 3
Bệnh nhân bệnh mạch vành cần hạn chế ăn mặn

2.3. Dự phòng các biến chứng

Giáo dục phòng bệnh , tuân thủ điều trị nhằm hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

3. Khi ra viện

3.1. Áp dụng phương pháp thay đổi lối sống tích cực

  • Giảm cân nặng nếu thừa cân.
  • Hạn chế ăn mặn 2-4g muối mỗi ngày.
  • Hạn chế rượu bia 15- 20ml ethanol mỗi ngày.
  • Hạn chế chất béo, nên ăn dầu thực vật.
  • Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Ăn nhiều rau quả củ, ngũ cốc, tăng cường khoáng chất.
  • Tránh các xúc cảm mạnh, tránh lạnh đột ngột.
  • Tăng cường vận động 30-45 phút đi bộ mỗi ngày hoặc về sau có thể tập những môn thể thao yêu thích trong khả năng gắng sức.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân bệnh mạch vành - ảnh 4
Ăn nhiều rau xanh giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh mạch vàng

3.2. Khám chuyên khoa Tim mạch định kỳ

  • Đo huyết áp tại nhà bằng máy điện tử
  • Đừng do dự liên hệ tư vấn với bác sĩ điều trị khi cần thiết.
  • Không được tự ý thay đổi hoặc ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Trong trường hợp cần thiết thì liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
  • Khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Khi bị đau ngực trở lại hoặc có triệu chứng bất thường thì nên nhập viện hoặc tư vấn bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí kịp thời.