1. Rối loạn nuốt
Nuốt là một hành động phức tạp bao gồm cả phản xạ và vận động chủ động, với sự tham gia của hơn 30 cơ và dây Thần kinh có nhiệm vụ chính là đưa thức ăn từ khoang miệng xuống dạ dày, đồng thời bảo vệ đường thở ngăn không cho thức ăn đi lên mũi và đường hô hấp.
Rối loạn nuốt là tình trạng nuốt gặp khó khăn trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình nuốt. Rối loạn nuốt làm cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm, có thể dẫn tới nguy cơ suy dinh dưỡng, mất nước, viêm phổi hít sặc và thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân gây ra rối loạn nuốt có thể do các khiếm khuyết về mặt cấu trúc hoặc chức năng của khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản. Bên cạnh đó, có thể do những bất thường về mặt cấu trúc và chức năng:
- Bất thường về cấu trúc như: hẹp, co thắt thực quản, khe hở môi vòm miệng, thiểu sản hàm, túi thừa,...
- Bất thường về chức năng: thường xảy ra sau các bệnh lý thần kinh cơ, Tự miễn và chuyển hóa như: Chấn thương sọ não, bại não, tai biến mạch máu não, xơ cứng rác, tổn thương dây X sau phẫu thuật các khối u vùng cổ,...
2. Kích thích điện thần kinh cơ
2.1 Tổng quan
Kích thích điện thần kinh cơ là một kỹ năng ngày càng được sử dụng phổ biến trên lâm sàng, phối hợp với trị liệu truyền thống đem lại hiệu quả và an toàn trong điều trị rối loạn nuốt.
Nguyên tắc của kích thích điện thần kinh cơ là ngăn ngừa tình trạng hít sặc, tăng cường cơ chế bảo vệ của thanh quản, thông qua việc kích thích các nhóm cơ trên móng hoặc giữa xương móng và thanh quản, nhằm cải thiện khả năng di chuyển của thanh quản, tăng cường khả năng đóng dây thanh thông qua kích thích điện qua da, kích thích lên đường dẫn truyền cảm giác giúp tái cấu trúc vỏ não.
2.2 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định kích thích điện thần kinh cơ đối với những trường hợp sau:
- Rối loạn nuốt do tổn thương Não như: Chấn thương sọ não, u não, viêm não, tai biến mạch máu não, xơ cứng rải rác, bại não, Parkinson,...
- Rối loạn nuốt do tổn thương dây X: sau phẫu thuật vùng cổ do u tuyến giáp, u thực quản, hội chứng Guillain-garcin,...
Chống chỉ định đối với trường hợp:
- Phụ nữ mang thai
- Người mắc bệnh ung thư
- Người mang máy tạo nhịp tim hoặc có cấy ghép kim loại tại vùng điều trị
- Tổn thương da hoặc mất cảm giác tại vùng điều trị
- Phẫu thuật vùng cổ chưa ổn định, hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, chảy máu
- Tăng trương lực cơ vùng điều trị
2.3 Các bước thực hiện
Người thực hiện kích thích điện thần kinh cơ là bác sĩ phục hồi chức năng và chuyên viên ngôn ngữ trị liệu. Phương tiện để thực hiện bao gồm: máy Vocastim – Master với các phụ kiện kèm theo như điện cực, băng cố định điện cực. Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy. Đối với người bệnh, sẽ được bác sĩ giải thích và vệ sinh lau khô vùng da trước khi đặt điện cực.
Các bước tiến hành bao gồm:
- Bộc lộ vùng điều trị, đặt điện cực theo chỉ định
- Đặt các cực: Cực (-) đặt ở dưới cằm, cực (+) đặt ở chẩm
- Lựa chọn dòng điện xung điều trị:
- Dòng T/R,
- Tần số: 2.5kHz
- Dạng xung là xung tam giác, xung vuông, xung hình thang, xung lưỡi cày.
- Thời gian xung: t = 0,1 – 1000ms.
- Thời gian ngừng: R = 1,3,5 s.
- Cường độ: 0 – mA
- Tiến hành điều trị: tăng dần cường độ đến lúc khởi phát động tác nuốtKết thúc điều trị: tắt máy, tháo điện cực, ghi phiếu điều trị
- Thời gian thực hiện: 20 phút, 1 – 2 lần/ ngày.
- Theo dõi phản ứng của người bệnh tại chỗ và toàn thân, hoạt động của máy.
2.4 Tai biến và xử trí tai biến
Biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện kích thích điện thần kinh cơ bao gồm:
- Điện giật: cần tắt máy ngay lập tức, xử trí cấp cứu điện giật
- Bỏng tại chỗ: dừng điều trị và xử trí bỏng
- Quá mẫn: dừng điều trị, xử trí theo phác đồ.
Tóm lại, kích thích điện thần kinh cơ trong điều trị rối loạn nuốt là một phương pháp đang ngày càng được sử dụng phổ biến, sẽ giúp cho bệnh nhân tránh các biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Rối loạn nuốt sẽ gây ra khó khăn trong việc ăn uống, làm cho bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng, mất nước, thậm chí là tử vong. Do đó, khi có những biểu hiện bất thường về tình trạng nuốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.