1. COPD là gì?
COPD, viết tắt của Chronic Obstructive Pulmonary Disease, tức là Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong đó: Bệnh Phổi là một tình trạng bệnh lý có tổn thương nhu mô phổi và đường dẫn khí; Tắc Nghẽn là luồng khí lưu thông ra vào phổi bị cản trở hoặc tắc nghẽn một phần; Mạn Tính là dai dẳng, kéo dài, không hồi phục và để lại nhiều di chứng.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh có thể phòng ngừa được. COPD là hậu quả của sự tổn thương phổi do tiếp xúc thường xuyên và trong thời gian dài với các chất độc hại như: Khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, khói Than củi..., phổ biến nhất là khói thuốc lá. Việc tránh tiếp xúc từ sớm, hoặc dừng hẳn hút thuốc lá có ý nghĩa lớn trong việc phòng tránh hoặc điều trị COPD.
2. COPD có phải là bệnh phổ biến?
Với thói quen hút thuốc lá còn phổ biến, tỷ lệ COPD ngày càng gia tăng, và gánh nặng bệnh tật do COPD ngày càng lớn ở Việt Nam. Trung bình cứ 100 người thì có 12 người mắc COPD. COPD chủ yếu gặp ở người trên 40 tuổi. Nhưng trên thực tế, tổn thương phổi đã xuất hiện và tiến triển dần dần từ những năm 20 tuổi, khi họ bắt đầu hút những điếu thuốc lá đầu tiên. Do đó, COPD gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, do thói quen hút thuốc lá phổ biến hơn ở nam.
3. Triệu chứng của COPD là gì?
Nếu 4 triệu chứng điển hình của Hen suyễn là ho, khó thở, khò khè và nặng ngực, thì COPD cũng có các triệu chứng tương đương, nhưng có những điểm khác nhau về tính chất, như sau:
3.1. Ho
Ho thường là biểu hiện đầu tiên, có thể kèm theo khạc đàm hoặc không. Triệu chứng Ho ban đầu có thể thoáng qua, tái đi tái lại, và dần dần diễn ra thường xuyên hơn. Người bệnh thường đổ lỗi triệu chứng Ho này là do hút thuốc lá, và không cần phải đi khám hoặc chữa. Nhưng đến khi triệu chứng tiếp theo xuất hiện khiến họ bắt đầu thực sự lo lắng, đó là khó thở.
3.2. Khó thở và khò khè
Khó thở và khò khè xảy ra khi gắng sức, như là khi leo bộ lên cầu thang. Mức độ khó thở sẽ tăng dần, nhanh hay chậm tùy theo người bệnh còn tiếp tục hút thuốc hay không. Những hoạt động nặng hoặc cần mức gắng sức cao sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Tiếp theo, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như tắm giặt, đi bộ sẽ bị hạn chế. Thậm chí ở giai đoạn cuối, người bệnh chỉ còn có thể ngồi và tập trung thở mà thôi. Triệu chứng khó thở khiến vận động bị hạn chế thường là nguyên nhân đi khám.
3.3. Khạc đàm
Khạc đàm thường đi kèm với ho. Đàm biểu hiện cho hiện tượng viêm do tổn thương mạn tính tại đường dẫn khí. Đàm có thể trong hoặc đục, màu trắng hoặc vàng hoặc xanh. Sự thay đổi về màu sắc đàm và tăng lên về lượng đàm khạc ra mỗi ngày có thể là báo hiệu của một đợt kịch phát COPD sắp xuất hiện. Trong một đợt kịch phát cấp tính của COPD, tất cả các triệu chứng trên đều biểu hiện rầm rộ hơn, nặng nề hơn. Ví dụ như khó thở và khò khè dữ tợn, nặng ngực, khả năng gắng sức giảm rõ rệt, Ho khạc nhiều lần hơn với lượng đàm tăng lên và đàm đổi màu. Nguyên nhân dẫn đến các đợt kịch phát COPD thường gặp nhất là nhiễm virus hoặc vi trùng.
4. Nguyên nhân gây ra COPD là gì?
Hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ra các tổn thương mạn tính trong phổi và đường dẫn khí, sau nhiều năm sẽ tiến triển thành COPD. Các tổn thương này do hiện tượng viêm kéo dài trên bề mặt đường dẫn khí, gây ra phản xạ ho, tăng sản xuất đàm, và dần dần gây ra phá hủy các cấu trúc đàn hồi trong nhu mô phổi.
Hút thuốc lá xảy ra chủ yếu ở nam giới. Phụ nữ cũng có thể bị COPD với cơ chế tương tự như trên. Nhưng thông qua:
- Hút thuốc lá thụ động: Người tiếp xúc với khói thuốc lá của những người khác, như người vợ và trẻ em có chồng/cha hút thuốc lá trong nhà. Tác hại của hít khói thuốc lá thụ động tương đương 90% của người hút thuốc lá thực sự.
- Người đun nấu than/củi bếp: Khói sinh ra từ việc đốt than/củi (chất đốt sinh khối) cũng gây tác hại lên phổi và đường dẫn khí tương tự như khói thuốc lá.
- Người tiếp xúc khói nhang: Việc tiếp xúc với khói nhang thường xuyên và mật độ dày đặc, như các tu sĩ trong đình/chùa/miếu thờ, cũng gây tác hại lên phổi và đường dẫn khí tương tự như khói thuốc lá.
- Ô nhiễm môi trường: Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí cũng góp phần gây ra COPD, hoặc làm nặng hơn tình trạng COPD sẵn có. Không khí ô nhiễm trong nhà như bụi bặm, mụi than (lò sưởi), các bụi hóa chất, nấm mốc...; không khí ô nhiễm ngoài nhà như khói bụi từ phương tiện giao thông, chất thải... Không khí ô nhiễm kết hợp với việc hút thuốc lá làm gia tăng khả năng mắc bệnh COPD.
5. COPD có phải là suyễn không?
COPD và Hen suyễn là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau, dù cho cả hai đều là bệnh tại phổi và đường dẫn khí cũng như có biểu hiện chung là khó thở và khò khè. Một vài đặc điểm sau đây giúp phân biệt hai bệnh lý này:
- Trong COPD, tổn thương phổi và đường dẫn khí là không hồi phục. Đường dẫn khí bị hẹp cố định và các triệu chứng kéo dài dai dẳng (mạn tính). Các thuốc điều trị cũng không giúp ích gì nhiều trong việc mở rộng đường dẫn khí trở lại.
- Trong Hen suyễn, đường dẫn khí hẹp lại là do các cơ trơn xung quanh co thắt lại dưới sự kích thích của hiện tượng viêm cấp tính. Hiện tượng này là thoáng qua, tái đi tái lại và có thể hồi phục hoàn toàn một cách tự nhiên hoặc dưới tác động của các thuốc điều trị.
- Trong COPD, bên cạnh khó thở còn có triệu chứng ho và khạc đàm mạn tính.
- Trong Hen suyễn, triệu chứng khò khè, khó thở kịch phát về đêm là thường gặp. COPD thì lại không.
- COPD thường khởi phát sau 40 tuổi. Trong khi Hen suyễn, thường gặp dưới 35 tuổi, và cũng có thể phát bệnh từ rất sớm ngay từ thời nhũ nhi (dưới 1 tuổi).
- Bệnh nhân Hen suyễn thường có kèm thêm với các tình trạng Dị ứng như viêm mũi dị ứng, chàm, và các Dị ứng thuốc hoặc thức ăn.
Một số bệnh nhân đồng thời có cả hai bệnh Hen suyễn và COPD, ngày nay được gọi là “Chồng lắp Hen –COPD” (ACO: Asthma COPD Overlap). Thông tin thêm về Hen suyễn và ACO xin mời quý vị đón đọc trong những bài tiếp theo.
6. COPD được chẩn đoán như thế nào?
Các bác sĩ sẽ dựa vào các thông tin lâm sàng như sau:
- Tính chất của triệu chứng khó thở, khò khè, và các triệu chứng khác đi kèm.
- Mức độ ảnh hưởng gắng sức
- Tiền sử hút thuốc lá, nghề nghiệp tiếp xúc khói bụi...
- Tiền sử bệnh tim mạch, hen suyễn, dị ứng, các bệnh đồng mắc khác.
Khi thăm khám, một số dấu hiệu gợi ý COPD bao gồm:
- Tiếng thở có âm thanh Ngáy hoặc rít khi bác sĩ nghe bằng ống nghe: do luồng khí phải đi qua đường dẫn khí bị hẹp.
- “Lồng ngực hình thùng” và các “khoảng liên sườn giãn” khi phổi bị căng phồng quá mức do khí hít vào bị “giam giữ” trong phổi.
- Cách thở ra chúm môi: là cách mà người bệnh COPD được hướng dẫn hoặc tự tìm thấy để cảm thấy thở dễ hơn.
Đo chức năng hô hấp (Hô hấp ký):
- Là xét nghiệm tin cậy và phổ biến nhất để chẩn đoán COPD.
- Người bệnh cần hít sâu và thổi mạnh vào một dụng cụ nối với máy tính có thể đo được các chỉ số về luồng khí ra vào phổi, từ đó tính toán ra được chức năng phổi người bệnh hoạt động tốt như thế nào.
- Người bệnh có thể được yêu cầu dùng một loại thuốc xịt để tối ưu chức năng phổi, và sau đó thực hiện đo hô hấp ký lần 2. Đây gọi là test giãn phế quản. Sự khác biệt kết quả đo hô hấp ký trước và sau test Giãn phế quản cung cấp nhiều thông tin giúp ích cho chẩn đoán bệnh.
- Ngoài mục đích chẩn đoán có COPD, kết quả hô hấp ký còn giúp phân chia độ nặng của COPD, từ đó hướng dẫn chọn lựa điều trị phù hợp.
- Định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng, người bệnh COPD nên được kiểm tra hô hấp ký lại để đánh giá đáp ứng điều trị và tốc độ tiến triển của bệnh.
Thông tin thêm về Hô hấp ký trong chẩn đoán Hen suyễn và COPD xin mời quý vị đón đọc trong những bài tiếp theo. Ngoài ra, bệnh nhân còn được làm thêm một số xét nghiệm khác để góp phần chẩn đoán loại trừ một số tình trạng bệnh khác hoặc hỗ trợ điều trị như: X- quang tim phổi, CT lồng ngực, Xét nghiệm máu tìm thiếu máu và xem mức bạch cầu ái toan trong máu...
7. COPD nặng nề như thế nào?
Như mô Tả ở trên, các tổn thương phổi trong COPD là không hồi phục với tiến triển nặng dần. Chức năng phổi của người bị COPD sẽ suy giảm theo thời gian với tốc độ nhanh hơn người bình thường. Họ sẽ cảm thấy khó hít thở, cảm thấy luồng khí ra vào phổi của mình ít hơn, gây ra nhiều hạn chế trong cuộc sống
và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, người bệnh COPD rất thường hay gặp các đợt khó thở nặng hơn đột ngột khiến phải nhập viện điều trị. Đây gọi là những đợt kịch phát cấp tính của COPD. Khi đó chức năng phổi của bệnh nhân sẽ tụt giảm nhanh chóng, tiến trình điều trị khó khăn và kéo dài. COPD càng nặng, tần suất mắc các đợt kịch phát càng nhiều. Đợt kịch phát là nguyên nhân gây tử vong ở phần lớn các bệnh nhân COPD. Đến năm 2020, COPD được ước tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3, chỉ sau bệnh Tim mạch và đột quỵ.
Một yếu tố khác, COPD xảy ra trên người lớn tuổi sẽ kéo theo sự hiện diện của hàng loạt bệnh lý khác đi kèm theo, gọi là các bệnh đồng mắc, như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, trầm cảm, ngưng thở khi ngủ... Điều này làm tăng gánh nặng triệu chứng lên người bệnh, tăng chi phí điều trị và chăm sóc, và tăng tỷ lệ tử vong ở người bệnh COPD.