Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Lưu ý khi tiêm chủng vắc-xin phòng bại liệt

25/06/2021
Lưu ý khi tiêm chủng vắc-xin phòng bại liệt

Sử dụng vắc-xin phòng bại liệt là phương pháp phòng chống bệnh bại liệt hữu hiệu nhất. Trước khi tiêm chủng, cần lưu ý trẻ phải được khám sàng lọc trước tiêm và tư vấn theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc-xin, bởi trẻ có thể sẽ gặp một số phản ứng phụ sau khi tiêm chủng.

1. Vì sao cần tiêm vắc-xin phòng bại liệt?

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên khi vi-rút bại liệt xâm nhập vào cơ thể và tấn công hệ thần kinh trung ương. Bệnh bại liệt có thể gây liệt các chi, liệt nửa người, nặng hơn có thể làm liệt các cơ hô hấp, gây suy hô hấp dẫn đến tử vong. Vi-rút Bại liệt có ba týp là týp 1, týp 2 và týp 3. Cả ba týp này đều có thể gây bệnh, trong đó týp 1 phổ biến nhất, là nguyên nhân của hơn 90% các trường hợp bệnh bại liệt.

Vi-rút bại liệt vào cơ thể sẽ nhân lên ở đường tiêu hóa và thải ra ngoài qua phân. Nguồn chất thải này sẽ làm ô nhiễm thức ăn, nước uống và lây bệnh cho người khác qua đường ăn uống. Vi-rút bại liệt có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và rất dễ lây. Do đó, trước đây khi chưa có vắc-xin phòng bệnh, vi-rút bại liệt đã gây ra các dịch bệnh lớn, hoành hành khắp nơi trên thế giới. Cho đến nay, bệnh bại liệt vẫn chưa có thuốc chữa đặc hiệu, chỉ có các phương pháp điều trị nhằm giảm bớt triệu chứng bệnh.

Với sự thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã phòng bệnh thành công bệnh bại liệt từ năm 2000. Tuy nhiên, bệnh bại liệt vẫn chưa được kiểm soát tuyệt đối trên quy mô toàn cầu, với tình hình thông thương giữa các nước thuận tiện như hiện nay, bệnh bại liệt có thể quay lại bất cứ lúc nào, do đó phải luôn luôn chủ động phòng chống bệnh. Sử dụng vắc-xin bại liệt là biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả nhất. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) sử dụng vắc-xin bại liệt dạng tiêm hoàn toàn an toàn và giúp củng cố miễn dịch phòng chống bệnh bại liệt.

2. Những đối tượng nào cần tiêm vắc-xin phòng bại liệt?

Những trường hợp cần tiêm vắc-xin phòng bại liệt bao gồm:

  • Trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên
  • Những người trước đây chưa được tiêm vắc-xin phòng bại liệt
  • Những người đang sống ở những khu vực đang có dịch bại liệt
  • Những người làm công việc chăm sóc trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ mồ côi; các nhân viên y tế chăm sóc nhiều đối tượng bệnh nhân; các nhân viên làm việc trong phòng xét nghiệm phải tiếp xúc với nhiều mẫu bệnh phẩm, trong đó có thể chứa vi- rút bại liệt.
Lưu ý khi tiêm chủng vắc-xin phòng bại liệt - ảnh 1
Những người làm công việc chăm sóc trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ mồ côi là đối tượng cần tiêm vắc xin bại liệt

3. Cần tiêm bao nhiêu mũi bại liệt?

Vắc-xin bại liệt bao gồm loại đơn giá chỉ phòng bại liệt có OPV dạng uống và IPV dạng tiêm (sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam) và vắc-xin phòng bại liệt kết hợp trong vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 (sử dụng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ như Pentaxim, Infanrix hexa, Hexaxim).

  • Vắc-xin bại liệt đường uống (OPV): Là vắc-xin bại liệt sống giảm độc lực, trong đó tOPV là vắc-xin chứa kháng nguyên bại liệt týp 1,2,3 và bOPV là vắc-xin chứa kháng nguyên bại liệt týp 1 và 3. Hiện nay, bOPV đang được sử dụng thay thế cho tOPV do từ 9/2015 vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố loại bỏ bại liệt týp 2 trên toàn cầu. Mặc khác, do OPV là vắc-xin sống giảm độc lực, trong thành phần vắc-xin chứa các vi-rút đã bị làm suy yếu. Sau khi các ống vắc-xin dạng uống sử dụng xong phát tán ngoài môi trường, sẽ có một tỷ lệ (dù rất nhỏ) nguy cơ vi-rút biến đổi và gây bệnh cho cộng đồng. Sử dụng bOPV sẽ làm giảm các trường hợp bại liệt do vi-rút có nguồn gốc vắc-xin týp 2 gây ra.
  • Vắc-xin bất hoạt dạng tiêm (IPV): Chứa các vi-rút bất hoạt nên rất an toàn, chứa kháng nguyên của cả ba týp vi-rút bại liệt 1,2,3 có tác dụng kích thích cơ thể sinh kháng thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Việc sử dụng thêm một liều vắc-xin bại liệt dạng tiêm từ tháng tuổi thứ 5, bên cạnh vắc-xin bại liệt bOPV dạng uống giúp tăng cường miễn dịch bảo vệ đối với vi-rút bại liệt týp 1 và 3 đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với týp 2.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam hiện nay, lịch tiêm chủng vắc-xin phòng bại liệt cho trẻ em dưới 1 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện như sau:

  • Trẻ 2 tháng tuổi: uống vắc-xin bOPV lần 1
  • Trẻ 3 tháng tuổi: uống vắc-xin bOPV lần 2
  • Trẻ 4 tháng tuổi: uống vắc-xin bOPV lần 3
  • Trẻ 5 tháng tuổi: tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bại liệt IPV

Nếu trẻ không tiêm chủng được theo đúng lịch thì cần được tiêm sau đó và càng sớm càng tốt. Vắc-xin phòng bại liệt dạng tiêm có thể tiêm chủng cùng các vắc-xin khác trong một buổi tiêm chủng. Việc sử dụng vắc-xin OPV dạng uống và vắc-xin IPV dạng tiêm là an toàn, sử dụng cùng lúc 2 vắc-xin sẽ tạo miễn dịch phòng bệnh tốt hơn cho trẻ.

Đối với chương trình tiêm chủng dịch vụ, vắc-xin phòng bại liệt sẽ phối hợp cùng vắc-xin bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Hemophilus Influenza tysp b trong vắc-xin 5 trong 1 (Pentaxim) hoặc phối hợp cùng vắc-xin bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Hemophilus Influenza tysp b, Viêm gan B trong vắc-xin 6 trong 1 (Infanrix hexa, Hexaxim). Những vắc-xin này chứa kháng nguyên của cả ba týp vi-rút bại liệt 1,2,3 bất hoạt nên thường an toàn nhưng vẫn kích thích cơ thể sinh kháng thể tạo miễn dịch phòng bệnh một cách tối ưu.

Trẻ dưới 2 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 với phác đồ 4 liều vào 2,3,4, 18 tháng tuổi. Ngoài ra, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), Ủy ban phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), vắc-xin phòng bại liệt còn được nhắc lại cho trẻ lúc 4-6 tuổi cùng với vắc-xin phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván (ví dụ như vắc-xin 4 trong 1: Tetraxim)

4. Những lưu ý khi sử dụng vắc-xin phòng bại liệt dạng tiêm cho trẻ

Lưu ý khi tiêm chủng vắc-xin phòng bại liệt - ảnh 2
Cần tạm hoãn tiêm mũi bại liệt khi trẻ Sốt ≥ 37.5 độ C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.5 độ C

4.1. Không tiêm vắc-xin phòng bại liệt cho trẻ trong các trường hợp:

  • Trẻ có phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc-xin IPV hoặc vắc-xin có thành phần IPV trước đó
  • Trẻ dị ứng với các hoạt chất, tá dược trong vắc-xin hoặc dị ứng với neomycin, streptomycin, polymycine B
  • Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan đang giai đoạn cấp tính, ... có thể trì hoãn đến khi sức khỏe trẻ ổn định để sử dụng vắc-xin cho trẻ.

4.2. Tạm hoãn tiêm vắc-xin phòng bại liệt cho trẻ trong các trường hợp

  • Trẻ đang mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh cấp tính
  • Trẻ sốt ≥ 37.5 độ C (đối với phòng tiêm ngoài bệnh viện), sốt ≥ 38 độ C (đối với phòng tiêm tại bệnh viện) hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.5 độ C (nhiệt độ được đo tại nách)
  • Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị bằng corticoid liều cao tương đương prednisolone ≥ 2mg/kg/ngày cần tạm hoãn sử dụng vắc-xin sống giảm độc lực trong vòng 14 ngày
  • Trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm Globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ sử dụng Globulin miễn dịch điều trị viêm gan B

5. Cách theo dõi trẻ sau tiêm vắc-xin phòng bại liệt

  • Cho trẻ ở lại khu vực theo dõi sau tiêm chủng tối thiểu 30 phút sau tiêm để nhân viên y tế theo dõi trẻ và xử lý kịp thời những phản ứng bất thường có thể xảy ra
  • Cha mẹ theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24-48 giờ sau khi tiêm chủng. Các dấu hiệu cần theo dõi là toàn trạng tinh thần của trẻ (tỉnh táo, quấy khóc, li bì...), tình trạng ăn ngủ, bỏ bú, bú kém, nhiệt độ, phát ban trên da, sưng đỏ vị trí tiêm, thở nhanh, khó thở, tím tái, rối loạn tiêu hóa... khi phát hiện sức khỏe trẻ có gì bất thường, phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
  • Chú ý, bế và quan sát trẻ thường xuyên, không chạm, đè vào chỗ tiêm, không đắp bất cứ thứ gì vào chỗ tiêm. Cho trẻ ăn đủ bữa, đủ số lượng, thường xuyên kiểm tra trẻ vào ban đêm.

Vắc-xin bại liệt dạng tiêm rất an toàn. Tuy nhiên cũng giống như các vắc-xin khác, sau khi tiêm có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

  • Phản ứng thường gặp: đau, xuất hiện quầng đỏ, sưng tại nơi tiêm, sốt nhẹ. Các phản ứng này sẽ tự hết trong 1-2 ngày.
  • Phản ứng hiếm gặp (<0.01%): sưng, phù nề tại nơi tiêm có thể gặp trong 1-2 ngày, phản ứng dị ứng, nổi mày đay, phù mặt, sốc phản vệ với một trong các thành phần của vắc-xin, đau khớp, co giật, cơ thể kích thích, phát ban.
Lưu ý khi tiêm chủng vắc-xin phòng bại liệt - ảnh 3
Nếu trẻ quấy khóc dai dẳng, kích thích, vật vã cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay

Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ quấy khóc dai dẳng, kích thích, vật vã, lừ đừ, li bì, hôn mê...
  • Trẻ khó thở, thở nhanh, có dấu hiệu rút lõm hõm ức, rút lõm lồng ngực, tím quanh môi
  • Sốt cao > 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ
  • Tay chân lạnh, da nổi vân tím
  • Nôn trớ nhiều lần, bú kém, bỏ bữa
  • Trẻ phát ban, co giật
  • Các biểu hiện khác thường làm cho mẹ lo lắng.

Bên cạnh các loại vắc-xin phòng bại liệt dạng uống và dạng tiêm sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc-xin phối hợp giúp phòng chống bệnh bại liệt và nhiều loại bệnh khác chung trong một mũi tiêm, giúp giảm mũi tiêm, thuận lợi hơn cho trẻ và các bậc cha mẹ.