Vitamin A cho bà bầu: Những điều cần lưu ý

Bổ sung vitamin A khi mang thai là rất quan trọng đối với chức năng thị giác, miễn dịch nói riêng và sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi nói chung. Tuy nhiên bà bầu cần phải dùng liều vitamin A theo khuyến cáo để tránh phản ứng có hại cho em bé.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin A khi mang thai

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển về hình thái, chức năng và sự nguyên vẹn của mắt, vitamin A còn có tác dụng toàn thân, đặc biệt đối với một số cơ quan chuyên biệt và sự phát triển xương của thai nhi. Do đó, việc bổ sung vitamin A khi Mang thai là rất cần thiết.

Thiếu vitamin A ở phụ nữ mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương giác mạc ở thai nhi, nguy cơ dẫn đến mù vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Hầu hết bà bầu ở các nước đang phát triển đều gặp phải tình trạng thiếu hụt vitamin A khi mang thai.

Ngược lại, ở một số nước phát triển, việc bổ sung vitamin A quá mức trong thai kỳ lại là mối lo ngại lớn. Nếu dùng quá liều vitamin A cho bà bầu, vi chất dinh dưỡng này có thể gây ra dị tật thai nhi, nhất là trong 60 ngày đầu sau khi thụ thai. Bên cạnh đó, việc thường xuyên bổ sung vitamin A trước khi sinh cũng không được khuyến cáo.

Tuy nhiên, ở những khu vực, những quốc gia mà tình trạng thiếu hụt vitamin A đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng thì nên bổ sung vitamin A khi mang thai để ngăn ngừa bệnh quáng gà. Phụ nữ mang thai được khuyến khích bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tốt nhất là thông qua chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.

Vitamin A cho bà bầu: Những điều cần lưu ý - ảnh 1
Thiếu vitamin A ở phụ nữ mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương giác mạc ở thai nhi

2. Nguồn cung cấp vitamin A cho bà bầu

Ở người, vitamin A có ba dạng hoạt động chính (bao gồm retinal, retinol, retinoic acid) và một dạng dự trữ trong gan (retinyl ester). Cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin A, do đó nguồn cung cấp chủ yếu cho cơ thể là thông qua chế độ ăn uống, gồm 2 nguồn chính: vitamin A đã chuyển hoá (dưới dạng retinol và retinyl ester) và tiền vitamin A (các carotenoids, chủ yếu là beta-carotene và alpha-carotene).

Vitamin A đã chuyển hoá có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như các sản phẩm từ sữa (gồm sữa tươi, sữa chua và phô mai), gan, dầu cá và sữa mẹ. Tiền vitamin A có nhiều trong thực vật, chẳng hạn như các loại trái cây, rau và củ như cà rốt, bí ngô, cải xoăn, rau bina, khoai lang, đu đủ, xoài. Việc hấp thu vitamin A từ nguồn thực vật thường kém hơn so với nguồn động vật.

Quá trình hấp thu và chuyển hóa vitamin A trong cơ thể có liên quan đến khả năng hấp thu lipid. Với những người có chế độ ăn uống với hàm lượng chất béo cực kỳ thấp (dưới 5 - 10g/ngày) hoặc những đối tượng mắc các bệnh lý về tụy, gan và Viêm dạ dày ruột thường xuyên, gây cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thu lipid, dẫn đến kém hấp thu vitamin A.

3. Vitamin A được vận chuyển từ mẹ sang con như thế nào?

Quá trình vận chuyển vitamin A từ mẹ sang con xảy ra qua nhau thai trong suốt thời kỳ mang thai, khi sinh và qua tuyến vú trong thời kỳ cho con bú. Khi mang thai, nồng độ retinol trong Huyết thanh của bà bầu giảm (đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ 3) và hàng rào nhau thai có chọn lọc, dẫn đến dự trữ vitamin A ở trẻ sơ sinh giảm thấp để tránh nguy cơ dị tật do dư thừa vitamin A.

Sau khi sinh, phần lớn retinol Huyết thanh được vận chuyển đến vú, vào sữa mẹ và truyền cho con. Chính vì vậy, việc vận chuyển vitamin A thông qua sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ cung cấp lượng vitamin A gấp 60 lần so với qua đường nhau thai trong toàn bộ thai kỳ. Hơn nữa, sữa mẹ cũng cung cấp các tiền vitamin A hoạt hóa (carotenoids), hoạt động như các chất dinh dưỡng cần thiết bổ sung cho trẻ sơ sinh.

4. Nguy cơ thiếu hụt vitamin A khi mang thai

Thiếu hụt vitamin A là vấn đề mang tính toàn cầu, cùng với Thiếu máu do thiếu sắt và thiếu iot.

Trên lý thuyết, tất cả mọi người đều có nguy cơ gặp phải tình trạng này vào bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, từ lúc còn là phôi thai, phát triển thành thai nhi cho đến khi già. Tuy nhiên, trong thời gian khi mang thai và cho con bú, nguy cơ thiếu hụt vitamin A tăng cao do nhu cầu đối với loại vi chất dinh dưỡng này tăng lên đáng kể.

Dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh không chỉ ảnh hưởng đến những năm tháng đầu đời của trẻ, mà còn đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình phát triển và nguy cơ bệnh tật ở người trưởng thành, bao gồm tác động ngăn ngừa và hạn chế khởi phát các bệnh mãn tính không truyền nhiễm.

Thiếu hụt vitamin A khi mang thai thường xảy ra trong tam cá nguyệt cuối của thai kỳ vì sự gia tăng thể tích máu của mẹ và sự phát triển của thai nhi trong những tuần cuối trong bụng mẹ. Ngoài ra, nguy cơ thiếu hụt vitamin A thường tăng cao hơn đối với phụ nữ mang thai không bổ sung nguồn thực phẩm giàu vitamin A, gặp tình trạng nhiễm trùng, đái tháo đường hoặc tiểu đường thai kỳ.

Thiếu hụt vitamin A được coi là vấn đề sức khỏe ở nhiều nước đang phát triển. Hậu quả thường thấy nhất là gây ra bệnh quáng gà, phần lớn xảy ra ở khu vực Châu Phi và Đông Nam Á. Yếu tố kinh tế xã hội được xem là nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin A khi mang thai. Tình trạng này phổ biến hơn ở các nước nghèo, ở những khu vực và gia đình bị hạn chế về thu nhập, trình độ giáo dục, điều kiện nhà ở và cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế.

Vitamin A cho bà bầu: Những điều cần lưu ý - ảnh 2
Nguy cơ thiếu hụt vitamin A thường tăng cao hơn đối với phụ nữ gặp tình trạng nhiễm trùng, đái tháo đường

5. Tác hại do thiếu hụt và dư thừa vitamin A trong thai kỳ

5.1. Thiếu hụt vitamin A

Tình trạng thiếu hụt vitamin A khi mang thai có thể dẫn đến các rối loạn cận lâm sàng như giảm chuyển hóa sắt, thay đổi khả năng biệt hóa tế bào, giảm đáp ứng miễn dịch hoặc các rối loạn lâm sàng như tăng tỷ lệ bệnh tật, chậm phát triển, thiếu máu và đặc biệt là các bệnh về mắt, bao gồm quáng gà, loét giác mạc, khô nhuyễn giác mạc. Trong đó, Quáng gà là một trong những biểu hiện đầu tiên của tình trạng thiếu vitamin A. Ngoài ra, việc không đáp ứng đầy đủ nhu cầu vitamin A trong thời kỳ đầu hình thành thai nhi có thể dẫn đến những bất thường nghiêm trọng, bao gồm cả chết phôi thai sớm.

Thiếu hụt vitamin A ở bà bầu có thể là một trong những nguyên nhân gây hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi, gây ra đề kháng insulin và không dung nạp glucose ở tuổi trưởng thành. Hơn nữa, tình trạng này còn liên quan đến đái tháo đường và tiểu đường thai kỳ.

5.2. Dư thừa vitamin A

Bổ sung quá mức vitamin A khi mang thai có nguy cơ gây ra quái thai ở các nghiên cứu trên động vật. Dị tật thai tùy thuộc vào mức độ vitamin A dư thừa và giai đoạn mang thai. Nguy cơ tăng cao đối với 60 ngày đầu tiên sau khi thụ thai.

Isotretinoin là loại thuốc có chứa một trong một số các dẫn xuất của vitamin A, được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh về da liễu, đặc biệt là mụn nang và mụn trứng cá. Tuy nhiên, thuốc này có nguy cơ gây quái thai và chống chỉ định cho thai kỳ.

Sự gia tăng vitamin A do tạo thành trước trong máu mẹ ở tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ có nguy cơ dẫn đến Sảy thai và dị tật bẩm sinh liên quan đến hệ Tim mạch và hệ thống thần kinh trung ương.

6. Liều vitamin A cho bà bầu Vitamin A cho bà bầu: Những điều cần lưu ý - ảnh 3

Phụ nữ mang thai được khuyến khích bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tốt nhất thông qua chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh

Phụ nữ mang thai được khuyến khích bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tốt nhất thông qua chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Liều vitamin A cho bà bầu thiếu hụt nên được cung cấp hàng ngày hoặc hàng tuần. Theo hướng dẫn hiện tại của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, một liều vitamin A cho bà bầu có thể lên tới 10000 đơn vị mỗi ngày, hoặc 25000 đơn vị đối với liều hàng tuần.

Một liều bổ sung vitamin A cao hơn 10000 đơn vị hàng ngày (hoặc 25000 đơn vị hàng tuần) không được khuyến cáo vì tính an toàn của nó chưa được chứng minh, và có nguy cơ gây ra quái thai nếu bổ sung trong khoảng ngày 15 đến ngày 60 kể từ khi thụ thai.

Tóm lại, bổ sung vitamin A khi mang thai đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, nên thận trọng trong việc lựa chọn liều dùng và tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh trường hợp dùng quá liều dẫn đến tác dụng phụ cho mẹ và em bé.

Nguồn tham khảo: NCBI; WHO

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung
Đặt lịch khám nhanh