Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Nội soi dạ dày cần lưu ý những gì?

10/06/2021
Nội soi dạ dày cần lưu ý những gì?

Nội soi dạ dày (bao tử) là gọi tắt của thủ thuật, bao gồm: Nội soi thực quản, dạ dày và tá tràng, được áp dụng để thăm khám bên trong đường tiêu hóa nhờ một camera gắn ở ngay đầu ống nội soi. Thủ thuật này được áp dụng rộng rãi nhằm để chẩn đoán và điều trị những bệnh lý về thực quản, dạ dày và tá tràng.

1. Tìm hiểu về Nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày thường thực hiện qua đường miệng để chẩn đoán và điều trị.

Bác sĩ sẽ chỉ định nội soi dạ dày nhằm mục đích:

  • Xác định nguyên nhân của các triệu chứng: Nội soi dạ dày sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra những triệu chứng liên quan đến đường tiêu hoá như buồn nôn, nôn mửa, ợ hơi, ợ chua, Ho kéo dài, đau bụng, nuốt khó và chảy máu đường tiêu hóa..
  • Chẩn đoán: Bác sĩ sẽ thấy được hình ảnh và lấy mẫu sinh thiết để Xét nghiệm và chẩn đoán các bệnh lý như thiếu máu, xuất huyết, viêm, tiêu chảy hay ung thư đường tiêu hoá.
  • Điều trị: Bác sĩ có thể luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa như xuất huyết đường tiêu hóa, nong thực quản, cắt pô-lýp hoặc lấy dị vật trong đường tiêu hóa.

2. Các bước chuẩn bị nội soi dạ dày

Trước khi nội soi, bác sĩ gây mê sẽ kiểm tra tiền sử bệnh nội, ngoại khoa của bệnh nhân và các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ gây mê biết nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy chấp thuận để xác nhận là đã hiểu rõ về những rủi ro có thể xảy ra khi nội soi và đồng ý thực hiện thủ thuật này. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến sự cần thiết của nội soi, các rủi ro, cách thực hiện hoặc kết quả nội soi thì bệnh nhân nên hỏi lại bác sĩ để được giải thích cụ thể hơn.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân những việc cần thực hiện như:

  • Nhịn ăn và uống trước khi nội soi từ 4 đến 8 tiếng với mục đích để dạ dày sạch, thuận lợi cho việc nội soi.
  • Ngừng sử dụng một số loại thuốc nhất định, ví dụ như cần ngưng sử dụng thuốc chống đông vài ngày trước khi nội soi vì thuốc chống đông sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết trong trường hợp cần làm một số thủ thuật trong quá trình nội soi. Nếu bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như tiểu đường, bệnh Tim mạch hay Huyết áp cao thì bác sĩ gây mê sẽ hướng dẫn cụ thể về các loại thuốc đang dùng.

Nội soi dạ dày qua đường miệng gây ra cảm giác khó chịu cho bệnh nhân, vì vậy thuốc gây mê được khuyến khích sử dụng trong trường hợp này để giúp bệnh nhân trở nên dễ chịu hơn.

Bệnh nhân chỉ cần nhập viện trong ngày để thực hiện thủ thuật này tại phòng nội soi. Bệnh nhân nên có kế hoạch nghỉ ngơi sau khi nội soi có sử dụng thuốc gây mê. Khi thuốc gây mê hết tác dụng, có thể bệnh nhân vẫn cảm thấy tỉnh táo nhưng phản xạ và khả năng phán đoán của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tạm thời nên cần thu xếp để có người thân đưa về nhà. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi đến hết ngày và không nên có những quyết định quan trọng liên quan đến các vấn đề cá nhân hay tài chính trong vòng 24 giờ sau khi nội soi.

2.1 Thủ thuật nội soi

Trong quá trình nội soi dạ dày, bệnh nhân sẽ nằm nghiêng bên trái. Thiết bị theo dõi sẽ được gắn trên người bệnh nhân để theo dõi nhịp thở, huyết áp và nhịp tim. Thuốc gây mê được truyền qua đường tĩnh mạch trên cánh tay để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn trong quá trình nội soi.

Khi ống nội soi đi qua thực quản và xuống dạ dày, một camera rất nhỏ ở đầu ống nội soi sẽ truyền hình ảnh bên trong tới màn hình bên ngoài. Bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh trên màn hình để tìm ra các bất thường bên trong đường tiêu hóa. Nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ sẽ chụp và ghi lại để kiểm tra.

Có thể không khí sẽ được bơm nhẹ vào thực quản của bệnh nhân để làm căng phồng ống tiêu hoá, giúp cho ống nội soi di chuyển dễ dàng hơn và bác sĩ quan sát rõ hơn những nếp gấp của ống tiêu hoá. Không khí bơm vào có thể sẽ làm cho bệnh nhân có cảm giác căng tức hoặc đầy hơi.

Khi cần, bác sĩ có thể luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để lấy mẫu sinh thiết hay thực hiện các thủ thuật điều trị như nong, cắt polyp, điều trị xuất huyết... tùy thuộc vào bệnh lý được phát hiện trong quá trình nội soi.

Sau khi nội soi xong, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng rút ống nội soi ra khỏi miệng, tổng thời gian chuẩn bị và nội soi dạ dày thường kéo dài khoảng 20 phút, tùy vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.

2.2 Phục hồi sau nội soi

Bệnh nhân sẽ được chuyển sang phòng hồi tỉnh rồi về khu lưu viện trong ngày để nghỉ ngơi và theo dõi thêm một vài giờ sau khi nội soi cho đến khi thuốc gây mê hết tác dụng hoàn toàn. Bệnh nhân lớn tuổi cần có người thân đưa về nhà và ở cùng nhiều giờ sau đó.

Khi về nhà, bệnh nhân có thể sẽ gặp một vài dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu nhẹ như:

  • Đầy hơi và tức bụng
  • Quặn bụng
  • Rát họng

Những dấu hiệu và triệu chứng nêu trên sẽ hết từ từ. Nếu bệnh nhân lo lắng hoặc cảm thấy quá khó chịu thì hãy gọi cho bác sĩ để xin ý kiến. Sau khi nội soi với thuốc gây mê, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi đến hết ngày. Hầu hết bệnh nhân đều có thể ăn uống bình thường sau khi nội soi.