1. Nghiện soda là gì?
Nghiện là một rối Loạn tâm thần và sinh lý được đặc trưng bởi việc tiếp tục sử dụng một chất nào đó mặc dù nó ảnh hưởng tiêu cực đến bạn. Mọi người có thể nghiện nhiều loại chất và nghiện cả một số hành vi. Ví dụ: nghiện ma tuý, nghiện rượu, một số thuốc điều trị như corticoid, nghiện Tình dục và thậm chí cả nghiện điện thoại thông minh.
Nghiện soda không có một định nghĩa chính thức, và hiện tại thì không có đủ bằng chứng khoa học cho thấy rằng nó là một rối loạn thực sự.
Đối với bài viết này, nghiện soda, hoặc phụ thuộc vào soda được định nghĩa là uống quá nhiều soda mà không thể bỏ hoặc kiểm soát lượng soda uống vào mỗi ngày ngay cả khi nó đã gây ra các tác động tiêu cực đến bạn.
Chứng nghiện thực phẩm, bao gồm nghiện soda có rất nhiều trạng thái, hành vi giống với nghiện ma túy. Vì soda có chứa một số chất có khả năng gây thèm như caffeine, natri và đường hoặc chất ngọt nhân tạo, nên uống soda rất dễ gây nghiện hơn bạn nghĩ.
2. Triệu chứng nghiện soda
Các triệu chứng phụ thuộc soda chủ yếu liên quan đến chức năng của Não và hệ Thần kinh của bạn. Ví dụ, các triệu chứng bạn có thể gặp phải bao gồm:
- Cảm giác rất thèm
- Một cơn khát chỉ có thể được thỏa mãn bằng soda
- Một cảm giác phụ thuộc đối với việc uống soda
- Không có khả năng kiểm soát lượng soda bạn uống vào
Một số các triệu chứng khác giống như các triệu chứng của việc cai nghiện như đau đầu, khó chịu, tâm trạng chán nản hoặc uể oải khi không có soda để uống.
3. Hậu quả của việc nghiện soda
Phụ thuộc soda có thể có một số tác dụng phụ.
- Ảnh hưởng đến răng miệng: soda có tính axit, và theo thời gian, nó có thể làm mất màu răng và làm mòn men răng, do đó làm suy yếu răng khiến bạn dễ bị Sâu răng và các vấn đề răng miệng khác. Nếu bạn uống soda đường đầy đủ thay vì soda ăn kiêng, thì vấn đề về răng miệng còn trở nên tồi tệ hơn vì đường nuôi dưỡng vi khuẩn và hình thành mảng bám, do đó thúc đẩy nhanh quá trình sâu răng
- Ảnh hưởng tới xương: Axit photphoric trong các loại soda sẫm màu cũng có thể góp phần gây loãng xương, giòn xương.
- Tăng cân không mong muốn: uống quá nhiều soda, kể cả soda thông thường và soda ăn kiêng đều dẫn tới tăng cân không mong muốn. Trong soda ăn kiêng có thể vẫn chứa các chất ngọt nhân tạo khiến bạn dễ trở nên nghiện món đồ uống này và vẫn có thể tăng cân như thường. Một cốc soda thông thường dung tích khoảng 240ml sẽ cung cấp khoảng 100 calo – bao gồm cả đường. Và nếu bạn uống một cốc size lớn 480 ml mỗi bữa ăn thì bạn đã thêm vào đó 600 calo cho mỗi bữa ăn.
Hiển nhiên là dù với bất kỳ lý do gì thì việc tiêu thụ một lượng đường lớn có thể gây tăng cân không mong muốn, tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 và cả bệnh tim mạch. Uống soda có đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gan nhiễm mỡ không do rượu ở cả người lớn và trẻ em.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com