1. Những lợi ích của vitamin C đối với sức khỏe
Vitamin C (sinh tố C hay Ascorbic acid) là một trong những loại vitamin vô cùng cần thiết đối với cơ thể. Vitamin C có mặt trong nhiều loại loại rau quả tươi. Loại vitamin này đảm nhiệm nhiều vai trò đối với quá trình trao đổi chất và chức năng của các cơ quan quan trọng. Cơ thể không thể tự tổng hợp được vitamin C mà buộc phải bổ sung từ các loại thực phẩm, viên uống, viên sủi, thuốc tiêm,...
Một số tác dụng của vitamin C đối với con người gồm:
1.1 Miễn dịch, thải độc
Vitamin C có khả năng hỗ trợ sản xuất Interferon - một loại protein do tế bào cơ thể tạo ra (có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh và là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch).
Đồng thời, vitamin C còn có khả năng làm giảm độc tính của thuốc, hỗ trợ đào thải chúng ra ngoài qua đường nước tiểu. Thiếu hụt vitamin C dễ gây suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là viêm đường hô hấp trên;
1.2 Tạo collagen, chống oxy hóa
Vitamin C có chức năng sản xuất collagen từ tropocollagen. Collagen là thành phần protein chính của mô liên kết xương, dây chằng, sụn.
Vitamin C có thể hỗ trợ vitamin E, các enzyme chống oxy hóa như catalase, glutathione peroxidase,... giúp bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân bất lợi từ bên ngoài.
Đồng thời, công dụng này của vitamin C còn giúp da có khả năng chống lại các gốc tự do sinh ra bởi tia cực tím, tránh Tàn nhang và ngăn ngừa lão hóa da, khắc phục tình trạng khô xơ của tóc;
1.3 Tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh
Vitamin C có hàm lượng cao trong các mô Não và tuyến thượng thận, tham gia vào việc sản xuất các hormone và chất dẫn truyền thần kinh như Serotonin, Norepinephrine.
Đồng thời, nó còn giúp cơ thể hấp thu các chất như canxi, sắt, acid folic, giúp ngăn chặn tình trạng thiếu máu;
1.4 Phòng ngừa bệnh tim mạch
Vitamin C giúp cải thiện độ bền của thành mạch, đặc biệt là với các mạch máu nuôi tim.
Đồng thời, loại vitamin này còn giúp chống lại quá trình hình thành cục máu đông, ngăn chặn tình trạng xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ tắc mạch và hạn chế tăng huyết áp;
1.5 Tác dụng khác
Ngăn ngừa quá trình thoái hóa xương khớp, cải thiện tình trạng nhiễm độc chì, trị cảm lạnh, Cảm cúm và điều hòa nồng độ cholesterol trong máu.
2. Đau dạ dày có uống được vitamin C không?
Một số bệnh nhân đau dạ dày băn khoăn về việc có nên uống vitamin C hay không vì lo lắng việc bổ sung loại vitamin này có thể gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày, làm giảm độ pH của dịch vị dạ dày và khiến bệnh chuyển biến xấu hơn.
Theo các chuyên gia, đau dạ dày là biểu hiện đặc trưng của các bệnh lý ở đường tiêu hóa như viêm Loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, mắc Hội chứng Zollinger-Ellison hoặc nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori. Thông thường, bệnh nhân bị đau dạ dày cần phải kiêng một số loại thực phẩm, đồ uống và một số loại thuốc nhất định.
Tuy nhiên, với vitamin C, bệnh nhân đau dạ dày hoàn toàn có thể bổ sung hằng ngày để cải thiện sức khỏe và khả năng miễn dịch. Với tác dụng cải thiện sức đề kháng, vitamin C hỗ trợ cho quá trình ức chế, đào thải vi khuẩn Helicobacter Pylori (nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày) ra khỏi cơ thể.
Đồng thời, loại vitamin này còn thúc đẩy quá trình tái tạo niêm mạc dạ dày, cải thiện cho Tình trạng viêm loét dạ dày, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất của các cơ quan tiêu hóa.
Đặc biệt, thực tế cho thấy việc bổ sung vitamin C đi kèm với kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton trong điều trị viêm Loét dạ dày dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori còn có tác dụng làm giảm kích thích lên niêm mạc đường tiêu hóa và hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ.
3. Người bị đau dạ dày khi bổ sung vitamin C cần lưu ý điều gì?
Người dùng cần chú ý việc bổ sung thừa hoặc thiếu vitamin C đều gây ra những ảnh hưởng xấu đối với cơ thể. Cụ thể, nếu thiếu vitamin C sẽ gây ra hàng loạt bệnh lý làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dễ gây nhiễm trùng, vết thương lâu lành, gặp các vấn đề về răng, tóc, da,... Ngược lại, cơ thể bị thừa vitamin C cũng có thể gây bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, tiêu chảy, tăng nguy cơ mắc bệnh gút, sỏi thận,...
Do vậy, khi bổ sung vitamin C, người đau dạ dày cần chú ý tới những vấn đề sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng vitamin C với liều lượng thích hợp. Tuyệt đối không sử dụng vitamin C khi chưa được bác sĩ hướng dẫn sử dụng;
- Có thể dùng vitamin C ở dạng viên uống, thuốc dạng bột hoặc hỗn dịch. Vậy đau dạ dày có uống được C sủi không? Câu trả lời là không. So với viên nén, khi uống viên sủi có hàm lượng vitamin C cao, nó sẽ làm tăng độ axit gây ăn mòn dạ dày. Với người bị bệnh dạ dày, viên sủi có thể làm bệnh trầm trọng hơn, dễ gây viêm loét, xuất huyết dạ dày nghiêm trọng;
- Nên dùng vitamin C trước hoặc sau khi ăn. Với thuốc bổ sung vitamin C dạng bột, người dùng có thể hòa chung với các loại nước ép hoặc thức ăn mềm;
- Nên uống vitamin C vào buổi sáng, không nên uống vào ban đêm để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận;
- Bổ sung vitamin C có thể làm tăng nguy cơ hình thành Sỏi thận nên người dùng cần uống nhiều nước, bổ sung thêm rau xanh và đi vệ sinh khi có nhu cầu để hạn chế nguy cơ bị sỏi thận;
- Không sử dụng vitamin C liều cao cho những đối tượng bị thiếu hụt glucose – 6 – phosphat dehydrogenase, người có tiền sử sỏi thận, bị tăng oxalat niệu và rối loạn oxalat;
- Vitamin C dễ tan trong nước, không giữ được trong cơ thể. Vì vậy, cần bổ sung vitamin C hằng ngày;
- Sử dụng vitamin C có thể gây ra các tác dụng phụ như khi tăng oxalat niệu sẽ gây buồn nôn, nôn, ợ nóng, co cơ bụng; uống nhiều vitamin C có thể bị tiêu chảy; tác động đến thần kinh trung ương gây Ngất xỉu, chóng mặt,...;
- Ưu tiên bổ sung vitamin C bằng các loại thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao nhưng không có vị chua vì chúng thường không gây sỏi thận hay các tác dụng phụ khác.
4. Các loại thực phẩm giàu vitamin C tốt cho người bị đau dạ dày
Ngoài việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin C, người dùng nên tăng cường đưa các loại thực phẩm giàu vitamin C vào chế độ ăn uống hằng ngày.
Một số loại thực phẩm giàu vitamin C và không hại dạ dày gồm:
- Súp lơ xanh: 1 bát súp lơ xanh nấu chín có khoảng 50mg vitamin C;
- Súp lơ trắng: 1 bát súp lơ trắng chứa 40mg vitamin C;
- Ổi: 1 quả ổi có thể bổ sung 200mg vitamin C cho cơ thể;
- Ớt chuông đỏ: 1⁄2 bát ớt chuông đỏ giúp bổ sung tới 95mg vitamin C;
- Khoai tây: 1 củ khoai tây nướng có 20mg vitamin C;
- Kiwi: 1 miếng kiwi có tới 273mg vitamin C;
- Đu đủ: 100g đu đủ có khoảng 90mg vitamin C;
- Dâu tây: 152g dâu tây cung cấp 89mg vitamin C;
- Rau quả giàu vitamin C khác: Su hào, cải bắp, măng tây, rau mùi tây, mướp đắng, trái bơ, trái vải, rau họ cải, đậu hà lan, cà rốt, bạc hà,...
Vitamin C không gây kích thích niêm mạc hay ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của hệ tiêu hóa. Ngược lại, loại vitamin này có tác dụng ức chế vi khuẩn Helicobacter Pylori và hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở dạ dày.
Tuy nhiên, việc bổ sung quá liều lượng vitamin C có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, mỗi người cần bổ sung vitamin C đúng cách theo khuyến nghị của bác sĩ để đảm bảo tác dụng của loại vitamin này và ngăn ngừa các tác dụng phụ không mong muốn.